Tòa án quân sự Trung ương: Xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật

Ngày 13-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành Sắc lệnh thành lập các tòa án quân sự trong cả nước để xét xử những người có hành vi xâm phạm đến nền độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Ðông-Nam Á. 60 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ðảng ủy Quân sự T.Ư và Bộ Quốc phòng, các tòa án quân sự Việt Nam đã trưởng thành, lớn mạnh cùng với sự trưởng thành, lớn mạnh không ngừng của QÐND Việt Nam; đã có nhiều cán bộ tòa án quân sự trở thành các vị tướng lĩnh lãnh đạo, chỉ huy cấp cao trong quân đội; có cán bộ tòa án quân sự anh dũng hy sinh trên chiến trường hoặc mang trên mình thương tích chiến tranh.

60 năm qua, ngành tòa án quân sự luôn luôn tập trung phục vụ nhiệm vụ chính trị của Ðảng, Nhà nước và của quân đội, tích cực đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, các vi phạm pháp luật xảy ra trong quân đội, bảo vệ sức mạnh chiến đấu của các lực lượng vũ trang. Bằng các hoạt động của mình, các tòa án quân sự đã góp phần giáo dục quân nhân, công nhân viên quốc phòng trung thành với Tổ quốc, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, quy định của quân đội, giữ vững trật tự, kỷ cương xã hội.

60 năm qua, các tòa án quân sự bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không có trường hợp xét xử oan người vô tội; luôn luôn có tâm trong sáng "Phụng công - Thủ pháp - Chí công vô tư".

Tòa án quân sự là cơ quan xét xử của Nhà nước được tổ chức trong quân đội, nhân danh Nhà nước xét xử các vụ án thuộc thẩm quyền. Nhiệm vụ của tòa án quân sự là bảo vệ pháp chế, bảo vệ chế độ XHCN và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ an ninh quốc phòng, kỷ luật quân đội; bảo vệ tài sản Nhà nước, tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm của quân nhân, công nhân viên quốc phòng và các công dân khác.

Xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật là một nội dung cơ bản trong đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bảo đảm xét xử nghiêm minh, trước hết các tòa án quân sự phải nắm vững và áp dụng thống nhất pháp luật, bảo đảm xét xử phù hợp tình hình, đặc điểm của quân đội trong từng giai đoạn cụ thể.

Việc đưa những người có hành vi phạm tội, xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích quốc phòng... ra xét xử và áp dụng đúng các hình phạt, các tòa án quân sự đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ðể phát huy tác dụng xét xử; ngăn chặn, răn đe, giáo dục, phòng ngừa, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, hoạt động của các tòa án quân sự triệt để tuân thủ nguyên tắc, đã phạm tội là phải bị xử lý bằng pháp luật, việc xét xử phải bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.

Các tòa án quân sự chỉ xét xử những người bị Viện Kiểm sát quân sự truy tố, không vì bất cứ một động cơ hay mục đích nào khác mà có thể xét xử họ về tội khác nặng hơn. Việc quyết định hình phạt đối với người phạm tội phải công bằng, nhân đạo và đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nhờ đó, việc xét xử của tòa án quân sự đã thật sự thuyết phục được lòng người, làm cho người phạm tội thấy được tội lỗi của mình, cảm nhận được tính nhân đạo, khoan hồng của pháp luật, tự giác cải tạo mình trở thành công dân có ích cho xã hội.

Ðể hoạt động xét xử mang lại hiệu quả cao, các tòa án quân sự đã thực hiện một số biện pháp, hình thức xét xử, nhằm tạo điều kiện cho quân nhân, quần chúng nhân dân trực tiếp chứng kiến phiên tòa, thông qua đó phát huy hiệu quả giáo dục, phòng ngừa. Trong chiến tranh hay trong hòa bình, các tòa án quân sự luôn bám sát đơn vị quân đội, bám sát chiến trường, đưa 98% số vụ án thụ lý hằng năm đi xét xử lưu động. Ðưa các vụ án đến các đơn vị, các địa phương nơi tội phạm xảy ra hay nơi tội phạm cư trú để xét xử, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều cán bộ, chiến sĩ, nhân dân địa phương được tham dự phiên tòa. Các tòa án quân sự tổ chức xét xử điển hình nhiều vụ án, phục vụ kịp thời cho những yêu cầu chính trị, trong những thời kỳ nhất định.

Bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đòi hỏi các tòa án quân sự phải có đội ngũ cán bộ chuyên trách, vừa có bản lĩnh chính trị vững vàng, am hiểu thực tiễn tổ chức hoạt động của quân đội, vừa phải có kiến thức pháp luật cơ bản, hệ thống, có năng lực tổ chức xét xử, giải quyết các loại án thuộc thẩm quyền. Ðáp ứng yêu cầu mới của cách mạng, nhất là yêu cầu tăng cường pháp chế XHCN, tăng cường sức mạnh Nhà nước Việt Nam XHCN, và xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, các tòa án quân sự đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ bằng nhiều hình thức, như bồi dưỡng ngắn hạn, bồi dưỡng tại chức, đào tạo dài hạn ở trong nước và nước ngoài cả về chuyên môn, chính trị và quân sự.

Ðến nay, 100% số cán bộ ngành tòa án quân sự đã có học vị cử nhân Luật trở lên (trong đó có hai tiến sĩ, 14 thạc sĩ và nhiều cán bộ trong ngành đang theo học sau đại học chuyên ngành luật, cũng như các học viện trong quân đội). Ðội ngũ cán bộ tòa án quân sự được tiêu chuẩn hóa trên cơ sở không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, có trình độ chuyên môn cao, có kiến thức toàn diện về khoa học nhân văn, khoa học xã hội, các vấn đề về dân tộc, tôn giáo, ngoại ngữ, có hiểu biết sâu sắc về đặc điểm tổ chức, quản lý, hoạt động của quân đội; có tinh thần dũng cảm, công minh, trung thực theo yêu cầu của sự nghiệp đổi mới và cải cách tư pháp.

Phòng ngừa tội phạm, việc tiến hành các biện pháp giáo dục nâng cao dân trí, kiến thức pháp luật, khắc phục các nguyên nhân dẫn đến tội phạm, tạo ra các yếu tố tích cực để hình thành nhân cách con người mới, là vấn đề có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Trong lực lượng vũ trang việc giáo dục pháp luật cho mọi quân nhân, mà trước hết cho đội ngũ sĩ quan, là một nhân tố hết sức cơ bản.

Trong chương trình giáo dục pháp luật của quân đội, các tòa án quân sự đã góp phần cung cấp được hệ thống kiến thức về pháp luật, kỷ luật quân đội; nguyên tắc quản lý xã hội, quản lý bộ đội theo pháp luật, điều lệnh, điều lệ; hệ thống văn bản pháp luật, vai trò tác động của nó đối với các hoạt động quân sự... làm cơ sở cho công tác chỉ huy, quản lý của sĩ quan và việc rèn luyện kỷ luật của chiến sĩ. Thường xuyên giáo dục ý thức trách nhiệm quân nhân, truyền thống quân đội và của đơn vị, tinh thần đoàn kết quân dân; ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong và lối sống lành mạnh, ý thức bảo vệ tài sản quốc gia, tài sản quân đội. Cảnh giác trước những âm mưu, thủ đoạn thâm độc của kẻ thù. Ðấu tranh không khoan nhượng với những biểu hiện mất cảnh giác, những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật quân đội. Tổ chức tốt đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội; quản lý chặt chẽ vũ khí, trang bị kỹ thuật và tài sản của quân đội. Ðồng thời thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội.

Phát huy truyền thống hào hùng của 60 năm xây dựng và trưởng thành, các tòa án quân sự Việt Nam nguyện phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, bảo đảm xét xử nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để trường hợp nào xét xử oan người vô tội.