Mặn hương Tết biển

Làng chài ven biển, dân gian thường gọi Kẻ Càn (phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An). Những con người gắn đời mình với biển, nếp sống, nếp nghĩ của họ rất khác và lẽ dĩ nhiên, cách đón Tết của họ cũng khác. 

Một góc làng Quỳnh Phương. Ảnh: ĐỨC VIỆT
Một góc làng Quỳnh Phương. Ảnh: ĐỨC VIỆT

Người dân quê tôi luôn tự hào về lễ tảo mộ sáng 30 Tết. Cháu con ra nghĩa trang, sơn, sửa lăng mộ và thành kính mời tổ tiên về đón Tết ấm. Rồi cũng như mọi gia đình Việt khác, nhà nào cũng cúng tất niên. Bên cạnh mâm cơm cúng gia tiên, các nhà đi biển chuẩn bị một mâm cỗ thịnh soạn và đưa xuống thuyền. Tại đây, họ nấu những nồi nước thơm để “tắm” cho con thuyền được sạch sẽ. Khi con thuyền đã được gột rửa, trang trí, chủ thuyền thắp hương tạ ơn trời đất, biển cả đã cho họ một cuộc sống ấm no, cầu mong trời yên biển lặng với những chuyến ra khơi an toàn và bội thu. Lễ này dân quê tôi gọi là lễ cho con thuyền ăn. 

Là dân vùng biển nên đồ đãi khách trong những ngày Tết của các gia đình hẳn nhiên không thể thiếu tôm, cá, mực. Mọi thứ được chế biến đơn giản, nhanh gọn. Ý niệm “kiêng kỵ” ăn mực đầu năm mới dường như không có với người dân nơi đây. Bữa cơm ngày Tết ở quê tôi luôn có nồi cá kho mặn. Cá thu, cá ngừ, cá bồ câu, cá thửng…  là những loại được chọn. Ở Kẻ Càn còn có một món ăn đặc biệt là món cuốn. Tép biển khô được đảo qua dầu ăn và mật mía, nhiều địa phương khác thay tép bằng thịt băm hoặc tôm. Ngoài ra, còn có thịt lợn nạc thái con chì rang khô, bún lá cắt từng miếng vừa ăn, trứng tráng thái mỏng và các gia vị đi kèm như rau mùi, khế chua, hành củ nguyên cây. Thiếu cuốn như thiếu đi một phần vị Tết!

Đặc biệt hơn là khi thưởng thức đĩa cuốn đẹp mắt. Với món này, nước chấm không phải là chẻo như nhiều vùng mà phải là nước mắm cá cơm do chính người dân Kẻ Càn làm ra. Nước mắm cốt chế thêm một chút chanh, tỏi, ớt cay để tạo nên một thứ nước chấm vừa thanh, vừa đậm. Từng chiếc cuốn ngon hơn bởi hương vị của gặp gỡ, đoàn viên.

Sáng mồng hai Tết là thời khắc mà chúng tôi đợi chờ nhiều hơn cả, bởi hôm đó có lễ hội đua thuyền trên sông Hoàng Mai trước cửa Đền Cờn. Từ nửa cuối tháng Chạp, các đội bơi đã hăng say luyện tập. Tầm 5 giờ sáng, khắp làng trên xóm dưới đã nghe tiếng loa, tiếng gọi nhau râm ran. 11 đội bơi bước vào cuộc đua theo các bảng khác nhau. Đáp lại không khí cổ vũ náo nhiệt của người xem, các vận động viên dốc sức với những màn đua đẹp mắt trên sóng nước Mai Giang, những mái chèo thật đều, thật đẹp theo nhịp mõ. Thời khắc xuất phát và tăng tốc về đích luôn hấp dẫn nhất. Trên bờ, tiếng hát đều đặn vang lên: “Nhanh tay nào khua mái chèo/Cho thuyền ta bơi nhanh về bến/Nhanh tay nào khua mái chèo//Trai làng ơi ai thắng năm này/Núi sông mình đất xứ Quỳnh/Vui hội đua thuyền Đền Cờn linh thiêng... zô huầy zô huầy zô huầy…”. Tiếng người hò reo, tiếng trống hối thúc thành bản hòa tấu rộn rã. Với người dân vùng đất này, Tết mà không có đua thuyền thì hẳn cái Tết năm đó không hề trọn vẹn.

Người dân quê tôi ăn Tết, chơi Tết đến tận mồng 7 ngày hạ, có thể còn kéo dài đến tận rằm tháng Giêng và đến cả ngày lễ hội của làng từ ngày 19 đến 21 tháng Giêng như đúng câu ca xưa “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Người dân gắn bó hơn với quê hương, gia đình, tự hào và mến thương hơn làng chài ven biển của mình nhờ đi qua những cái Tết rất mặn mòi!