Tết đầu tiên ở đảo

Một ngày mùa đông năm 1997, nước cạn, tàu đỗ cách bờ biển khoảng một cây số, ông Trần Văn Hải vác bao tải gạo 70 kg trên vai lội bộ đến hòn đảo miền biên viễn: đảo Thanh Lân (thuộc xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh). Đó là “gia tài” quý giá nhất để cả gia đình sáu người bắt đầu cuộc sống nơi ở mới. Cùng với 30 gia đình khác người Nam Định, ông Hải cùng vợ con rời quê ra đảo theo lời kêu gọi đi làm kinh tế mới. 

 Tranh: LÊ KINH TÀI
Tranh: LÊ KINH TÀI

1. Ngày ấy, mỗi gia đình di dân ra đảo đều được cấp một ngôi nhà, gồm một gian chính và một chái bếp. Họ đều thuộc diện hộ nghèo ở đất liền, nên chuyến đi này cũng rất giản đơn, chỉ là một cuộc di dời chỗ ở. Chẳng có tài sản gì nhiều, những thứ họ mang theo trong chuyến “thiên di” của mình chỉ là một bao tải gạo và vài bao tải quần áo. Đó là một ngày cuối năm, nên họ còn mang theo vài cân gạo nếp để chuẩn bị cho nồi bánh chưng ngày Tết. 

Mỗi đợt di dân, người ta thường đi theo huyện, theo làng và ở tập trung thành một khu dân cư trên đảo, trở thành những người hàng xóm thân thiết, lập nên những làng chài, làng buôn, làng nông nghiệp... như làng Hải Phòng thì chủ yếu trồng trọt, chăn nuôi; làng Thanh Hóa có nghề chèo mảng câu mực; làng Nghệ An, Hà Tĩnh có nghề đánh cá; còn làng Nam Định, Thái Bình là nơi tập trung những người buôn bán. Rừng vàng và biển bạc với những sản vật dồi dào đã hào phóng ban tặng cho con người một cuộc sống ấm no. Bởi thế mà người ta cứ lần lượt theo nhau ra đảo để sinh cơ lập nghiệp. Hòn đảo nhỏ dần trở nên đông vui hơn, đầm ấm hơn. 

Suốt cả tháng đầu tiên, tất cả những người dân di cư chỉ làm mỗi một công việc duy nhất, đó là dọn dẹp nhà cửa, vỡ hoang đất đai. Họ trồng những bụi sả quanh nhà để xua đuổi rắn rết và ruồi muỗi, rồi đến những bụi gừng, những đám nhọ nồi, sài đất để dành làm thuốc cho bọn trẻ con và cuối cùng là những luống rau tươi tốt. Cuộc sống trên đảo chủ yếu là tự cung tự cấp, họ tự tìm hái những quả cam, quả quýt, nải chuối, quả bòng từ các vườn cây cổ do người đi trước trồng để bày mâm ngũ quả…

Bắt đầu cuộc sống mới ở một hòn đảo xa xôi, hoang vắng nhưng cái Tết của những ngư phủ này cũng “rôm rả” chẳng thua kém đất liền; cũng là những ngày rộn ràng đụng lợn, chung nhau gói bánh chưng, cũng là những tối đám trẻ con túm tụm thức thâu đêm trông bánh… Mãi đến năm 2013, toàn huyện Cô Tô mới có điện lưới quốc gia, nên trước đó, những mâm cơm Tết sum vầy đều diễn ra dưới quầng sáng ấm áp của những ngọn đèn hoa kỳ, đèn bão. 

2. Những ngày giáp Tết, ông Hải và các gia đình đầu tiên ra đảo đều có một niềm trông ngóng chung, ấy là ngóng những chuyến tàu từ đất liền ra đảo. Họ thường kéo nhau ra cầu tàu để chờ tàu cập bến, chờ kéo từ sàn tàu lên những bao hàng hóa, những rọ lợn, bu gà để cái Tết thêm trọn vẹn. Hồi ấy, chiếc cầu tàu trên đảo chưa được xây dựng hiện đại như bây giờ. Nó chỉ là một con đường bê-tông thẳng tắp, chạy dài ra phía biển. Không lan-can, không mái che, không barie chắn cản, chiếc cầu tàu cứ thế vươn dài về phía mênh mông, như thể một bàn tay vươn ra để chờ nắm lấy một bàn tay. Cũng những ngày đó, tàu ra đảo hai ngày mới có một chuyến. Người dân trên đảo đã thuộc nằm lòng, cứ ngày chẵn thì có tàu vào đất liền, còn ngày lẻ thì tàu từ đất liền ra. Tàu gỗ, chòng chành “xóc cua xóc cá” suốt bốn tiếng đồng hồ, trồi hụp trên những ngọn sóng. Người, vật, mắm muối, cá tôm lẫn cả vào với nhau, mặn mòi vị biển. Dịp cuối năm là những ngày chiếc cầu tàu rộn ràng hơn cả.

Thế rồi những chuyến tàu ra đảo có tần suất ngày một dày hơn, trên ấy, ngoài những người dân đi làm kinh tế còn có cả những vị khách du lịch. Có điện lưới quốc gia, đảo Cô Tô bứt phá một cách ngoạn mục, trở thành một hòn đảo du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Ninh, mỗi năm thu hút tới hơn 200 nghìn lượt khách. Gia đình ông Hải và nhiều gia đình khác, từ chỗ chỉ là những ngư dân thuần phác, nay đã có thêm nghề mới: làm du lịch. Ngôi nhà cấp bốn được xây dựng thành một nhà nghỉ bốn tầng khang trang, các con trai của ông Hải, ngoài những giờ đi biển, còn bận rộn đưa đón khách và làm hướng dẫn viên bản địa. 

Sau 23 năm, từ cái Tết đầu tiên còn nhiều khó khăn, Tết năm nay, cùng gia đình ông đón Giao thừa đã có thêm vài vị khách du lịch. Ngày cuối cùng của năm cũ, họ quây quần bên mâm cơm đầm ấm như một gia đình thật sự, cùng chia sẻ những câu chuyện “ngày này năm xưa” và uống những chén rượu dứa rừng thơm thảo, đậm đà tình người, tình biển đảo.