Ngân lụt còn in

Những bức tường phòng làm việc của cô giáo hiệu trưởng một trường tiểu học ở Quảng Trị ngấn lụt còn chưa mờ phai dù cơn “đại hồng thủy” lịch sử đi qua vùng đất này đã gần hai tháng.

Niềm vui của thầy và trò Trường THCS Triệu Sơn (Triệu Phong, Quảng Trị) khi nhận được món quà từ nhóm thiện nguyện. Ảnh: NGỌC HẢI
Niềm vui của thầy và trò Trường THCS Triệu Sơn (Triệu Phong, Quảng Trị) khi nhận được món quà từ nhóm thiện nguyện. Ảnh: NGỌC HẢI

Hai tháng, thật ra chẳng có gì xa ngái khi những thác mưa tuôn sầm sập, kéo dài từ ngày này qua ngày khác với dải đất đòn gánh của non sông làm chìm ngập nhiều vùng quê vốn còn nghèo khó. Thời gian ấy chưa đủ để quên đi những đêm trắng, trên biển nước mênh mang, có người trở nên vô vọng khi ngồi trên mái nhà chờ cứu hộ. Vẫn còn ám ảnh cơn đói cồn cào, cái lạnh run rẩy trong tâm lũ.

Hai tháng, chẳng mấy lâu nhưng nhìn sân trường sạch sẽ, sau tiếng trống ra chơi, từng tốp học sinh đồng phục mới, áo ấm mới chạy nhảy vui đùa hay tụm năm tụm bảy, lòng ta rưng rưng khấp khởi. Hầu hết gia đình các cháu đều chịu thiệt hại nặng trong lũ lụt, nước dâng, nước chảy làm trôi sạch của cải trong nhà. Không ít người dân trắng tay sau khi lũ lụt rút. “Chúng em phân công nhau đến các nhà nắm tình hình, thấy bà con mình khổ, trò khổ mà không cầm nổi nước mắt anh ạ”, cô giáo hiệu trưởng kể giọng đầy thổn thức. Miền trung! Nước mắt mùa lũ nói sao cho hết. Những mặn mòi, đắng đót nói sao cho hết. Có những địa danh nhắc lên còn nhói buốt lòng ta, thôi xin để lặng yên, xin để trầm lắng nỗi đau mang tên nhân dân, chiến sĩ. Và, cũng để ấm lòng thêm với một dòng lũ khác, dòng lũ yêu thương cuồn cuộn đổ về miền trung trong những ngày gian lao ấy. Những bộ đồng phục, những chiếc áo ấm của các cháu đang mặc đó là do những người thiện nguyện mang tới sau những kết nối, sẻ chia của các thầy, cô giáo trong trường. Cả nước lo cho miền trung có được miếng khi đói, có được tấm áo khi lạnh, thương người như thương mình. Bởi thế mà vùng lũ lụt sớm vượt lên được bao gian nan chồng chất, để gây dựng vun chăm lại cuộc sống trên hoang tàn xơ xác. 

Ngấn lụt còn in đó đây dù dòng sông đã hiền hòa trở lại. Sông muôn thuở trở lại quanh co mềm mại bao quanh những xóm mạc yên hòa, trở lại với chấp chới nắng chiều trên mặt nước, trở lại với những vầng mây không còn mang mầu cánh vạc… “Đừng than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”, đôi bờ dòng chảy thiên thu tôi vẫn nghe những vỗ về, an ủi, sắt son như thế. Muốn không bị mất, phải sống. Sống như bản lĩnh đã được trui rèn qua đạn bom, qua giông bão, để sau khóc phải biết cười lên, như nắng tỏa trên vệt bùn non chưa se mặt trong vườn. Những thân cây in ngấn lụt. Những ngôi nhà in ngấn lụt. Những đôi mắt in ngấn lụt. Những tâm hồn… ngấn lụt còn in. Đã thành chuyện hôm qua, nhắc cũng để là mừng mình không bị dạt trôi đâu đó. Vợ còn bên chồng. Con cháu còn bên ông bà, cha mẹ. Nhắc để biết yêu hơn cuộc sống, biết tri ân mỗi chiếc lá lành, mỗi tấm lá rách ít đã đùm bọc tơi tả xác xơ mùa lũ. Bão lũ gì rồi cũng qua, chỉ còn tình người ở lại. Câu ấy có nhắc lại ức vạn lần vẫn đúng. Đúng như lời ông cha qua mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước vẫn chẳng mảy may sai: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”. 

Tôi trở lại làng lũ vào những ngày cuối năm. Thiên hạ đang xôn xao Tết. Gặp những người tôi đã gặp khi con nước chưa rút hết dạo nào. Bồi hồi nhớ. Trên sân nhà, bùn non ngập đến gối, bì bõm, dính bết. Bàn tay nhận những đồng tiền cứu trợ của bạn bè, đồng nghiệp tôi gửi đến lấm láp bùn. Tôi cầm tay đồng bào mình, cầm luôn cả bùn lũ chưa trôi. Bàn tay Việt. Thầm thì yêu thương, tin cậy truyền dẫn sang nhau để hôm nay lòng không khỏi khấp khởi với những luống rau ngùn ngụt xanh, những cành cây nhấp nhô mầm biếc. Và trong tầm mắt tôi cây mai đã nhú nhí mấy búp hoa. Cúc hoa, hồng hoa, thược dược hoa, vạn thọ hoa… cũng khoe sắc trong chậu. 

Xuân, ấy khúc luân hồi của thiên nhiên, mùa khởi niên tưng bừng hy vọng. Tôi từng nghe câu này, hãy sống trong thế giới biết ơn. Tôi muốn thêm nữa, hãy sống trong thế giới yêu thương. Tôi biết, có những bông hoa sẽ được dành dâng cúng tổ tiên. Có những bông hoa tặng người thân, bạn bè. Có những bông hoa để nguyên trên cành làm nơi đậu cho muôn vàn li ti lấm tấm mưa xuân. Tất cả là gì nếu không phải là sự biết ơn. Tất cả là gì nếu không phải nồng nàn yêu thương. Sống cho một lần sống, duy nhất. Ai rồi cũng thế cả, nếu không biết ơn và yêu thương thì tất cả sẽ trở thành vô nghĩa. Không có sự cứu rỗi nào gần gũi và đáng tin cậy hơn là biết ơn và yêu thương. Tôi nghe câu nói đó từ đâu nhỉ, phải chăng từ nơi còn in ngấn lũ…