Ngỡ ngàng Trấn Yên

15 cây số nữa mới tới xã Trấn Yên. Tất cả đều quyết tâm đi về cho kịp hội làng. Theo nhà văn Nguyễn Thị Mai (Hội Văn học nghệ thuật Lạng Sơn), lễ hội Trấn Yên kỳ lạ lắm! Cứ đi rồi sẽ biết. 

Đứng trên đỉnh Nà Lay, du khách có thể ngắm toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn.
Đứng trên đỉnh Nà Lay, du khách có thể ngắm toàn cảnh thung lũng Bắc Sơn.

Lễ hội… mặt xấu

Về trấn Bắc Sơn (Lạng Sơn), tôi như đi mộng du trong sương mù đèo dốc. Thuê xe máy ở Lạng Sơn cực kỳ dễ. Chúng tôi đi từ rất sớm vậy mà dò dẫm mãi phải mất ba tiếng mới tới thị trấn Bắc Sơn. Dừng nghỉ tại di tích Khởi nghĩa Bắc Sơn ai cũng thở phào. Con nắng vẫn còn le lói trên sườn núi. 

Con đường khúc khuỷu lắm đá sỏi không cản được sự háo hức. Nhất là khi trong sương bay mờ ảo trên dốc núi xuất hiện bóng những cô gái Tày. Chả mấy chốc thung lũng Trấn Yên hiện ra trước mặt. Ai ngờ vừa xuống dốc thôn Khưa Cả thì tất cả dừng lại vì phía trước có mấy chiếc xe ô-tô. Bên phải đường có một ngôi miếu. Hỏi ra mới biết đó là miếu thờ… những tên cướp. Miếu Xa Vùn.

Lễ hội ở Trấn Yên cũng bắt đầu từ đây. Ông Hoàng Văn Dần, người coi miếu kể, xưa bản Khưa Cả sống yên lành no ấm. Bỗng có toán cướp hung hãn từ trên núi tràn xuống. Dân bản Khưa Cả hoang mang lo sợ. Thanh niên trong bản bàn mưu tìm cách tiêu diệt bọn cướp. Họ tóm gọn tất cả 12 tên. Mỗi tên cướp đều bị nhét vào rọ mây rồi ném xuống dòng suối chảy xiết. 

Nhưng không ngờ những tên cướp không bị trôi đi xa. Đến ngã ba suối ở Phai Lý (Trấn Yên) là mắc cạn. Những tảng đá to chặn lại. Mọi người đã tìm cách đẩy ra xa nhưng cuối cùng con nước xoáy lại đưa chúng trở lại chỗ cũ… Các già bản họp lại cho chôn cất chúng chu đáo. Vậy mà cuộc sống của dân bản quanh vùng vẫn gặp nhiều hiểm họa. Đất núi sạt lở. Suối cạn thác trơ. Dịch bệnh tràn đến. Một hôm quanh những ngôi mộ của 12 tên cướp nổi lên một ụ đất to. Đó là một tổ ong lớn. Đàn ong bay tràn vào bản làng đốt chết cả người. Dân bản hoang mang lo sợ và lúc nào cũng đóng cửa im ỉm trong nhà. Thầy mo nói phải lập miếu thờ để hồn chúng không còn vảng vất quay về làm hại bà con. Ngôi miếu được dựng lên từ đó. Đàn ong cũng kéo nhau lên rừng. Chung quanh miếu mọc lên một rừng cây xanh tốt. Ông Dần nói đó là những cây gỗ nghiến lâu đời. Không ai dám chặt dù chỉ một cành lá. Dân bản Trấn Yên từ đó yên ổn trở lại. Rừng cây xanh tươi. Hoa trái quanh năm. Mùa màng tươi tốt. 

Lễ hội ở Trấn Yên từ xưa đã có tục bôi nhọ mặt người để giả làm ma dữ chặn những con ma cướp quay về. Đó chính là lễ hội “Ná Nhèm” diễn ra hằng năm ở nơi đây. Một lễ hội hóa trang ma duy nhất ở nước ta. Các thanh niên trai tráng được bôi nhọ mặt, càng dữ dằn càng đáng sợ. Đó là những con “ma người”, sẽ chặn những con ma chết không cho quay lại. Cuộc sống như vậy mới được bình yên. 

Ngỡ ngàng Trấn Yên -0
Lễ bôi mặt nhọ ở Trấn Yên. 

Điệu then tình yêu

Chúng tôi háo hức đi vào sâu trong thung lũng Trấn Yên. Ở đó tiếng hò reo và âm thanh vang lên những giai điệu then rất cuốn hút. Mọi người đều tin rằng, cuộc sống luôn luôn ấm no, mùa màng tốt tươi. Những đàn chim đang bay về tổ. Sương lại bảng lảng trên cao. Một rừng hoa đào nở bung những cành nụ. Hai bên đường nhà nào cũng có một cây hoa đào to. Dân ở đây biết hãm hoa cho đến mùa xuân mới đơm nụ. Tết hoa mới tỏa hương thơm. Lúc đó nắng xuân tràn về. Tiếng đàn tính muốn níu kéo mọi người ở lại với bản làng. 

Ngôi nhà văn hóa vang lên những lời ca của những cô gái, giọng ngọt và trong vắt. Lời ca ngân lên làm xao xuyến lòng người. Ai cũng muốn dùng dằng nửa ở nửa đi. Đúng như các cụ xưa đã nói, nghe đàn tính và hát then chỉ một lần là nhớ tới ba năm. Lúc này mọi người mới ngẩn ngơ vì câu hát: “Chết thì chết em cũng không buông anh về. Buông anh như buông muối xuống biển. Buông trăng còn tháng gặp một lần. Buông anh thì anh đi mãi mãi”. Chúng tôi sững người, thầm nghĩ có lẽ Trấn Yên đã giữ chân chúng tôi ở lại. Bởi như người Tày đã nói: “Già qua đường nghe tiếng lượn then. Về nhà như biến thành trai trẻ”. 

Lúc này mùi thơm của thịt lợn quay bay khắp lối đi. Những vò rượu ngô đang chờ. Tất cả mụ đi trong cơn say mùi hương nếp thơm.