Vì bình yên cuộc sống

Ngăn chặn tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội

Những năm gần đây, tình hình tội phạm giết người, nhất là giết người do nguyên nhân xã hội diễn ra phức tạp. Nhiều vụ án mạng thương tâm đã xảy ra gây nhức nhối trong cộng đồng. Tình trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có giải pháp tổng thể để ngăn chặn, phòng ngừa.

Theo thống kê của Bộ Công an, trong sáu năm (từ năm 2014 đến 2019), toàn quốc xảy ra 6.850 vụ án giết người, trong đó có 6.571 vụ do nguyên nhân xã hội (chiếm 95,9%). Số vụ án giết người có năm tăng, năm giảm, nhưng luôn ở mức cao, trung bình mỗi năm xảy ra khoảng 1.140 vụ, trung bình mỗi ngày xảy ra khoảng ba vụ án giết người. Đặc biệt, trong hai năm gần đây, tình hình tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội tăng. Mặc dù chiếm tỷ lệ thấp trong cơ cấu phạm pháp hình sự (khoảng 2%) nhưng tính chất và thiệt hại ngày càng nghiêm trọng gây hoang mang, lo lắng, bức xúc trong nhân dân, để lại những hậu quả và hệ lụy nặng nề cho xã hội.

Trong sáu năm qua, các vụ án giết người đã khiến 6.188 người chết, 2.289 người bị thương, xảy ra 643 vụ án có từ hai nạn nhân trở lên. Tình trạng người thân trong gia đình giết nhau vẫn xảy ra nhiều. Các vụ án chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn kéo dài trong tranh chấp đất đai, tài sản, nợ nần kinh tế, mâu thuẫn ghen tuông tình ái hoặc xích mích trong cuộc sống hằng ngày nhưng không giải quyết kịp thời, triệt để. Xảy ra nhiều vụ giết người có tính chất dã man, tàn sát gây phẫn nộ trong nhân dân. Một số vụ án, đối tượng thực hiện hành vi một cách công khai, quyết tâm thực hiện đến cùng. Tình trạng người bị tâm thần, đối tượng “ngáo đá” gây án giết người, thậm chí giết nhiều người thời gian qua tăng, đang trở thành vấn đề gây bức xúc, lo lắng trong nhân dân. Trong khi số người mắc bệnh tâm thần có hành vi nguy hiểm, đập phá đồ đạc, đối tượng nghiện ma túy luôn ở mức cao và có xu hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ cao gây án trong cộng đồng dân cư. Xảy ra nhiều vụ án giết người do mâu thuẫn bột phát nhất thời, nảy sinh khi va chạm giao thông, xích mích trong cử chỉ, lời nói, uống rượu, bia... Đáng chú ý trong thời gian gần đây là các vụ án có nguyên nhân xuất phát từ mâu thuẫn về đất đai hoặc vay nợ tiền của những người trong gia đình dẫn tới việc hung thủ cầm hung khí sát hại người thân để lại nỗi đau dai dẳng.

Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Công an cho rằng: Không chỉ ở giai đoạn hiện tại mà trong thời gian tới, tình hình tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nếu không có biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Quan điểm của Bộ Công an trong công tác phòng ngừa tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội là phát huy vai trò của hệ thống chính trị, trong đó, chú trọng kết hợp giữa phòng ngừa, tuyên truyền giáo dục với đấu tranh trấn áp, điều tra xử lý. Lấy phòng ngừa, giáo dục là chính, coi trọng phòng ngừa xã hội, phòng ngừa từ gia đình, nhà trường và cơ sở. Thượng tướng Lê Quý Vương đặt ra yêu cầu đối với lực lượng công an là cần khắc phục một cách căn bản, vững chắc nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội; kiềm chế sự gia tăng về tính chất, mức độ, hậu quả thiệt hại của tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, kéo giảm tình trạng giết người thân trong gia đình, giết nhiều người cùng lúc và giết người với thủ đoạn dã man, tàn bạo. Mục tiêu trước mắt là kiềm chế và kéo giảm số vụ án giết người, nhất là giết người do nguyên nhân xã hội, năm sau thấp hơn năm trước.

Theo đánh giá của Bộ Công an, mục tiêu bảo vệ tính mạng nhân dân là mục tiêu cao nhất, đồng thời có ý nghĩa xã hội, nhân văn sâu sắc. Nếu mỗi năm kéo giảm được khoảng 2.500 vụ phạm pháp hình sự thì sẽ có khoảng hơn 2.000 gia đình không có người phạm tội, trại giam bớt đi được số phạm nhân. Do đó, Bộ Công an đề nghị các bộ, ban, ngành và UBND các địa phương chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp lực lượng công an triển khai toàn diện công tác phòng ngừa tội phạm, trong đó chú trọng phòng ngừa tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội. Tập trung nhất là chủ động phát hiện sớm, kịp thời hòa giải các mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh, không để tích tụ kéo dài. Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân. Siết chặt công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục, lao động, xã hội…, xây dựng, nhân rộng và phát huy các mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải ở cơ sở, khu dân cư, thôn bản, gắn với các phong trào, cuộc vận động, tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới…