Biến nước biển thành nước ngọt

Câu thơ được nghe từ tấm bé: “Nước biển mặn ngọt ngào như sữa mẹ/Đã nuôi tôi khôn lớn từng ngày” đã trở thành động lực để Trần Thái Sơn, một trong những người nhận Giải thưởng Lương Định Của năm 2020 nuôi ước mơ thiết kế máy lọc nước biển thành nước ngọt. Nặng lòng với biển, anh còn nghiên cứu lắp đặt thiết bị vệ tinh trên tàu cá, giúp hàng nghìn ngư dân yên tâm vươn khơi. 

Động lực làm việc của anh Sơn là mang nước ngọt tới cho cộng đồng.
Động lực làm việc của anh Sơn là mang nước ngọt tới cho cộng đồng.

Tấm lòng trí thức trẻ

Cả tuổi thơ lam lũ đợi người thân trở về sau mỗi chuyến ra khơi, Sơn luôn nhớ lời cha dặn cố gắng học tập để thoát khỏi nghề đi biển cực nhọc. Nhưng duyên nợ, cùng những điều mắt thấy tai nghe về nỗi vất vả làm nghề của cha đã khiến anh lao vào nghiên cứu để biến nước biển thành nước ngọt.

“Ngư dân không thiếu gạo, cá hay thức ăn mà họ thiếu nước ngọt, nước sạch. Trước kia khó khăn, mỗi người được phần riêng hai lít nước/ngày. Nước tích trong lu lâu ngày dần ô nhiễm. Nếu đi dài ngày, người ta lấy nước đá rã đông ra uống và vệ sinh cá nhân, đến khi về bờ thì ai nấy đều ghẻ lở. Tôi nghĩ ra cách lọc nước biển thành nước ngọt trước hết là giải quyết những âu lo về việc thiếu nước ngọt cho người đi biển”, Sơn bày tỏ. 

Hành trình chế tạo máy lọc nước biển thành nước ngọt cho tàu cá gặp nhiều sóng gió. Thời sinh viên nghiên cứu thất bại, Sơn mang đề tài mình ấp ủ theo sang Đức trong quá trình học thạc sĩ. Suốt thời gian du học, làm thêm đủ nghề mới có tiền mua linh kiện. Thậm chí, hành trang ngày “vinh quy bái tổ” của Sơn khi đó là 100 kg thiết bị lắp ráp máy lọc nước và một chút quà cho gia đình.

Đến khi lắp ráp thực tế, Sơn liên tục phải đối mặt với các thách thức. “Tàu cá Việt Nam là loại tàu nhỏ, không tương thích các máy lọc nước hiện có. Ngay cả công nghệ màng lọc RO thì thế giới đã làm nhưng cũng không dành cho tàu cá Việt Nam, linh kiện cũng mày mò theo nên tôi mất vài tháng để tìm tòi, kết hợp”, Sơn nhớ lại. 

Năm 2013, Sơn quyết định mở Công ty TNHH Hiệp lực và Phát triển Việt để dồn kinh phí, đầu tư cho nghiên cứu. Chiếc máy được lắp ráp đầu tiên, “gia tài” những năm tháng ở Đức được Sơn mang tặng cho chủ tàu, rồi từ đó bắt đầu chuỗi ngày khởi nghiệp gian nan. Sản phẩm có giá thành bằng 50% giá thị trường, nhưng nhiều chủ tàu không tin cốc nước biển mới lọc xong là nước ngọt. Trải qua đủ phép thử, từ việc tự uống cốc nước đầu tiên, đun nước pha trà để xem nước trà có thơm ngon, nấu cơm có chín dẻo…, họ mới chấp nhận mua máy. 

Tự tin với sản phẩm, Sơn dành tâm huyết để cùng mang “nước ngọt nghĩa tình” tới hải đảo và những miền quê “khát” nước ngọt vì xâm nhập mặn. Năm 2014, sau chuyến đi thực tế tại Nhà giàn DK1, Sơn và các cộng sự bắt tay vào nghiên cứu máy lọc nước cho nhà giàn và ở những đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Trong 5 năm qua, công ty đã lắp đặt máy lọc nước biển cho toàn bộ hệ thống nhà giàn và 23 máy tại Trường Sa. Dự định, 2021 sẽ là năm điều chỉnh thiết bị rất lớn cho Trường Sa, đầu tư công nghệ tối ưu hơn để bảo đảm chất lượng nước ngọt ổn định, lâu dài hơn.

Cùng với CLB Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương, các thành viên của Công ty TNHH Hiệp lực và Phát triển Việt cũng là lực lượng xung phong mang máy lọc nước mặn tới các gia đình chính sách, trường học, bệnh viện… tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong đợt hạn mặn năm 2016. Xem những bức ảnh mọi người hạnh phúc đón dòng nước ngọt đầu tiên, Sơn xúc động bởi “đó là lý do mà chúng tôi đặt mục tiêu phải làm được bằng mọi giá”. 

Biến nước biển thành nước ngọt -0
Lắp miễn phí máy lọc nước cho các xã bị xâm nhập mặn năm 2016. Ảnh: TRẦN VŨ THÀNH 

Nâng cao giá trị nghề cá

Gắn bó với ngư dân, chủ nhân của Giải thưởng Lương Định Của năm 2020 muốn đóng góp sức mình cho sự phát triển của ngành ngư nghiệp. Sơn nhận thấy nhiều doanh nghiệp thủy sản trong nước thường xuyên vướng rào cản môi trường, khó tiếp cận các thị trường có mức chi cao nhưng lại khắt khe về vấn đề phát triển bền vững. 

Nếu như ước mơ “biến nước biển ngọt” là một hành trình dài, thì việc xây dựng một nhà máy xử lý nước thải cho nhà máy chế biến thủy sản lại là một cuộc chơi lớn. Chấp nhận bỏ ra ba năm chỉ để nghiên cứu tạo ra một nhà máy xử lý nước thải, công trình đầu tiên Sơn dành để xây dựng tại nơi mình sinh ra. 

Để có thể tăng giá trị cho ngành thủy sản, nâng cao hiệu quả đánh bắt bằng số hóa, Sơn bắt đầu nghiên cứu cách số hóa nghề cá. Năm 2019, anh thử nghiệm và cung cấp dịch vụ thiết bị vệ tinh cho tàu đánh cá. Các thiết bị có tính năng giám sát, phát wifi bằng mạng VNPT để ngư dân chủ động liên lạc, nghe gọi và nhắn tin, ghi lại nhật ký khai thác điện tử, truy xuất nguồn gốc thủy, hải sản, giám sát chất lượng thủy, hải sản online, cứu hộ, cứu nạn trên biển... Chỉ sau một năm triển khai, đến nay, công ty đã cung cấp cho hơn 7.000 tàu cá Việt Nam, tạo ra một dịch vụ hoạt động hiệu quả cho ngư dân, đồng thời mang lại doanh thu hơn 100 tỷ đồng cho công ty.

Có niềm tin vững chắc với con đường mình chọn, chủ nhân của Giải thưởng Lương Định Của chia sẻ rất mộc mạc: “Ở những lĩnh vực này, không ít người đã bỏ cuộc. Lý do để tôi mắc võng, bới cơm nắm muối theo đuổi những dự án của mình duy nhất chỉ vì tâm huyết với nghề biển, với ngư dân”. Trong thời gian tới, Sơn đặt mục tiêu triển khai ứng dụng internet vạn vật (IoT), mang tới một tổ hợp nhiều giải pháp tổng thể để chuyên nghiệp hóa nghề đánh bắt, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.