Ngăn chặn tội phạm sử dụng internet, mạng viễn thông để lừa đảo

NDO -

Ngày 17/3, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Cao Bằng đã ban hành thông báo số 287/TB-PC02 do Thượng tá Ma Vĩnh Long, Trưởng phòng ký, cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn tội phạm đã sử dụng internet, mạng viễn thông để lừa đảo.

Một hình thức lừa đảo bán số lô, đề trên mạng xã hội Facebook.
Một hình thức lừa đảo bán số lô, đề trên mạng xã hội Facebook.

Thời gian qua, Phòng Cảnh sát hình sự nhận tin báo về nhiều trường hợp do cả tin, thiếu hiểu biết, hoặc hám lợi đã trở thành nạn nhân của tội phạm. Để ngăn chặn hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao, đơn vị cảnh báo các thủ đoạn và phương thức hoạt động của chúng để phòng chống.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Cao Bằng đã tổng hợp một số phương thức, thủ đoạn của tội phạm như tự giới thiệu là người nước ngoài để làm quen, kết bạn; sau đó, đối tượng lừa đảo thông báo cho nạn nhân sẽ gửi tiền, quà từ nước ngoài về để tặng. Sau đó, đối tượng bố trí người giả danh là nhân viên sân bay, hải quan, yêu cầu bị hại nộp tiền thuế, tiền phạt hàng bị giữ ở sân bay để chiếm đoạt.

Một số đối tượng còn giả danh là cán bộ các cơ quan pháp luật, chúng đe dọa bị hại phải chuyển tiền vào tài khoản của chúng, phục vụ công tác điều tra; hoặc yêu cầu bị hại cung cấp số tài khoản và mật khẩu truy cập để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.

Một phương thức khá phổ biến trên mạng xã hội là tội phạm bán các số lô, đề, kèm cam kết trúng thưởng để lừa nạn nhân mua các con số trúng thưởng. 

Nhiều trường hợp, tội phạm chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản Facebook, zalo, sau đó, giả mạo chủ tài khoản để vay tiền của người thân, bạn bè. Tội phạm còn sử dụng thủ đoạn tinh vi, sử dụng ảnh của chủ tài khoản, gọi “video call” cho bị hại, và cho bị hại thấy mặt của chủ tài khoản trong thời gian ngắn, và lấy lý do mạng internet kết nối kém để kết thúc cuộc gọi; sau đó, tiếp tục liên lạc lại để lừa đảo vay tiền.

Một số phương thức khác như, kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo. Hoặc đối tượng giả vờ chuyển tiền nhầm vào tài khoản ngân hàng, sau đó hướng dẫn nạn nhân chuyển trả lại qua đường link do chúng cung cấp và chiếm đoạt tiền có trong tài khoản của bị hại. Trường hợp khác, đối tượng chuyển tiền vào tài khoản của bị hại, nếu bị hại không kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng, tội phạm sẽ gọi điện, đe dọa, coi đó là 1 khoản “vay” và bị hại phải trả tiền, kèm 1 khoản lãi suất cao.

Các đối tượng còn quảng cáo cho vay tiền trực tuyến lãi suất thấp, thủ tục đơn giản, sau đó, bị hại chỉ nhận được 70% số tiền vay, đến hạn trả, nếu bị hại chưa thể hoàn trả, chúng sẽ tiếp tục hướng dẫn nạn nhân vay tiếp qua ứng dụng khác để trả nợ, lãi suất vay với mức “cắt cổ”.

Từ thực tế đó, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Cao Bằng đề nghị, người dân nêu cao cảnh giác; chỉ làm việc với cán bộ các cơ quan pháp luật tại trụ sở, không làm việc online, qua mạng xã hội. Người dân không nên vay tiền qua các trang web, ứng dụng điện thoại; không đầu tư vào các sàn giao dịch tiền ảo, sàn ngoại hối khi chưa hiểu rõ về loại hình đầu tư này.