Rừng tự nhiên giáp ranh giữa Đắk Lắk và Gia Lai bị tàn phá

NDO -

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, các phóng viên thường trú tại Đắk Lắk nhận được thông tin từ người dân ở huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk về việc nhiều diện tích rừng tự nhiên ở xã Ea Sol do Công ty TNHH HTV lâm nghiệp Ea H’leo (Công ty lâm nghiệp Ea H’leo) quản lý bị tàn phá nặng nề. 

Lâm tặc vẫn ngang nhiên chặt phá rừng, dù được treo bảng cấm.
Lâm tặc vẫn ngang nhiên chặt phá rừng, dù được treo bảng cấm.

Theo người dân, các đối tượng ngang nhiên chặt phá rừng nhưng chủ rừng không hề hay biết hoặc làm ngơ trước nạn phá rừng khiến rừng tự nhiên ở đây đang “chảy máu”. Từ thông tin của người dân cung cấp, chúng tôi đã lên đường vượt quãng đường hơn 100 km từ TP Buôn Ma Thuột đến xã Ea Sol, huyện Ea H’leo để xâm nhập điểm nóng phá rừng này.

Theo hướng dẫn của người dân, chúng tôi đi bộ dọc con đường mòn rộng chưa đầy 1m sườn dốc thẳng đứng, lởm chởm đầy đất đá và băng qua những khe suối, vượt qua những cánh rừng mới đến địa điểm khu vực rừng bị tàn phá. Sau gần 2 giờ đồng hồ lội bộ, chúng tôi mới đến được khu vực khoảnh 3, tiểu khu 64 nằm trên địa bàn xã Ea Sol.

IMG_027-1614062744932.jpg
Cây rừng có đường kính lớn vừa bị khai thác trái phép, lá cây còn chưa khô. 

Dù đi đường đang mệt, mồ hôi nhễ nhại nhưng vừa đến khu vực này, đập vào mắt chúng tôi là hàng loạt cây rừng cao to, đường kính rộng từ 20-50 cm bị lâm tặc “xẻ thịt” nằm la liệt giữa rừng. Theo ghi nhận, các cây bị lâm tặc “xẻ thịt”, cành lá còn xanh, gốc vẫn đang rỉ nhựa, vết mùn cưa còn mới tinh… Điều này cho thấy, lâm tặc ngang nhiên mang cả cưa máy vào đây phá rừng với diện tích lớn, không hề lén lút, sợ sệt.

Trên nền đất, nhiều cây to, chiều dài khoảng từ 3 đến 8m nằm san sát, chồng chất lên nhau, đếm mãi không xuể. Đáng chú ý, tại khu vực rừng này đều có biển báo cấm chặt phá rừng, tuy nhiên lâm tặc vẫn ra tay không thương tiếc với những cây rừng chục năm tuổi, nhưng không hề được ngăn chặn.

Một người dân dẫn đường cho biết: “Khu vực rừng vừa bị đốn hạ nằm rất sâu và giáp ranh với tỉnh Gia Lai. Do đó, việc lâm tặc đột nhập vào rừng này để “xẻ thịt” các cây to rồi vận chuyển gỗ ra ngoài khó bị phát hiện. Tôi đi lấy lan rừng nên cũng thường xuyên vào khu vực rừng Ea Sol này, đây cũng là lần đầu tiên tôi thấy cảnh tượng phá rừng lớn như vậy…”.

Trong khi đó, theo báo cáo của Đội Quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) số 2 Công ty lâm nghiệp Ea H’leom, trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu vừa qua, đội đã chủ động phân công các thành viên trong đội tổ chức tuần tra QLBVR và trực các ngày Tết trên lâm phần đội quản lý nên không để xảy ra vụ xâm canh, lấn chiếm và vận chuyển lâm sản nào đi ngang qua lâm phần đội quản lý.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy không như báo cáo, tình trạng phá rừng, khai thác lâm sản trong dịp Tết vẫn xảy ra. Một số đối tượng biết được dịp này lực lượng QLBVR của Công ty mỏng cũng như địa hình phức tạp, đường sá xa xôi mà lực lượng QLBVR trực Tết không thể tiếp cận được nên đã tổ chức phá rừng. Hiện trường vụ phá rừng tại lô 5, khoảnh 3, tiểu khu 64 có tọa độ VN2000 X: 88020 Y: 64484, diện tích rừng tự nhiên bị phá lên tới 9.300 m2, mức độ rừng bị thiệt hại là 95%; hiện trạng rừng gỗ tự nhiên núi đất rụng lá nghèo.

Theo Đội QLBVR số 2, Công ty lâm nghiệp Ea H’leo thì lâm tặc đã dùng cưa xăng vào phá rừng với tổng số cây rừng bị tàn phá là 275 cây. Qua nắm bắt thông tin thì các đối tượng phá rừng là người dân ở thôn 7a, xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo vào phá rừng để lấy đất làm nướng rẫy.

Tại vị trí có tọa độ VN2000: X-89825, Y-65074 thuộc lô 3, khoảnh 1, tiểu khu 68 nằm trên địa bàn xã Ea Sol có diện tích rừng bị phá là 2.800 m2, mức độ thiệt hại là 100%.

IMG_028-1614062463296.jpg
 Rừng tự nhiên trên địa bàn xã Ea Sol, huyện Ea H’leo tiếp giáp với tỉnh Gia Lai bị tàn phá không nhưng chủ rừng là Công ty lâm nghiệp Ea H’leo và các ngành chức năng địa phương chưa có biện pháp ngăn chặn.

Bên cạnh đó, tại khoảnh 1, tiểu khu 64 giáp với tỉnh Gia Lai còn xảy ra tình trạng khai thác gỗ tự nhiên trái phép. Theo Công ty lâm nghiệp Ea H’leo, các đối tượng vào khai thác lâm sản trái phép ở đây là đồng bào ở xã Ia Sao, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai qua cắt hạ và vận chuyển lâm sản về tỉnh Gia Lai để làm nhà. Tuy nhiên, lực lượng QLBVR không bắt được đối tượng nào mà khi phát hiện ra rừng bị khai thác trái phép thì đã có hàng chục cây rừng đã bị triệt hạ.

Khi mặt trời vừa lặn xuống núi, chúng tôi vượt quãng đường ngược lại để ra khỏi khu vực rừng. Trên đường đi, chúng tôi gặp một nhóm người dân đang sinh sống dưới chân núi. Những người này phần lớn là dân tộc Dao, từ các tỉnh miền núi phía bắc vào sinh sống nhiều năm nay.

Chia sẻ với phóng viên, một người dân cho biết: “Người dân nơi đây đa phần ngoài phía bắc vào. Họ sống ở đây đã gần 20 năm, công việc chủ yếu là nương rẫy… còn việc lên rừng chỉ để lấy măng, hái rau rừng chứ không hề có phá rừng”.

Theo người dân này, khu vực họ ở là nơi có nhiều cán bộ và chốt kiểm soát của Công ty lâm nghiệp Ea H’leo. Do đó, việc họ đi phá rừng là không hề có, ngược lại họ còn mong muốn bảo vệ được những cánh rừng tự nhiên ở đây nhằm giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực do thiên nhiên gây ra với đời sống và sản xuất nông nghiệp của họ.

IMG_030_1-1614062463410.jpg
 Giám đốc Công ty lâm nghiệp Ea H’leo Nguyễn Công Hùng trao đổi với các phóng viên về tình trạng rừng tự nhiên do đơn vị quản lý bị tàn phá.

Ngày 22-2, chúng tôi đến gặp Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Ea H’leo-Krông Búk Lê Thanh Khánh. Ông Khánh cho biết, đã nắm được sự việc và vừa nhận báo cáo về việc phá rừng tại xã Ea Sol do Công ty lâm nghiệp Ea H’leo quản lý. Theo báo cáo, có hai điểm phá rừng tại xã Ea Sol. Hiện, đơn vị cũng đã báo cáo sự việc đến lãnh đạo huyện và đề nghị Công an, Viện kiểm sát nhân dân huyện vào cuộc để giám định thiệt hại, xử lý theo quy định. Ông Khánh cho biết thêm, trong năm 2020, trên địa bàn huyện xảy ra 90 vụ vận chuyển lâm sản, phá rừng trái phép, trong đó có ba vụ đã khởi tố hình sự.

“Việc rừng ở xã Ea Sol bị phá là do các đối tượng lợi dụng thời điểm Tết rồi vào rừng đốn hạ cây. Đây cũng là lần đây tiên có vụ phá rừng quy mô lớn từ khi tôi nhận nhiệm vụ làm Hạt trưởng đến nay… Sau thời gian này, chúng tôi cũng sẽ triển khai các công tác cần thiết để bảo vệ bằng được những cánh rừng nằm trong khu vực quản lý”, ông Khánh thông tin.

Liên quan vụ việc phá rừng ở xã Ea Sol do Công ty lâm nghiệp Ea H’leo quản lý, ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc Công ty lâm nghiệp Ea H’leo xác nhận: Có hai khu vực rừng tự nhiên ở xã Ea Sol bị phá. Khu vực ở lô 15 khoảnh 3, tiểu khu 64 và khu vực lô 3, khoảnh 1, tiểu khu 68. Phần lớn các loại cây bị tàn phá là các loại gỗ như: Cày, trâm và nhiều loại gỗ tạp khác.

“Vào mồng 4 Tết, đơn vị thực hiện việc đi kiểm tra rừng tại xã Ea Sol, phát hiện vụ việc trên. Điều đáng nói, các điểm có những cây gỗ to mà chúng tôi lo lắng dễ bị lâm tặc dòm ngó, khai thác trái phép thì lại không hề có xảy ra phá rừng. Còn hai điểm rừng bị phá trong dịp Tết vừa qua do địa bàn xa và giáp ranh với tỉnh Gia Lai nên việc di chuyển gặp rất nhiều khó khăn cho lực lượng QLBVR của công ty. Do đó, việc tiếp cận khu vực này để kiểm soát tình hình trong thời gian Tết gặp nhiều trở ngại, khi chúng tôi đến khu vực này thì phát hiện hai tiểu khu trên rừng bị tàn phá và nhanh chóng báo cáo với lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện để hỗ trợ”, ông Hùng nói.

Cũng theo lãnh đạo Công ty lâm nghiệp Ea H’leo, tại khoảnh 1, tiểu khu 64 xã Ea Sol giáp với tỉnh Gia Lai, giao thông đi lại hết sức khó khăn, cách trở lại nằm xa trung tâm xã. Tại khu vực này khi phát hiện bắt quả tang đối tượng vi phạm thì cũng không có cách nào để đưa phương tiện vi phạm về địa bàn xã Ea Sol để xử lý. Vì vậy, Công ty đề xuất Hạt Kiểm lâm Ea H’leo-Krông Búk tạo điều kiện để đơn vị được chủ động tiêu hủy tại chỗ các phương tiện vi phạm thì mới đủ sức răn đe được các đối tượng phá rừng, công tác QLBVR tại đây mới hiệu quả.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, cần làm rõ đây có phải là lý do chính hay không biết vì lý do nào khác để rừng tự nhiên ở đây bị khai thác trái phép?

Nói về trách nhiệm để xảy ra tình trạng phá rừng trên, ông Hùng bày tỏ: “Thật sự mà nói, trách nhiệm chúng tôi đã làm hết mình, tuy nhiên khu vực giáp ranh với tỉnh Gia Lai có nhiều hộ dân sinh sống dưới chân núi (gần khu vực rừng bị tàn phá, phóng viên) khó kiểm soát và họ lợi dụng vào thời điểm Tết để phá rừng. Trong khi đó, lực lượng túc trực QLBVR mỏng nên dẫn đến sự việc trên. Trước hết, tôi là người đứng đầu sẽ nhận trách nhiệm và cũng sẽ cố gắng để thực hiện công tác bảo về rừng được giao. Về vụ việc xảy ra, chúng tôi đã làm báo cáo để cơ quan chức năng xử lý”.

Qua theo dõi của phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Đắk Lắk, không chỉ rừng tự nhiên ở xã Ea Sol, huyện Ea H’leo bị tàn phá mà trong những năm qua, rừng tự nhiên khu vực giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Gia Lai liên tục bị chặt phá, khai thác trái phép, ngay cả Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô nằm giáp ranh giữa hai tỉnh cũng là điểm nóng về tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép. Mặc dù, lực lượng kiểm lâm và QLBVR giữa hai tỉnh đã ký kết quy chế phối hợp về QLBVR và xử lý các vụ phá rừng, nhưng xem ra chưa mang lại hiệu quả.