Vận nước & khát vọng hùng cường

Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII (2016 - 2020), ngoài những thành tựu lớn về kinh tế - xã hội (KT - XH), vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng được tăng cường. Việt Nam đã ghi dấu ấn không chỉ là thành viên tích cực mà còn là thành viên có khả năng dẫn dắt, đóng vai trò kiến tạo trong cộng đồng quốc tế. Đó là nhận định của TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Vận nước & khát vọng hùng cường

Vận nước đang lên

Phóng viên (PV): Năm 2020 đi qua, khép lại nhiệm kỳ 5 năm của Đại hội Đảng khóa XII, từ góc nhìn của cá nhân mình, ông có điều gì tâm đắc?

TS Vũ Tiến Lộc: Nếu phải tìm một câu để nói về những thành tựu phát triển KT - XH ở nước ta, tôi nghĩ đó là: Chúng ta đã có một “nhiệm kỳ vàng” của những thành tựu kép!

Đó là: Thuận ý Đảng - hợp lòng dân; vừa phát triển KT - XH, vừa đẩy mạnh chỉnh đốn, xây dựng Đảng; ổn định kinh tế vĩ mô (KTVM) - duy trì đà tăng trưởng; đối nội - đối ngoại đều thành công; hội nhập và tự chủ hài hòa; đẩy lùi dịch bệnh mà vẫn lo được sinh kế cho nhân dân…

Trên mặt trận kinh tế, thành quả lớn nhất là Chính phủ đã thiết lập được nền tảng KTVM ổn định hơn hẳn, được thể hiện ở việc kiềm chế lạm phát, nợ công ở mức thấp, xuất khẩu kỷ lục, dự trữ ngoại tệ tăng cao… KTVM ổn định tạo dư địa cho các chính sách tài khóa, tín dụng chủ động hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế và là bệ đỡ rất quan trọng để chúng ta có thể vững vàng chống chịu và duy trì tăng trưởng trong bối cảnh khó khăn. 

PV: Việc cải cách thể chế kinh tế, mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được coi là thành công lớn của nhiệm kỳ vừa qua. Ông có thể cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

TS Vũ Tiến Lộc: Trong nhiệm kỳ, Đảng ta đã ban hành một hệ thống nghị quyết (NQ) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta và đặt ra yêu cầu phải vươn tới các chuẩn mực phổ biến của các nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập. Chính phủ đã phát động thành công ba đợt sóng cải cách TTHC lớn: Năm 2016: xóa bỏ hàng nghìn “giấy phép con” quy định tại thông tư của các bộ, ngành; năm 2018: cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện kinh doanh và TTHC kiểm tra chuyên ngành; năm 2020: đưa ra mục tiêu tiếp tục cắt giảm và đơn giản hóa 20% các quy định hành chính về kinh doanh và chi phí tuân thủ cho người dân và DN. Kết quả rất đáng ghi nhận là Việt Nam tăng 20 bậc về môi trường kinh doanh, tăng 10 bậc về năng lực cạnh tranh quốc gia theo các bảng xếp hạng toàn cầu. 

Vận nước & khát vọng hùng cường -0
Khu vực kinh tế tư nhân sẽ là một trong những động lực quan trọng đưa Việt Nam tới đích mạnh giàu. Ảnh: H.NAM

Lá phiếu niềm tin người dân dành cho Đảng

PV: Về định hướng và phát triển của cộng đồng DN thì sao, thưa ông?

TS Vũ Tiến Lộc: Đảng ta ra NQ về phát triển các thành phần kinh tế, yêu cầu cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước, của kinh tế tập thể và nhấn mạnh vai trò động lực quan trọng của khu vực kinh tế tư nhân (KTTN). Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã đặt tên NQ về KTTN là NQ 10 để gửi gắm một niềm tin: cùng với các thành phần kinh tế khác, sự phát triển khu vực KTTN sẽ là động lực quan trọng đưa nền kinh tế Việt Nam tới đích mạnh giàu, giống như khoán 10 trong nông nghiệp hơn 30 năm về trước đã góp phần mở đầu cho hành trình Đổi mới ở Việt Nam. 

Lần đầu trong lịch sử, Chính phủ ra NQ số 35/NQ-CP về Chương trình phát triển DN cho cả nhiệm kỳ với phương châm: DN là động lực, Chính phủ sẽ đồng hành. 

Tổng số DN trong cả nước đã tăng gấp 1,5 lần chỉ trong 5 năm là kỳ tích.  Khu vực KTTN trong nước - khu vực kinh tế của nhân dân, đã trở thành khu vực kinh tế lớn nhất trong nền kinh tế quốc dân, đóng góp hơn 40% GDP cho đất nước và tỷ trọng này đang ngày càng được nâng lên. Khởi nghiệp - khởi nghiệp sáng tạo đang trở thành lẽ sống trong lớp trẻ và là phong trào thi đua yêu nước của toàn dân. Hơn 100 nghìn DN được thành lập mới mỗi năm là lá phiếu niềm tin mà người dân dành cho Đảng và Nhà nước của mình.

PV: Từ kinh nghiệm của bản thân, ông suy nghĩ gì về vị thế và vai trò của Việt Nam trong bối cảnh thế giới hiện nay có quá nhiều biến động bất ngờ?

TS Vũ Tiến Lộc: Nhiệm kỳ 5 năm qua cũng là nhiệm kỳ của những công cuộc hội nhập đỉnh cao. Việt Nam đã lên “đường cao tốc” ra thế giới và cam kết vươn tới những chuẩn mực toàn cầu. 

Việt Nam đã ghi dấu ấn không chỉ là thành viên tích cực mà còn có khả năng dẫn dắt, đóng vai trò kiến tạo trong cộng đồng quốc tế. Việt Nam là mẫu hình của một đối tác năng động và có trách nhiệm trong nền kinh tế toàn cầu.

Trong đại dịch, thế giới trở nên mong manh. Sức mạnh của các cường quốc kinh tế và công nghệ bị đe dọa. Nền kinh tế thế giới khủng hoảng, nhưng Việt Nam đã kiềm chế được dịch bệnh và duy trì tăng trưởng dương trong tâm thế vững vàng. Việt Nam đã và đang trở thành điểm tựa niềm tin và nơi đến an toàn của các nhà đầu tư quốc tế trên hành trình chuyển dịch làn sóng đầu tư có trách nhiệm và bền vững toàn cầu. 

PV: Là đại diện cho cộng đồng DN, doanh nhân Việt Nam, ông kỳ vọng và gửi gắm gì vào Đại hội lần thứ XIII của Đảng?

TS Vũ Tiến Lộc: Các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đặt mục tiêu đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập Đảng, Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước, Việt Nam vượt bẫy thu nhập trung bình để sánh vai các nước phát triển có thu nhập cao. 

Để thực hiện được các mục tiêu này, việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập phải là bệ đỡ và phát triển nền kinh tế số phải là đôi cánh để bay lên. Ba mũi giáp công: thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng là các khâu đột phá. DN là lực lượng chủ công. KTTN là rường cột. Quốc gia khởi nghiệp là hệ sinh thái dẫn đường. 

Còn rất nhiều việc chúng ta sẽ phải làm. Công cuộc phòng, chống tham nhũng, chỉnh đốn và xây dựng Đảng đang có xung lực, cần phải tiếp tục làm với tấm lòng vàng và ý chí thép của những người Cộng sản. Công cuộc cải cách thể chế mà trước hết là cải cách thể chế kinh tế phải tiếp tục với tinh thần đột phá, vượt ra khỏi sự bảo thủ, rụt rè và cần có sự chung tay của cả hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân. 

Chúng ta có quyền tin rằng, kế thừa những thành tựu, nền tảng đã có, Đại hội lần thứ XIII của Đảng ta sẽ thổi bùng ngọn lửa “Yêu nước, Thương dân và Tin vào Đảng” trên chặng đường đi tới vì một Việt Nam nước mạnh, dân giàu. Thế giới sau đại dịch Covid-19 đang được định hình, các chuỗi cung ứng toàn cầu đang được sắp xếp lại, các dòng chảy thương mại, đầu tư quốc tế sẽ đảo chiều. Chúng ta lại một lần nữa đứng trước cơ hội có thể vươn tới một “Việt Nam - Đất nước hùng cường”.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!