Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong thi hành án dân sự

NDO -

NDĐT- Việc áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong công tác thi hành án dân sự (THADS) thời gian qua cho thấy còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Tăng mức thực hiện các khoản nợ

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên bộ, sau khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, các cơ quan THADS đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành. Về cơ bản, Nghị quyết được ban hành đã tạo nhiều thuận lợi, bảo đảm cho quyền lợi của các TCTD; nâng cao hơn ý thức của cá nhân, tổ chức trong việc thực hiện các khoản nợ của các TCTD.

Tuy nhiên, sau hơn một năm áp dụng Nghị quyết số 42, công tác THADS gặp một số khó khăn, vướng mắc. Về nghĩa vụ nộp thuế khi bán đấu giá tài sản, đại diện lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết: Theo quy định tại khoản 2 Điều 15 của Nghị quyết 42, việc nộp thuế của bên bảo đảm, bên nhận chuyển nhượng liên quan chuyển nhượng tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế.

Cụ thể, liên quan thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản thì người có tài sản chuyển nhượng (kể cả người phải thi hành án) thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định số 65/2013/NĐ-CP ngày 27-6-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của thuế TNCN.

Tuy nhiên, tại Điều 12 Nghị quyết số 42 lại quy định số tiền thu từ tài sản bảo đảm được ưu tiên thanh toán cho TCTD trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế. Hầu hết các trường hợp, số tiền thu được từ việc xử lý tài sản không đủ để thanh toán cho TCTD nên không còn để thanh toán nghĩa vụ thuế.

Trong khi đó, tại Công văn số 4606/BTC-TCT ngày 20-4-2018 của Bộ Tài chính quán triệt thực hiện Nghị quyết số 42 chưa hướng dẫn cụ thể về trường hợp này. Do đó, các cơ quan thuế đều khẳng định nếu không hoàn tất nghĩa vụ nộp thuế thì không thực hiện được thủ tục sang tên cho người mua trúng đấu giá, như vậy tạo tâm lý bức xúc từ phía người mua tài sản bán đấu giá, dẫn đến khiếu nại, tố cáo, thậm chí dẫn đến người mua trúng đấu giá khởi kiện yêu cầu cơ quan THADS phải nộp khoản thuế chuyển nhượng tài sản.

Về nghĩa vụ nộp án phí theo bản án, quyết định của Tòa án cũng đang được các cơ quan, tổ chức, cá nhân quan tâm.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014, khoản án phí được ưu tiên thanh toán trước khi thanh toán cho các khoản nghĩa vụ có bảo đảm. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 12 của Nghị quyết số 42 khoản án phí cũng không được ưu tiên thanh toán, điều đó dẫn đến tồn đọng việc thi hành án, ảnh hưởng chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước. Hầu hết người phải thi hành án dân sự không còn tài sản, như thế dẫn đến tình trạng tích lũy và tồn án không thi hành được ngày càng lớn.

Đối với tiền hỗ trợ thuê nhà trong trường hợp xử lý tài sản là nhà ở duy nhất, theo quy định tại khoản 5 Điều 115 Luật THADS được sửa đổi, bổ sung năm 2014, sau khi thanh toán các khoản nghĩa vụ mà người phải thi hành án không còn tiền để thuê nhà hoặc tạo lập nơi ở mới thì cơ quan THADS trích lại một khoản tiền để người đó thuê nhà (giá thuê trung bình tại địa phương) trong thời hạn một năm.

Đây là chính sách nhân đạo nhằm bảo đảm nơi cư trú tối thiểu cho người phải thi hành án, ổn định tình hình an ninh chính trị tại địa phương. Do đó, trong trường hợp người phải thi hành án và gia đình không có chỗ sinh sống tạm thời không nhận được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền địa phương cũng như cộng đồng dẫn đến cơ quan THADS không thể cưỡng chế giao tài sản cho người mua trúng đấu giá, đồng nghĩa với việc không thể thanh toán tiền cho các TCTD. Nhiều trường hợp Ban Chỉ đạo THADS không chỉ đạo cưỡng chế vì e ngại vấn đề ổn định an ninh chính trị tại địa phương.

Vấn đề khác là hạn chế quyền xử lý tài sản của cơ quan THADS để trao quyền xử lý tài sản cho TCTD.

Đối với các vụ việc thi hành án mà người phải thi hành án có tài sản đang thế chấp tại các TCTD. Theo quy định tại Điều 90 Luật THADS (trước khi có Nghị quyết 42) thì trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác để thi hành án hoặc có mà không đủ, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án. Tuy nhiên, sau khi áp dụng Nghị quyết số 42, các tài sản này không bị kê biên để thực hiện nghĩa vụ khác, trừ trường hợp thi hành án về cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và trường hợp được các TCTD đồng ý bằng văn bản.

Như vậy, đã hạn chế việc xử lý tài sản của cơ quan THADS tại các TCTD đang nhận thế chấp bảo đảm tài sản của người phải thi hành.

Một số kết quả thi hành án tín dụng, ngân hàng

Theo số liệu báo cáo mới đây của Tổng cục Thi hành án dân sự, năm 2018, thi hành án thu hồi nợ xấu trong các vụ việc thi hành án tín dụng ngân hàng (TDNH) đã đạt nhiều kết quả.

Cụ thể như sau: Kết quả thi hành án về việc: Tổng thụ lý án TDNH là 24.907 việc (chiếm 3% số việc thụ lý toàn quốc). So với cùng kỳ năm 2017, số thụ lý án TDNH tăng 2.434 việc (chiếm 10,83%). Trong đó, số việc có điều kiện thi hành án là 18.349 việc, số việc chưa có điều kiện thi hành là 6.558 việc.
Kết quả, đã thi hành xong 4.251 việc đạt tỷ lệ 17,07% (giảm 189 việc, thấp hơn 2,69% so với cùng kỳ năm 2017).

Kết quả thi hành án về tiền, tổng thụ lý án TDNH là 108.999 tỷ 067 triệu 591 nghìn đồng (chiếm 62,1% số tiền thụ lý toàn quốc). So với cùng kỳ năm 2017, số thụ lý án TDNH tăng 9.667 tỷ 254 triệu 864 nghìn đồng (chiếm 9,73%). Trong đó, số có điều kiện thi hành án là 78.263 tỷ 979 triệu 833 nghìn đồng, số chưa có điều kiện thi hành là 30.735 tỷ 087 triệu 757 nghìn đồng.

Kết quả, đã thu được số tiền là 24.575 tỷ 914 triệu 210 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 22,55% (giảm thu 3.135 tỷ 309 triệu 304 nghìn đồng tương đương -6,99% và thấp hơn 5,34 % so với cùng kỳ năm 2017).

Như vậy, từ kết quả nêu trên có thể thấy, hiệu quả thi hành án TDNH đạt thấp. Mặc dù công tác THADS liên quan tín dụng, ngân hàng trong năm 2018 tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên của các cấp lãnh đạo Đảng và Nhà nước và hệ thống THADS cũng đã triển khai nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các quy định pháp luật, các hướng dẫn, chỉ đạo. Tuy nhiên, kết quả thi hành án các vụ việc liên quan đến án tín dụng, ngân hàng năm 2018 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2017 cả về việc và tiền. Số tiền, việc còn phải thi hành án lớn (số việc là 20.656 việc, tương ứng số tiền trên 84.423 tỷ 153 triệu 381 nghìn đồng) và tập trung ở các ngân hàng lớn và có vốn nhà nước chi phối.

Thứ hai, số tiền phải thi hành án cho các TCTD chiếm tỷ trọng lớn. Theo báo cáo thống kê thì số tiền thi hành án TDNH chiếm hơn 62% số tiền phải thi hành án cả nước. Trong đó, các địa phương có số tiền phải thi hành liên quan TCTD lớn là TP Hồ Chí Minh (3.192 việc; trên 36.318 tỷ đồng); Hà Nội (3.906 việc, trên 20.103 tỷ đồng), Đồng Nai (745 việc, trên 2.739 tỷ đồng), Long An (1.031 việc; trên 2.015 tỷ đồng), Cần Thơ (960 việc, trên 2.038 tỷ đồng), An Giang (640 việc; trên 2.015 tỷ đồng), Kiên Giang (739 việc, trên 1.221 tỷ đồng) và Sóc Trăng (717 việc, trên 789 tỷ đồng).

Thứ ba, tiền phải thi hành án TDNH tập trung vào một số TCTD lớn: Báo cáo thống kê cho thấy một số TCTD có lượng án phải thi hành lớn như: Agribank (4.333 việc, trên 15.535 tỷ đồng); Vietinbank (1.341 việc, trên 7.831 tỷ đồng); BIDV (1.893 việc, trên 8.907 tỷ đồng); Techcombank (1.522 việc, trên 6.018 tỷ đồng); Sacombank (1.367 việc, trên 6.646 tỷ đồng) và VPBank (2.063 việc, trên 2.582 tỷ đồng).

- Tổng số việc toàn quốc năm 2018: 828.980 việc

- Số việc thụ lý án TDNH năm 2017 là 22.473 việc

- Một số địa phương thi hành kết quả còn thấp như: Long An, An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Đác Lắc.

(Theo báo cáo của Tổng cục Thi hành án dân sự- Bộ Tư pháp)