Xử lý nghiêm sai phạm ở Công ty cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang

Công ty cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang bắt đầu kinh doanh tại Lào Cai từ năm 2009. Hiện tại, ở Lào Cai công ty có ba công ty con, với bảy nhà máy hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, hóa chất và thức ăn gia súc.

Chất thải rắn để cao như núi, vi phạm quy định về môi trường ở Nhà máy Hóa chất Đức Giang - Lào Cai.
Chất thải rắn để cao như núi, vi phạm quy định về môi trường ở Nhà máy Hóa chất Đức Giang - Lào Cai.

Tuy nhiên, một số nhà máy (thuộc các công ty con) của Công ty cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang vi phạm về môi trường, xây dựng, công nghệ - thiết bị… kéo dài nhiều năm qua, chậm khắc phục, gây khó khăn cho công tác quản lý và bức xúc trong dư luận nhân dân.

Nhiều vi phạm nghiêm trọng

Chúng tôi đến khu vực các nhà máy của Công ty cổ phần Bột giặt và Hóa chất Ðức Giang, tại một đồi cao, ở Khu công nghiệp Tằng Loỏng (huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai) và được chứng kiến bãi thải lộ thiên chứa chất thải rắn cao như núi, bên cạnh đó là cột ống khói xả khí nhà máy sản xuất phốt pho vàng ngùn ngụt cháy đỏ trong không khí, khói mù mịt và hồ chứa nước thải mầu đục nhờ, bốc lên mùi tanh, hôi thối.

Trước hết, cần khẳng định nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và chủ trương "doanh nghiệp phát tài, Lào Cai phát triển" trong nhiều năm qua của lãnh đạo tỉnh Lào Cai đã thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, hóa chất, thức ăn gia súc… tại địa phương. Trong đó Công ty cổ phần Bột giặt và Hóa chất Ðức Giang đã tạo việc làm, thu nhập cho người lao động và đóng góp vào ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, Công ty cổ phần Bột giặt và Hóa chất Ðức Giang đã ngang nhiên vi phạm các quy định của pháp luật về môi trường, xây dựng, công nghệ - thiết bị…, gây khó khăn cho công tác quản lý của chính quyền và dư luận bức xúc trong nhân dân, nhất là ở địa bàn "đứng chân" của các nhà máy nêu trên.

Tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, Công ty cổ phần Bột giặt và Hóa chất Ðức Giang có ba công ty con, với bảy nhà máy. Ðây là những nhà máy hoạt động sản xuất, kinh doanh liên quan trực tiếp đến môi trường, bao gồm nước thải, không khí và chất thải rắn có yêu cầu cao về công nghệ, thiết bị nhằm bảo đảm an toàn môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành. Thế nhưng, phần lớn các nhà máy nêu trên đều vi phạm về bảo vệ môi trường, thủ tục xây dựng và công nghệ - thiết bị.

Cụ thể: Tại Công ty cổ phần Hóa chất Ðức Giang - Lào Cai, các Nhà máy sản xuất phốt-pho vàng số 1 và số 2, Nhà máy sản xuất super lân giàu, Nhà máy sản xuất phụ gia thức ăn gia súc (DCP) và Nhà máy sản xuất phụ gia mono amoni phốt-phát (MAP) đều chưa có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, vi phạm quy định, pháp luật về bảo vệ môi trường hiện hành.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) tỉnh Lào Cai, các nhà máy này đổ thải không đúng theo quy hoạch (hiện đổ thải vào khu B của nhà máy hóa chất phân bón), không lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, liên tục về khí thải, không đăng ký cấp lại hồ sơ sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải, thậm chí đã xây dựng và đưa Nhà máy sản xuất phụ gia mono amoni phốt-phát vào hoạt động khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ÐTM). Ðáng chú ý, tại Nhà máy sản xuất phốt-pho vàng số 2 (công suất 8.000 tấn/năm), dây chuyền đốt bùn thải rất lạc hậu, không lắp thiết bị đo đếm, gây ô nhiễm môi trường không khí nặng nề.

Thách thức dư luận

Trước tình hình nêu trên, vào đầu năm 2014, Sở TNMT tỉnh Lào Cai đã xử phạt Công ty cổ phần Phân bón Lào Cai về hành vi để chất thải rắn sạt lở, gây ô nhiễm nguồn nước ở thôn Khe Khoang, xã Xuân Giao (Bảo Thắng), với số tiền 300 triệu đồng. Ngày 11-2-2015, Tổng cục Môi trường (Bộ TNMT) đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính Công ty cổ phần Hóa chất Ðức Giang - Lào Cai về hành vi thải khí thải vượt quy chuẩn và đổ chất thải rắn thông thường trái quy định, số tiền phạt là 22,4 triệu đồng; xử phạt Công ty cổ phần Phân bón Lào Cai về sai phạm không lập hồ sơ xác nhận biện pháp bảo vệ môi trường và đổ chất thải rắn không đúng quy định, với số tiền là 260 triệu đồng. Ðiều đáng nói là, dù đã bị kiểm tra, xử phạt hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường nhưng các nhà máy của Công ty cổ phần Bột giặt và Hóa chất Ðức Giang vẫn không tích cực khắc phục dứt điểm các sai phạm đã chỉ ra, trong khi ô nhiễm môi trường tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng ngày càng tăng, dư luận nhân dân địa phương rất bức xúc.

Mới đây nhất, ngày 8-9-2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Lê Ngọc Hưng đã ký Quyết định số 3917/QÐ-UBND xử phạt 340 triệu đồng đối với Nhà máy Hóa chất Ðức Giang - Lào Cai, do không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường theo quy định, xử phạt 790 triệu đồng đối với Nhà máy sản xuất super lân giàu và Nhà máy sản xuất phụ gia thức ăn gia súc, do không có đánh giá tác động môi trường (ÐTM); tại Quyết định số 3916/QÐ-UBND, xử phạt 340 triệu đồng đối với Nhà máy sản xuất a-xít phốt-pho-rích thực phẩm, do không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và không lập kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định, đồng thời yêu cầu đình chỉ hoạt động của ba nhà máy nêu trên trong thời gian ba tháng (kể từ ngày giao quyết định) để khắc phục các sai phạm.

Tuy nhiên, một lần nữa Công ty cổ phần Bột giặt và Hóa chất Ðức Giang lại "thoái thác" trách nhiệm, viện cớ thiệt hại kinh tế, việc làm và đời sống của hàng trăm công nhân để "xin" không bị phạt tiền và không bị dừng hoạt động các nhà máy. Không lâu sau đó, ngày 18-9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Lê Ngọc Hưng đã ký Quyết định số 4402 và 4403 sửa đổi các Quyết định 3916 và 3917 nêu rõ: không xử phạt hành chính (phạt tiền) với vi phạm của dự án 1 thuộc Nhà máy cổ phần Hóa chất Ðức Giang - Lào Cai, với lý do đã hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính!? Ðồng thời, tỉnh Lào Cai "gia hạn" thời gian trong sáu tháng sau (kể từ ngày ký quyết định), nếu công ty không hoàn thành các yêu cầu về bảo vệ môi trường thì sẽ đình chỉ hoạt động các nhà máy.

Các sai phạm của Công ty cổ phần Bột giặt và Hóa chất Ðức Giang tại các công ty con và các nhà máy đang hoạt động ở Lào Cai thuộc nhiều lĩnh vực, trong đó nổi cộm nhất là về bảo vệ môi trường, kéo dài, đã bị xử phạt nhiều lần nhưng chậm khắc phục, thậm chí còn có sai phạm nghiêm trọng hơn. Ðề nghị cơ quan chức năng và tỉnh Lào Cai cần làm rõ và xử lý nghiêm, dứt điểm các sai phạm để bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng và nhất là môi trường sống không bị ô nhiễm của người dân ở Khu công nghiệp Tằng Loỏng.