Mầu Nam Bộ trên sân khấu Tết

Sân khấu phía nam từ xưa tới nay, mùa Tết nào cũng nhộn nhịp biểu diễn, vì đặc trưng của người phương Nam là chơi Tết. Các vở diễn hầu hết đậm mầu sắc Tết Nam Bộ, với không gian lẫn con người mang sắc thái riêng.

Nghệ sĩ Ái Như và Ngọc Tưởng trong vở “29 anh về”.
Nghệ sĩ Ái Như và Ngọc Tưởng trong vở “29 anh về”.

1. Nếu ở ngoài bắc, ngày Tết mọi người chủ yếu thăm viếng họ hàng, bè bạn, cùng nhau ăn uống, chúc tụng, thì ở miền nam, bà con còn dành thời gian cho một sinh hoạt đặc biệt: đó là đi xem hát. Nhiều khán giả mê kịch, cứ mua vé một vòng từ sân khấu này tới sân khấu khác, coi cho “đã thèm”. Có người đặc biệt hơn, xem một vở tới hai, ba lần mới “đã”. Ban ngày người ta đi thăm viếng các nơi, dành trọn ban đêm cho sân khấu, để cười, để thư giãn sau một năm vất vả bươn chải. Vì vậy, sân khấu Tết có lệ bất thành văn là không diễn vở buồn. 

NSƯT Hữu Châu kể: “Tôi nhớ hồi xưa, bà nội tôi (là bà bầu Thơ nổi tiếng) đã bắt sửa tựa đề của vở “Tiếng tiêu…” thành “Tiếng sáo tương tư”. Bà bảo bỏ chữ “tiêu” đi, ngày Tết kỵ mấy chữ không mang lại may mắn”. Và nội dung các vở cũng không nhiều cảnh chết chóc, ly tán. Cho nên, hầu như Tết nào đoàn nào cũng dựng hài kịch hoặc kịch xã hội để vừa lòng khán giả. Điểm qua danh mục các vở dự kiến ra mắt trong Tết năm nay sẽ thấy rõ: “Có tin mới linh”, “Em mới là hoa hậu” (Sân khấu 5B); “Bạch Hải Đường”, “Chờ thêm chút nữa tâm lý” (Sân khấu Hoàng Thái Thanh”; “Vệ sĩ tình yêu”, “Âm mưu hoàn hảo” (Thế giới Trẻ); “Mẹ chồng bá đạo” (Sân khấu Phú Nhuận); “Tình yêu đảo chúa” (Nhà hát Trần Hữu Trang); “Nàng Xê Đa” (Sân khấu Hoàng Song Việt).

2. Hiện nay, khán giả không còn quá kiêng kỵ như xưa nữa, họ chỉ quan tâm nội dung vở mà thôi. Vì thế sân khấu Hoàng Thái Thanh lại dựng bi kịch, bất chấp ngày Tết. Đạo diễn Ái Như nói: “Chúng tôi chuyên về bi kịch, không có vở hài. Thế nhưng khán giả vẫn chịu coi, lại còn nói “Tới Hoàng Thái Thanh không khóc là không đủ tiền vé”. Có lẽ vở “29 anh về” của sân khấu Hoàng Thái Thanh là vở có màu sắc Tết rõ nhất. Vở đã diễn gần chục năm, nhưng vẫn được xếp lịch diễn lai rai hằng năm, nhất là mỗi khi Tết về. Mối tình của cô Hoài - nhân vật chính trong vở - có thể đại diện cho tình yêu của người Nam Bộ, giản dị nhưng thủy chung, nhẫn nại. Cô Hoài có con với người yêu, nhưng gia đình anh ấy ép anh ta về quê miền trung cưới vợ. Anh dứt áo ra đi chỉ để lại lời hứa: “29 Tết anh sẽ về với em”. Thế là năm nào cũng vậy, cứ đúng ngày 29 Tết, cô Hoài lại ra ga xe lửa đón người yêu, chờ cho đến tối mịt, mới thẫn thờ quay về. 

18 năm trôi qua, cho đến khi người mẹ chồng bôn ba vào nam tìm lại dâu và cháu nội mà ngày xưa bà từng phủ nhận, thì cô Hoài mới biết người mình yêu đã mất chứ không phải anh lỗi hẹn với cô. Nước mắt khán giả trào ướt má vì diễn xuất của nghệ sĩ Ái Như. Dáng đứng cô đơn trên sân ga, chiếc áo dài kiểu Nam Bộ xưa, mái tóc của phụ nữ Nam Bộ thời ấy, gương mặt như hóa đá vọng phu… khắc sâu vào tâm trí khán giả.

Trên sân khấu IDECAF cũng có một người ôm mối tình mòn mỏi như thế, mỗi năm Tết về lại khuấy động trái tim khán giả. Ông Tư trong vở “Tía ơi, má dìa!” trọn đời chờ người vợ đã lặng lẽ bỏ ông ra đi trong một ngày giáp Tết. Suốt 10 năm, ông gần như câm lặng, nhưng thật ra trong lòng vừa căm giận bà vừa yêu thương nhớ nhung da diết. Ông cứ ôm cây đờn kìm mà tâm sự. Tiếng đờn kìm đặc chất Nam Bộ, rải từng âm thanh như muối xát vào lòng khán giả. Chỉ cần tiếng đờn kìm thôi đã làm nên một không gian Nam Bộ mênh mang, chưa kể thiết kế sân khấu với chiếc giường tre, cây cầu khỉ… đã gợi lên sắc thái của cả vùng đất yêu thương. 

3. Mới đây, vở “Ngược gió” của sân khấu Thế giới Trẻ cũng tạo nên một không gian Nam Bộ tuyệt đẹp bằng lối tả thực với những bến sông, chiếc ghe chiếu, giọng hò, bài vọng cổ ngọt ngào… Tất cả chi tiết đó chạm vào nỗi hoài hương canh cánh. Nhất là chuyện tình đơn phương của anh Trôi với cô Là và anh mải miết đi tìm cô trên chiếc ghe bán chiếu gần giống như câu chuyện tình đơn phương của anh chàng trong bài vọng cổ “Tình anh bán chiếu” nổi tiếng của soạn giả Viễn Châu. Chỉ riêng chiếc ghe chiếu và kiểu buôn bán trên sông đã khắc họa rất rõ sinh hoạt của miền Tây. Chưa hết, còn một cô Nương thầm yêu anh Trôi, cũng tất tả theo anh qua khắp các bến sông. Cô có chiếc xe honda cánh én cũ xì, trên xe chất những món hàng rong mà vùng quê Nam Bộ nào cũng có. Tuổi thơ của bao người đã từng đón chiếc xe cánh én ấy mà mua những bánh, kẹo, cốm, đường… Vì vậy, khi bắt gặp nó trên sân khấu, nhiều khán giả rơi nước mắt.

Đối với khán giả miền nam thì sân khấu không chỉ hấp dẫn bởi nội dung câu chuyện, mà còn cuốn hút bởi không gian và con người Nam Bộ được truyền tải trong đó. Họ tìm được những kỷ niệm thân quen, gần gũi, những hồi ức đẹp, giải tỏa được lòng nhớ thương, khắc khoải. Còn nhà nghiên cứu, sẽ tìm được những giá trị văn hóa được lưu giữ khá chính xác và phong phú, có nhiều thứ đã mất trên thực tế, nhưng sân khấu lại tái hiện được, vô cùng đáng quý.