Trường tồn nước Việt

Nước Việt trường tồn đã hàng mấy nghìn năm. Từ buổi dựng nước Văn Lang đến nay, các cộng đồng dân tộc làm nên nước Việt trải qua bao biến động lịch sử vẫn tồn tại. Sức sống mãnh liệt nào làm nên bản lĩnh kiên cường vậy, trong lúc mà bao quốc gia đã bị xóa sổ bởi những đế quốc lớn hơn?

Tái hiện hình ảnh trong Lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Ảnh: Song Anh
Tái hiện hình ảnh trong Lễ kỷ niệm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Ảnh: Song Anh

1. Quần tụ quanh ba con sông lớn tạo nên ba vùng châu thổ sông Hồng, sông Mã và sông Lam, người Lạc Việt sáng tạo nên văn hóa Đông Sơn đầy bản sắc với ruộng nước và trống đồng Đông Sơn đẹp nhất khu vực. Đến thế kỷ 2 trước công nguyên, đế quốc Hán đã thôn tính xong 100 tộc Việt (Bách Việt), trong đó có người Lạc Việt. 99 tộc Việt đã bị xóa sổ, mất tăm tích từ bấy giờ. Chỉ duy nhất tộc Lạc Việt giữ được bản sắc còn lại đến nay. Tưởng như với chính sách đồng hóa triệt để của nhà Hán với phương châm: Vơ vét hết trống đồng để đem đúc ngựa đồng và cột đồng Mã Viện, trống đồng sẽ bị tận diệt từ đầu thời Bắc thuộc cùng với văn hóa bản địa. Thế nhưng, người Việt vẫn tìm cách để tiếp tục đúc trống đồng. Với sự phát hiện hàng trăm mảnh khuôn đúc trống đồng năm 2015 ở Luy Lâu, chúng ta biết được ngay tại trị sở của quan độ hộ nhà Hán, người Việt vẫn đúc trống, sau năm trăm năm bị đô hộ. Vì, như thư tịch còn ghi lại: trống mất thì vận người Man cũng mất (người Man là cách gọi miệt thị đối với cư dân Lạc Việt xưa). Cho nên người Lạc Việt vẫn quyết tâm giữ lại văn hóa trống đồng của mình.

Trường tồn nước Việt ảnh 1

Múa rồng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

Mặt khác, nhà Hán chỉ cai trị được ở vùng xuôi, còn ở vùng núi, cộng đồng người Mường (tách ra từ khối Việt-Mường chung) vẫn tiếp tục sử dụng trống, mặc dù có sự cải biến hình dáng và hoa văn trống thành dạng trống loại II theo cách phân loại của F. Heger. Văn hóa Hán tưởng chừng nuốt chửng được văn hóa Việt, nhưng rồi cũng phải tìm cách cùng hòa sắc với nền văn hóa này. Có những đồ vật thời Bắc thuộc như chiếc chậu-trống mang cả nét văn hóa Đông Sơn với hoa văn ngôi sao nhiều cánh, người múa hóa trang, chim Lạc bay lẫn hoa văn Hán thể hiện ở hoa văn “song ngư” có hình hai con cá dưới đáy chậu.

Bản sắc văn hóa Việt vẫn như mạch ngầm trong thời Bắc thuộc. Để rồi, đợi đến nghìn năm sau, bùng phát một sự phục hưng với kỷ nguyên Đại Việt. Tiếng trống đồng của người Việt vẫn vang lên. Vận người Man vẫn không mất. Thậm chí, tiếng trống đồng còn tham gia vào cuộc chiến đấu chống ngoại xâm. Trong một cuộc tiếp sứ giả nhà Nguyên ở Thăng Long là Trần Phu, tiếng trống đồng âm vang đã làm run sợ phái đoàn:

“Kim qua ảnh lý đan tâm khổ

Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh”


(Nhác thấy giáo gươm mà lòng run sợ, nghe tiếng trống đồng chợt bạc trắng đầu).

Sau này, trống đồng vẫn còn được đúc, mặc dầu có cải biến hình dáng và hoa văn. Đó là vào thời Tây Sơn, năm 1800, người làng Ninh Hiệp, Hà Nội vẫn đúc trống Cảnh Thịnh, nay được tôn vinh là bảo vật quốc gia. Trống đồng còn được người Việt phong thần, lập đền thờ. Cho đến nay, có đền thờ Đồng Cổ (nghĩa là trống đồng) ở Đan Nê, Hoằng Minh (Thanh Hóa), ở phố Thụy Khuê và ba miếu thờ ở xã Minh Khai, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội).

2. Trong công cuộc chống đồng hóa phương Bắc, trống đồng chỉ là một trong các bảo vật vô giá mà người Việt giữ gìn như một biểu tượng. Còn nhiều mặt khác của xã hội mà người Việt tuân thủ như một luật lệ riêng. Chẳng thế mà, trong sách Hậu Hán Thư còn ghi lại: Luật Việt khác luật Hán hơn 10 điểm. Người Hán lúc đầu cũng vẫn còn phải sử dụng tầng lớp lạc hầu, lạc tướng để cai trị dân Việt mà chưa dám bỏ hẳn tầng lớp quan lại địa phương.

Sức trường tồn của người Việt và nước Việt còn thể hiện ở phong tục tập quán sâu đậm, mang bản sắc riêng. Ngay trong “Bình Ngô đại cáo”, Nguyễn Trãi cũng đã từng nói: “Núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác”. Cái phong tục đã làm cho cộng đồng gần gũi nhau hơn mà đôi khi cũng là cái nguyên cớ để các thủ lĩnh giương cờ tập hợp dân chúng “Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng” (Hoàng đế Quang Trung trước khi tiến ra bắc, tuyên bố năm 1788).

Vào thời Trần, sử sách đã chép lại là quân lính đã nhất tề xăm hình, “quân sĩ đều xăm hình rồng ở bụng, ở lưng và hai bắp đùi, gọi là “thái long” (rồng hoa). Vì khách buôn người Tống thấy dân Việt ta xăm hình rồng, lỡ gặp gió bão thuyền đắm, thuồng luồng không dám phạm tới” (Đại Việt sử ký toàn thư).

3. Sự trường tồn của nước Việt còn phải là công lao của người dân trong mọi triều đại. Nguyễn Trãi đã nhận ra điều đó khi ví sức dân mạnh như sức nước, chở thuyền cũng là dân mà lật thuyền cũng là dân. Cái yếu tố “dân” thấm sâu trong Nguyễn Trãi chắc là đã rút ra được từ bài học của nhà Hồ - triều đại mà ông thi đỗ Thái Học Sinh, nhưng không ra làm quan. Triều Hồ có nhiều cải cách, xây được ngôi thành đá uy nghi, nhưng không được lòng dân. Chính Hồ Nguyên Trừng đã dự cảm được yếu tố người dân không đồng lòng với cuộc chiến chống nhà Minh bằng câu trần tình hai năm trước khi mất nước vào tay giặc: “Thần không sợ đánh, chỉ sợ lòng dân không theo thôi”.

Cái sức dân mạnh như sức nước trở thành yếu tố làm nên chiến thắng hàng đầu góp phần làm cho đất nước trường tồn, dẫu qua nhiều cuộc chiến tranh. Chỉ cần thí dụ vào thời Trần, “Thượng Hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều nói “đánh”, muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng”. Cái hào khí Đông A bấy giờ còn khiến cho một Dã Tượng, Yết Kiêu là những gia nô không tên tuổi bỗng chốc trở thành tướng tài trong cuộc chiến hợp lòng dân.

4. Còn phải kể đến sự tài ba của tướng lĩnh thời Trần, tiêu biểu là Trần Quốc Tuấn. Ông viết binh thư và giỏi đánh trận cũng như biết động viên binh sĩ qua tác phẩm bất hủ “Hịch tướng sĩ”. Ông đánh giặc mà như chơi - “năm nay đánh giặc nhàn” khi trả lời Vua Trần năm 1287. Mà lịch sử diễn ra đúng như lời tiên đoán của ông.

Sự trường tồn của đất nước đôi khi cũng bị đặt vào tình huống cam go, ngàn cân treo sợi tóc. Chỉ một tích tắc thôi mà suýt nữa nước Đại Việt bị nhập vào nhà Tống năm 1257. Trước sức mạnh như chẻ tre của quân Nguyên Mông, Vua Trần “ngự thuyền nhỏ đến thuyền Thái úy Nhật Hiệu hỏi kế sách (chống giặc). Nhật Hiệu đương dựa mạn thuyền, cứ ngồi chứ không đứng dậy nổi, chỉ lấy ngón tay chấm nước viết hai chữ “nhập Tống” lên mạn thuyền”. Nếu như nghe Nhật Hiệu, cũng là đại thần quốc thích của Vua, khuyên thì nước Việt khó có sự trường tồn đến nay. May mà có lời can của Trần Thủ Độ “Đầu thần chưa rơi xuống đất, bệ hạ đừng lo gì khác” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Sự trường tồn của nước Việt còn là sự tự tôn dân tộc với tiếng nói riêng “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn” (Phạm Quỳnh) và chữ viết riêng, đó là chữ Nôm - một thời được coi là quốc ngữ với các tác phẩm nổi tiếng như “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi, những bài thơ của Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương…

Trong cái đà hội nhập với thế giới, chúng ta đã đi đúng hướng khi giữ gìn bản sắc dân tộc, tôn vinh các di sản cha ông, trong đó có nhiều di sản mang tầm thế giới, rồi giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ… thì sự trường tồn nước Việt hẳn sẽ là mãi mãi.