Bánh chưng dài lá chít

Người dân quê tôi thường gói chiếc bánh chưng dài trong ngày Tết. Quê tôi, một làng nhỏ ven sông Cầu thơ mộng. Những ngày cuối năm, dân làng rộn ràng chuẩn bị đón Tết. Vật liệu để gói bánh chưng thường được chuẩn bị sớm nhất. Vào các phiên chợ Tết, tôi thường năn nỉ mẹ cho đi chợ. Đường khá xa nhưng bọn trẻ con bao giờ cũng háo hức. Người dân vẫn thường đi tắt qua cánh đồng để đến chợ. Ai cũng quẩy một đôi quang gánh. 

Gói bánh chưng bằng lá chít. Ảnh: SAOSTAR
Gói bánh chưng bằng lá chít. Ảnh: SAOSTAR

Đến chợ, mẹ thường dừng lại rất lâu ở hàng bán lá chít, thứ lá được chọn để gói chiếc bánh chưng dài. Mẹ cẩn thận kiểm tra xem lá ở bên trong có rách không. Rồi mẹ mua vài khúc giang về làm lạt gói bánh. Bố tôi thì ra soi chặt một cây tre non “bánh tẻ” về chẻ lạt làm dây ràng bánh. Để gói được chiếc bánh chưng dài, người phụ nữ phải rất khéo tay. Nghe các cụ kể lại, ngày xưa con gái muốn đi lấy chồng thì phải gói được bánh chưng dài. Còn bây giờ, các thiếu nữ mới lớn chẳng biết có làm được điều các cụ mong mỏi không?

Lá chít được mua về cho vào nồi luộc sôi rồi vớt ra rửa sạch. Rửa lá cũng phải kiên trì lật rửa từng chút một để chiếc bánh không bị sạn. Lá rửa sạch, cắt vuông vức hai đầu, đặt trên chiếc mâm nhôm. Tôi ngồi bên cạnh phụ giúp những việc vặt. Mẹ gói bánh mới khéo làm sao! Mẹ đặt chiếc mâm trên một mặt phẳng cho vững chắc rồi xếp từng chiếc lạt nằm ngang, nhẹ nhàng xếp từng chiếc lá chít chồng khít lên nhau sao cho không rơi được hạt gạo ra ngoài. Sau đó, mẹ bốc từng vốc gạo rải đều theo chiều dài của lá. Ước chừng được nửa chiếc bánh, mẹ bắt đầu rải nhân vào giữa. Mầu trắng ngần của gạo nếp, cùng một đường kẻ giữa mầu vàng của đỗ và hèm bánh trông thật đẹp. Mẹ tiếp tục bốc gạo rải đều che kín nhân bánh rồi từ từ buộc từng chiếc lạt lại. Phần khó nhất có lẽ là khép kín hai đầu bánh. Nếu không khéo dễ làm bánh mất cân đối hoặc lá sẽ bị rách, gạo rơi ra ngoài. Những ngón tay khéo léo của mẹ khép hai đầu chiếc bánh lại rồi dùng lạt buộc trông thật thành thục. 

Vậy là chiếc bánh đầu tiên đã được gói xong. Tôi có nhiệm vụ ràng lại bánh bằng cách lấy những chiếc lạt dài mà bố đã chẻ từ hôm trước quấn đều quanh chiếc bánh cho chắc chắn và đẹp. Khi ràng bánh đến đâu thì bỏ lạt nhỏ đến đó. Lúc này chiếc bánh trông thật đẹp và bắt mắt. Phải cầm chắc lạt và đều tay thì chiếc bánh mới không bị méo mó, mất cân đối. Cứ như thế mẹ gói lần lượt từng chiếc một cho đến hết. 

Bánh chưng dài lá chít -0
Ảnh: Saostar 

Việc xếp bánh vào nồi tưởng chừng đơn giản nhưng nếu không biết cách sẽ xếp cồng kềnh và không được bao nhiêu. Nhà tôi đông người nên bao giờ cũng phải luộc đẫy nồi một trăm. Nồi bánh chưng nặng phải hai người lớn có sức khỏe mới bê lên bếp được. Tôi vẫn thường ngồi bên cạnh mẹ trông nồi bánh. Nồi bánh sôi sùng sục nghe thật vui tai. Mùi thơm của gạo nếp, lá chít cuốn hút lạ thường. Khi cảm thấy bánh đã có vẻ chín, mẹ vớt từng chiếc ra nia. Tôi có nhiệm vụ phụ giúp mẹ lăn bánh. Mẹ bảo phải lăn thật kỹ để bánh được rền và ngon. Tôi lăn đi lăn lại đến nóng hết cả người. 

Trong khi đó, bố chuẩn bị mọi thứ để cúng gia tiên. Mẹ cắt bánh và sắp ra đĩa. Khác với cắt bánh chưng vuông, cắt bánh chưng dài khá đơn giản và nhìn cũng rất đẹp. Mẹ cắt từng khoanh bánh rất đều tay. Bánh rền, mịn, nhân bánh ở chính giữa, cân đối. Đĩa bánh mới được cắt ra vẫn còn bốc hơi nghi ngút. Mẹ bảo tôi sắp bánh lên ban thờ tổ tiên. Nén hương được thắp lên. Không khí Tết tràn ngập căn phòng. 

Suốt mấy ngày Tết, bao giờ trong mâm cỗ gia đình không thể thiếu được chiếc bánh chưng dài. Khách ở xa tới ăn một vòng bánh thì sẽ chẳng bao giờ quên được vị thơm của gạo nếp, vị béo ngậy của nhân bánh. Chiếc bánh chưng dài đã vuốt dọc tuổi thơ tôi, trở thành biểu tượng cho sự mộc mạc, chất phác của làng quê tôi.