Năm xưa Bác Hồ về nước

Cách đây 80 năm, sau 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, ngày 28 tháng Giêng năm 1941, tức mồng 2 Tết Tân Tỵ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng Việt Nam. 

Bác Hồ về nước (28-1-1941). Tranh: TRỊNH PHÒNG
Bác Hồ về nước (28-1-1941). Tranh: TRỊNH PHÒNG

“Ôi sáng xuân nay, Xuân 41

Trắng rừng biên giới nở hoa mơ

Bác về… im lặng. Con chim hót

Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ…”.

                                (Theo chân Bác - Tố Hữu)
                             
Ngày 29-9-1938, theo đề nghị thiết tha của đồng chí Nguyễn Ái Quốc (tên gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó), lãnh đạo Quốc tế Cộng sản đã cho phép đồng chí dừng công việc học Nghiên cứu sinh kiêm chức giáo viên thỉnh giảng tại Viện nghiên cứu các vấn đề dân tộc và thuộc địa ở Liên Xô, để lên đường về nước. 

Đầu tháng 10-1938, Người đáp xe lửa từ Matxcơva đi về phương Đông. Vượt qua biên giới Xô - Trung, Nguyễn Ái Quốc đến Urumsi (Tân Cương), rồi đi Lan Châu. Tại đây, Người được Văn phòng Bát lộ quân Trung Quốc chuẩn bị cho một chứng minh thư Trung Quốc, mang tên Hồ Quang, cấp bậc thiếu tá. Từ Lan Châu, Người đã đi Tây An theo đường dây của Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau đó đến Diên An - căn cứ đầu não của 18 vạn quân cách mạng và 9 khu giải phóng ở Hoa Bắc và Hoa Trung. Sau hai tuần ở Diên An, Nguyễn Ái Quốc quay lại Tây An, đi xuống Quảng Tây, tìm cách về gần Tổ quốc. Dừng chân tại Quế Lâm (Quảng Tây), Nguyễn Ái Quốc, với bí danh Hồ Quang, làm việc tại Văn phòng Bát lộ quân, đồng thời tìm cách liên lạc với trong nước. 

Vào khoảng cuối năm 1939, Nguyễn Ái Quốc tìm đường đi Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam. Tại đây, Ban Công tác hải ngoại Đảng Cộng sản Đông Dương đã được lập lại do đồng chí Phùng Chí Kiên phụ trách. Cuối tháng 2-1940, Nguyễn Ái Quốc gặp đồng chí Phùng Chí Kiên tại nhà ông Tống Minh Phương, số 76, đường Kim Bích, thành phố Côn Minh.

Đầu tháng 6-1940, Nguyễn Ái Quốc giới thiệu các đồng chí Cao Hồng Lĩnh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đi học chính trị dài hạn ở Diên An, nhưng sau đó kịp thời hoãn lại vì tình hình thế giới có nhiều biến động. Ở Côn Minh, nghe tin phát-xít Đức tấn công Pháp (15-6-1940), Chính phủ Pêtanh chấp nhận mọi điều kiện đầu hàng (22-6-1940), tạo ra những điều kiện mới cho sự phát triển của phong trào cách mạng, Nguyễn Ái Quốc quyết định triệu tập cuộc họp tại trụ sở báo Đ.T. Tại cuộc họp, Người nhấn mạnh: “Đây là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam. Ta phải tìm mọi cách về nước để tranh thủ nắm thời cơ. Chậm trễ lúc này là có tội với cách mạng”(1)

Nguyễn Ái Quốc đã từng định trở về nước theo hướng Côn Minh - Lào Cai nhưng không thực hiện được. Tháng 10-1940, Người cùng một số đồng chí rời Côn Minh đi Quế Lâm tìm đường trở về nước theo hướng mới. Hạ tuần tháng 12-1940, Người cùng một số cán bộ rời Quế Lâm đi xuống Tĩnh Tây. Vài ngày sau Tết Dương lịch năm 1941, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tại Tân Khư (Tĩnh Tây). Thay mặt Trung ương Đảng, đồng chí báo cáo với Người tình hình trong nước, những công việc đang thực hiện và kế hoạch chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương lần thứ tám, đồng thời đề nghị Người nên chọn hướng Cao Bằng để về nước. Mấy ngày sau, Người cùng Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Phùng Chí Kiên, Đặng Văn Cáp được đồng chí Hoàng Sâm dẫn đường, qua Nậm Bo xuống Nậm Quang (một làng sát biên giới Việt - Trung). Tại đây, Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện cho 43 cán bộ cách mạng Việt Nam. Chương trình của lớp học rất thiết thực, với các nội dung cơ bản như: Tình hình quốc tế, trong nước; tổ chức đoàn thể quần chúng; cách thức tổ chức, huấn luyện đấu tranh. Lớp huấn luyện kết thúc vào ngày giáp Tết Âm lịch. Ngày 1-1 Tết Tân Tỵ (năm 1941), Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí trong đoàn đi chúc Tết nhân dân hai làng Nậm Quang và Nậm Tấy. Ngày hôm sau 28-1-1941, tức 2-1 Tết, Người cùng đoàn rời Nậm Quang trở về nước. 

Sau này, Người xúc động kể về giây phút khi  đến mốc 108: “Xa rời Tổ quốc đã hơn 30 năm. Đã mất bao nhiêu thời giờ và sức lực tìm liên lạc mà không được. Bao nhiêu năm thương nhớ, đợi chờ. Hôm nay mới bước chân về nơi non sông gấm vóc của mình. Khi bước qua cái bia giới tuyến, lòng Bác vô cùng cảm động”(2).

Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí về đến bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Đêm đầu tiên, Người ở trong nhà ông Máy Lì, cơ sở cách mạng. Ở được mấy ngày, thấy sinh hoạt, làm việc không thuận lợi, nên ngày 8-2-1941, Bác đã chuyển địa điểm ra rừng ở. Chính ông Lý Quốc Súng (Máy Lì) đã chỉ hang Cốc Bó cho Bác và các đồng chí, đồng thời ông còn cho mượn cả mấy tấm phản gỗ nghiến đưa vào hang để kê làm giường. Hang Cốc Bó chỉ cách nhà ông Súng vài trăm mét, song cây cối um tùm, rậm rạp, đá tai mèo lởm chởm rất khó đi lại, hơn nữa gia đình một lòng bảo vệ cách mạng nên rất bí mật, an toàn. 

Sau một thời gian ngắn chuẩn bị, tháng 5-1941, lấy danh nghĩa đại diện Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì Hội nghị lần thứ tám của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (từ ngày 10 đến 19-5-1941). Từ việc phân tích kỹ tình hình, thế và lực của cách mạng Việt Nam, Hội nghị quyết định “Cần phải thay đổi chiến lược”, Hội nghị nhận định: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”(3)

Theo đề nghị của Người, hội nghị đã bầu Ban Chấp hành Trung ương chính thức, cử đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư và Ban Thường vụ gồm các đồng chí: Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ và Hoàng Quốc Việt. Để tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân, tranh thủ mọi lực lượng yêu nước có thể tranh thủ, chĩa mũi nhọn vào kẻ thù, hội nghị quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Ngày 19-5-1941, Mặt trận Việt Minh chính thức ra đời với Tuyên ngôn và Chương trình cụ thể. Mọi hoạt động của Việt Minh đều hướng tới  hai mục tiêu của toàn thể quốc dân:

1 - Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập.

2 - Làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do.

Sau hội nghị, ngày 6-6-1941, Nguyễn Ái Quốc viết “Kính cáo đồng bào” kêu gọi toàn dân đoàn kết để đánh đổ bọn đế quốc và Việt gian, đặng cứu giống nòi ra khỏi nước sôi lửa nóng. Đồng thời, Người quyết định xuất bản báo Việt Nam độc lập, gọi tắt là Việt lập, để đẩy mạnh việc tuyên truyền, cổ động quần chúng thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám(4).

Việc Nguyễn Ái Quốc về nước mùa Xuân Tân Tỵ và sau đó tổ chức Hội nghị Trung ương để hoàn chỉnh đường lối cách mạng giải phóng dân tộc, phù hợp tình hình, nhiệm vụ mới, cho thấy sự trở về nước và những quyết định tài tình của Người đã trở thành một trong những nhân tố quyết định thành công của công cuộc vận động giải phóng dân tộc những năm 1941 - 1945.

Xuân Tân Sửu 2021

(1) Bác Hồ về nước, Vũ Anh - Hội VHNT Cao Bằng, 1986, tr. 14 - 15.

(2) Vừa đi đường vừa kể chuyện, T.Lan - Nxb Chính trị Quốc gia, Nxb Thanh niên, H, 1994,  tr. 69.

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H, 1998, tập 7, tr. 113.

(4) Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh Tiểu sử, Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, H, 2017.