Năm dị thường

Giữa đêm 30 Tết Canh Tý, trời bỗng nổi cơn phong ba, sấm chớp đùng đùng, mưa rào xối xả, những cục đá to bằng quả trứng gà ri rơi lộp bộp đầy sân như điềm gở báo hiệu một năm dị thường. 

Biếm họa của VASCO GARGALO
Biếm họa của VASCO GARGALO

Quả nhiên, cái con vi khuẩn bé tí tẹo xuất hiện bên Vũ Hán (Trung Quốc) đã gây nên một cuộc đại dịch kinh hoàng, phủ bóng đen lên toàn cầu, quật ngã cả những nền y tế và kinh tế hùng mạnh nhất, hàng mấy chục triệu người lây nhiễm, hàng triệu người tử vong, nhấn nền kinh tế thế giới chìm sâu vào cơn suy thoái trầm kha, muôn triệu người mất kế sinh nhai, biết bao hệ lụy xã hội bùng phát.

Chưa ai nói chắc được khi nào tai ương này sẽ chấm dứt. Mà Covid-19 có qua đi chăng nữa thì nguy cơ dịch bệnh vẫn sẽ luôn rình rập. Bằng chứng là chỉ trong 20 năm đầu thế kỷ 21 thế giới đã phải chịu trận tới 5 lần: SARS, H1N1, MERS, Ebola và nay là Covid-19. Đó là chưa kể dịch bệnh trên động vật chà đi xát lại khắp các châu lục, không chừa nước nào.

Trong cái năm dị thường này, thế giới còn hứng chịu biết bao thiên tai dữ dằn hiếm có. Lũ chồng lũ, bão chồng bão hoành hành khắp nơi, ở cả đông lẫn tây bán cầu; riêng Philippines chịu hơn hai chục trận bão, trong khi các tỉnh miền trung nước ta gánh tới hơn một chục trận bão hoành hành kéo theo lụt lội dài dài…

Xem ra, những mối “đe dọa phi truyền thống” có thể gây ra những tai ương chẳng kém, thậm chí có khi còn lớn hơn những mối “đe dọa truyền thống”; những triết lý “phát triển bền vững”, “phát triển bao trùm”, “kinh tế tuần hoàn”, “đổi mới sáng tạo” gì gì đi nữa cũng chưa đủ nếu không có được một nền “kinh tế - xã hội an toàn”.

Còn hiện tượng “bình thường” trong quan hệ quốc tế là sự tranh hùng giữa các nước lớn cũng diễn ra dưới dạng thức rất dị thường về mức độ và phạm vi.

Trong tình thế cạnh tranh đa chiều giữa các nước lớn, sự ganh đua Mỹ - Trung Quốc nổi bật hơn cả và mang tính toàn diện về lĩnh vực, sâu rộng về phạm vi. Khác với sự cạnh tranh chiến lược Mỹ - Liên Xô (trước đây) thời “thế giới hai cực”, ngày nay, hai nền kinh tế nhất nhì thế giới “ăn miếng, trả miếng” không chỉ trong lĩnh vực chính trị - an ninh mà cả kinh tế, thương mại, khoa học, công nghệ, thậm chí trong cả lĩnh vực dịch bệnh. 

Về địa - chính trị, cuộc tranh hùng diễn ra chẳng khác gì kiểu “chơi cờ vây”: Mỹ “can dự” vào  mọi nơi bên trong và vùng ven của Trung Quốc: Hồng Công, Đài Loan, Tân Cương; bán đảo Triều Tiên, Biển Đông, Himalaya…; ý tưởng “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” được đẩy mạnh song hành với ý tưởng “Một vành đai, một con đường”, nay bổ sung thêm nội hàm “chất lượng cao”, thậm chí cả khái niệm “Con đường tơ lụa kỹ thuật số”. 

Những bất ổn ở một loạt nước nằm trong không gian Xô-viết trước đây vừa bắt nguồn từ những mâu thuẫn nội tại, vừa chịu tác động từ những tính toán và hành động của phía Mỹ và Tây Âu nhằm vào nước Nga. 

Điều dị thường khác là ngay các nước đồng minh ở hai bờ Đại Tây Dương và trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng “tiếng bấc, tiếng chì” cả về kinh tế - thương mại lẫn chính trị - quân sự. Thậm chí, các nước thành viên liên minh quân sự NATO cũng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt!”.

Tới những tháng cuối năm, thế giới đã chứng kiến những diễn biến dị thường liên quan cuộc tranh cử Tổng thống ở Mỹ. Có thể nói, đây là cuộc tranh cử đạt nhiều “kỷ lục” nhất về kịch tính, về số lượng cử tri đi bầu, về tuổi tác hai ứng cử viên, về số phiếu phổ thông dành cho ông Joe Biden, về hiện tượng lần đầu một phụ nữ gốc nhập cư mang hai dòng máu Nam Á và Mỹ latin được bầu làm Phó Tổng thống… Đỉnh điểm của những điều dị thường lần này là đương kim Tổng thống Trump kiên quyết không chịu chấp nhận kết quả bầu cử, kiện cáo rầy rà, tới khi lưỡng viện Quốc hội nhóm họp đã huy động hàng vạn người biểu tình, tràn vào đập phá trụ sở Quốc hội, bốn người thiệt mạng, Thủ đô phải giới nghiêm. Thế rồi điều gì phải đến đã đến: ông Joe Biden của đảng Dân chủ được chính thức thừa nhận là Tổng thống Mỹ thứ 46.

Những gì diễn ra mấy tháng cuối năm càng bộc lộ sự bất ổn của nước Mỹ về thể chế, về tình trạng chia rẽ sâu sắc giữa các giai tầng, chủng tộc, đảng phái được nhân lên dưới tác động của đại dịch cũng như sự suy thoái kinh tế và vị thế giảm sút của nước Mỹ trên trường quốc tế.

Chưa biết rồi “ông chủ” mới của Nhà trắng sẽ hành xử ra sao với di sản bộn bề như vậy? Đó là chưa kể những “món quà” mà ông chủ cũ dành tặng thêm cho ông chủ mới bằng cách tung ra hàng loạt quyết định hành pháp trong những ngày còn lại trước khi lễ nhậm chức của Tổng thống mới diễn ra. Có lẽ, ông Biden sẽ phải ưu tiên tìm cách giải quyết những vấn đề nổi cộm trong nước như đại dịch tiếp tục lan rộng, kinh tế sa sút, thất nghiệp nặng nề, tiêu dùng thuyên giảm, xã hội phân hóa…

Liên quan quan hệ quốc tế, ông Biden đã đưa ra một số tín hiệu theo hướng hàn gắn quan hệ với các nước đồng minh truyền thống, củng cố NATO, trở lại một số thể chế đa phương mà người tiền nhiệm đã rũ bỏ. Cuộc cạnh tranh nước lớn giữa Mỹ với Trung Quốc, Nga chắc sẽ tiếp tục với những hình thức, mức độ mới. Xét về quá trình hoạt động chính trị của ông Biden, những giá trị mà đảng Dân chủ tôn thờ, tính đến tình trạng sa sút uy tín của nước Mỹ trên trường quốc tế, chắc rằng ông Biden sẽ nghiêng về cách hành xử truyền thống tương đối dễ đoán định hơn người tiền nhiệm.

Đối với riêng nước ta, năm qua cũng là năm có nhiều điều dị thường. Đó là thách thức “ba trong một”: dịch bệnh và thiên tai cộng với những điều dị thường trong quan hệ kinh tế và chính trị quốc tế tác động tới nước ta. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, cũng như bao lần trong lịch sử, “tinh thần Việt Nam” lại trỗi dậy, muôn người như một, đồng lòng hiệp lực, cho dù thực lực kinh tế và y tế có hạn song đã sớm ngăn chặn được dịch bệnh, ứng phó thiên tai, duy trì tăng trưởng dương. Trên bình diện quốc tế, vị thế của nước nhà được nâng cao thêm nhờ thành quả chống dịch, duy trì tăng trưởng và thực hiện thành công vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Chẳng thế mà ngày 3-12-2020 vừa qua, Viện Nghiên cứu Đông - Nam Á có trụ sở ở Singapore đã đánh giá: “Thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát đại dịch và thực hiện vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020 đã giúp nâng cao vị thế quốc tế và tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam ở Thái Bình Dương”. 

Với hành trang trên, chúng ta có thể vững bước, tiến vào thời kỳ mới mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng sẽ mở ra, đồng lòng chung sức dựng xây nước nhà để tới năm 2045 kỷ niệm lần thứ 100 Ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đưa nước ta thành nước phát triển, sánh vai cùng bè bạn năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.