Lá chuối gói xuân

Những ngày cuối năm âm lịch, rộn lên trong tôi không khí ở vườn chuối sau nhà mùa giáp Tết. Lá chuối là nguyên liệu quan trọng làm nên những chiếc bánh Tết quê tôi. 

Lá chuối gói xuân

Nếu ở miền bắc, mọi người thường dùng lá dong gói bánh chưng thì ở miền nam, lá chuối dùng gói hầu hết các loại bánh Tết: bánh ít, bánh tét, bánh cấp, bánh cúng. 

Bánh ít, loại bánh có vỏ là bột nếp, nhân được làm từ đậu xanh nấu chín được tán nhuyễn hoặc dừa nạo xào với đường theo nguyên tắc cân bằng âm dương trong ẩm thực: nếu vỏ bánh lạt thì nhân bánh sẽ ngọt và ngược lại để bảo đảm bánh sẽ có độ ngọt thật vừa vặn. Bánh tét, loại bánh đòn dài gói bằng lá chuối, vỏ bánh là nếp còn nguyên hạt trắng ngần, vo sạch ngâm cho nếp nở, nhân đậu xanh nấu chín đồ kỹ và mỡ heo. Nếu nhà có lá chuối của cây chuối hột dùng gói bánh, khi bánh chín lớp vỏ nếp bên ngoài có mầu xanh non rất đẹp. Bánh cấp và bánh cúng chỉ có hạt nếp, không nhân, được gói theo hình dáng mô phỏng để dùng trong việc cúng đầu năm. Bánh bò cái là bánh ghép từ hai gói nếp hình dẹp, bánh bò đực là bánh có hình trụ như bánh tẻ nhưng có đường kính to hơn.

Nhộn nhịp nhất là lúc rọc lá để chuẩn bị gói bánh. Những tàu lá chuối tít trên cao nên phải dùng cây xà móc, thường là dùng cây trúc có cột lưỡi liềm ở trên ngọn lia tới cuống tàu lá và cắt. Sau khi cắt về, những tàu  chuối được rọc lấy lá, đem hong nắng sơ qua cho lá mềm dẻo, không bị rách khi gói bánh. Phải hết sức nhẹ tay và khéo léo để lá chuối không bị rách vụn. Những chiếc lá chuối to dùng để dành gói bánh tét, lá vụn hơn được dùng để gói bánh ít, bánh cúng. Qua hong nắng, lá chuối sẽ được lau lại thật sạch. Bánh tét ở quê tôi tận dùng cả dây chuối để cột bánh. Bẹ chuối được cắt khỏi thân chuối, xẻ dọc như hình răng lược, hong nắng đến khô dần sẽ tước ra từng sợi cột bánh. Khi chín, mở bánh ra có thể dùng dây chuối tét bánh, thay dao cắt thành từng khoanh tròn để cúng trên bàn thờ ông bà, tổ tiên hoặc đãi khách.

Tết ở phương nam hầu như không cúng chuối trên bàn thờ, mà là mâm ngũ quả: cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung hoặc thơm. Nhưng không vì vậy mà chuối bị bỏ quên. Từ đầu tháng Chạp, tôi đã thấy mẹ để dành những quày chuối sứ chín bói, cắt xuống để ở góc nhà, khi các nải chuối chín đều, mẹ sẽ lột bỏ vỏ chuối, ép rồi phơi trên những sàng gạo hoặc các vỉ tre. Nắng gió tháng Chạp sẽ sấy khô chuối. Chuối sấy khô, đường, cùi dừa bào sợi, đậu phộng rang, gừng cắt sợi sênh cùng nhau cho đến khi quyện lại thành khối được cán ra thành bánh có độ dày hơn một phân, sau đó sẽ cắt thành từng thỏi nhỏ rồi dùng giấy kiếng đủ mầu sắc gói lại như gói kẹo.

Ngày Tết, ngồi quây quần cùng nhau bên mâm bánh mứt, ăn chiếc kẹo chuối hòa điệu nhiều hương vị: ngọt đậm của chuối, béo của dừa, bùi và giòn tan của đậu phộng rang, cay ấm của gừng, uống cùng tách trà nóng. Cứ vậy mà bồi hồi ôn lại những chuyện vui, buồn trong năm và cả những dự định cho năm mới…