Văn bản sai vẫn “lọt”, “tuýt còi” lắm mất thiêng

NDO -

NDĐT - Hiện nay nhiều văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) khi mới chỉ là sơ thảo, dự thảo đã khuấy động dư luận bởi quan ngại nếu thực thi trên thực tế thì không hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Nhiều ý kiến cho rằng chất lượng ban hành văn bản có vấn đề, không chỉ vì sức ép thời hạn, thủ tục mà còn do trình độ nguồn nhân lực.

Cần thu hút sự tham gia của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, khoa học vào công tác thẩm định văn bản.
Cần thu hút sự tham gia của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, khoa học vào công tác thẩm định văn bản.

“Tiền kiểm”: Làm cho phải phép

Theo kết quả khảo sát chất lượng thẩm định của Bộ Tư pháp đối với các dự thảo VBQPPL được công bố mới đây, 62,8% ý kiến được hỏi cho rằng một số trường hợp chưa phát hiện ra những mâu thuẫn trong dự thảo VBQPPL với các quy định pháp luật khác.

56% ý kiến cho rằng một số trường hợp chưa phát hiện ra sự phù hợp với thực tiễn của dự thảo VBQPPL. 39,9% ý kiến được hỏi cho rằng việc thẩm định chưa bảo đảm tính khả thi, đơn giản hóa của các thủ tục hành chính trong dự thảo VBQPPL. 71% ý kiến được hỏi cho rằng thời hạn thẩm định hiện nay không bảo đảm (quá ngắn).

52% ý kiến cho rằng thành phần Hội đồng thẩm định do Bộ Tư pháp thành lập chưa đầy đủ, còn khép kín, chưa huy động sự tham gia rộng rãi của các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý trên các lĩnh vực, các ngành, trình độ một số thành viên còn hạn chế…Một số ít cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo chưa quan tâm mời đơn vị chủ trì thẩm định tham gia ngay từ đầu quá trình soạn thảo VBQPPL. Một số trường hợp lấy ý kiến thẩm định chỉ mang tính hình thức, cơ quan soạn thảo không quan tâm, tiếp thu ý kiến thẩm định.

Theo Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp), cần có cơ chế rõ ràng để thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, tổ chức, cá nhân vào quá trình thẩm định dự thảo VBQPL. Tại một số hội đồng, nội dung thẩm định còn phiến diện, một chiều, chưa đầy đủ, các lập luận chưa có tính thuyết phục cao.

Việc thẩm định còn mang tính nể nang, chưa đi sâu vào nội dung mà sa vào câu chữ, kỹ thuật. Nhiều hội đồng thẩm định không tránh khỏi những “gương mặt thân quen” do việc thu hút các chuyên gia các nhà khoa học chưa có sự thống nhất và tiêu chí rõ ràng.

Thực tế vai trò của cơ quan thẩm định chưa được coi trọng. Một số cơ quan chỉ xem thẩm định như một quy trình để hợp thức hóa hồ sơ dự thảo VBQPPL trình lên Chính phủ.

“Hậu kiểm”: Nhắc nhở là chính

Theo thống kê của Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp),trong toàn quốc, các cơ quan kiểm tra văn bản cả nước 10 năm qua đã tiếp nhận, kiểm tra hơn 1,7 triệu văn bản, phát hiện hơn 50 nghìn văn bản sai trái và đã xử lý ở các mức độ khác nhau. Riêng Cục Kiểm tra văn bản đã tiếp nhận, kiểm tra hơn 27 nghìn văn bản. Đã phát hiện hơn 4.800 văn bản sai trái và đã xử lý ở các mức độ khác nhau.

Theo quy định của Chính phủ, bốn nhóm vấn đề cơ bản trong VBQPPL cần kiểm tra gồm: căn cứ pháp lý; thẩm quyền ban hành văn bản (thẩm quyền nội dung và thẩm quyền hình thức); Sự phù hợp với văn bản cấp trên; câu chữ, ngôn ngữ pháp lý, thủ tục, trình tự soạn thảo văn bản.

Ông Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản cho biết, quá trình kiểm tra cho thấy cả bốn nhóm vấn đề cơ bản đều có sai trong các văn bản của Bộ, ngành và địa phương. Đáng chú ý và quan trọng nhất là văn bản ban hành sai thẩm quyền nội dung, thẩm quyền hình thức cũng như đưa ra những quy định trái với văn bản cấp trên.

Nguyên nhân của thực trạng này là do các quan hệ xã hội ngày càng phát triển; điều chỉnh pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu, do đó việc đưa ra các quy định phù hợp không dễ dàng chút nào. Tuy nhiên xét về bản chất vấn đề yếu tố con người, cụ thể là trình độ của người tham gia soạn thảo ban hành văn bản không đáp ứng yêu cầu. Nhiều lúc người đứng đầu khoán trắng cho cấp dưới, cho chuyên viên thiếu sự quan tâm đúng mức.

Tuy cơ chế kiểm tra phát hiện nội dung sai trái của văn bản ngày càng được hoàn thiện, tính chuyên nghiệp được nâng cao hơn, do đó dễ hiểu là kết quả phát hiện ngày càng tốt hơn so với trước. Nhiều văn bản của các bộ, ngành, địa phương bị các cơ quan kiểm tra văn bản “tuýt còi”, song việc điều chỉnh ngay hay không lại là câu chuyện khác. Vẫn còn có nhiều đơn vị chưa nghiêm túc tự kiểm tra, khắc phục và gửi thông báo kết quả xử lý.

Quy định của Chính phủ là trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận thông báo về việc văn bản có dấu hiệu trái pháp luật, cơ quan, người đã ban hành văn bản phải tổ chức tự kiểm tra, xử lý văn bản đó và thông báo kết quả xử lý cho cơ quan kiểm tra văn bản.

Nếu các bộ và địa phương này tiếp tục không khắc phục, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật sẽ báo cáo Bộ trưởng Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý theo quy định.