Nâng cao hiệu quả phòng, chống ma túy

Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới và trước yêu cầu của thực tiễn, ngày 16/8/2019, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 36-CT/TW về tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Chỉ thị lần này mang nhiều nội dung mới có tính chiến lược, tính thực tiễn sâu sắc, xử lý nhiều vấn đề cấp bách, tạo các điều kiện mới cho công tác phòng, chống ma túy.

Học viên tại Trung tâm Cai nghiện Thủy Nguyên - Hải Phòng.
Học viên tại Trung tâm Cai nghiện Thủy Nguyên - Hải Phòng.

Có thể khẳng định, khi hiện thực hóa các giải pháp triển khai thi hành Chỉ thị của Bộ Chính trị sẽ tạo điều kiện cho công tác phòng, chống ma túy (PCMT) bước sang giai đoạn mới hiệu quả, vững chắc. “Ðầu tư cho công tác PCMT là đầu tư cho sự phát triển bền vững của đất nước” - đây là quan điểm quan trọng và hoàn toàn mới, có ý nghĩa lớn lao đưa nhiệm vụ công tác PCMT lên một tầm cao mới mà các cấp, các ngành và toàn dân cần quán triệt sâu sắc.

Đầu tư phát triển đóng vai trò rất quan trọng đối với tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế tại mỗi quốc gia. Hoạt động đầu tư này nhằm duy trì và tạo ra năng lực mới trong sản xuất, kinh doanh dịch vụ và đời sống sinh hoạt của xã hội. Đây là hình thức đầu tư trực tiếp tạo ra tài sản mới cho nền kinh tế, đơn vị sản xuất và cung ứng dịch vụ. Lâu nay, đầu tư phát triển thường thấy là về sản xuất, kinh doanh, khoa học kỹ thuật, cơ sở hạ tầng...

Từ chương trình mục tiêu quốc gia rồi chương trình hành động nằm trong chương trình phòng, chống tội phạm đến chương trình đầu tư phát triển chứng tỏ tầm quan trọng của PCMT đối với sự phát triển bền vững đất nước. PCMT phải biến thành các chương trình, giải pháp cụ thể và quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác này. Đó là “Tăng cường nguồn lực cho công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy. Củng cố lực lượng chuyên trách đủ mạnh, đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác đấu tranh PCMT”, “Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù và ưu tiên đầu tư nguồn lực, trang thiết bị chuyên dụng cho công tác PCMT”. Đầu tư phát triển sẽ chấm dứt tình trạng “ngân sách còn nhiều khó khăn”, bố trí nguồn lực hạn hẹp, kinh phí PCMT nằm trong “một cục” trong nguồn kinh phí bảo đảm xã hội ở cấp xã.

Xét cho cùng, bố trí nguồn lực không tương xứng, không đạt mục tiêu của chương trình là sự lãng phí quá lớn. Đầu tư cho công tác phòng ngừa ma túy phải trong một tầm nhìn tổng thể và dài hạn. Ưu tiên nguồn lực, có chiến lược đầu tư với các trọng tâm là: phát triển nhân lực chất lượng cao, ổn định cho các lĩnh vực PCMT; phát triển hệ thống dự phòng nhiều lớp; phát triển hệ thống trợ giúp xã hội nhiều tầng. Phân bổ đầu tư phải dựa trên bằng chứng về hiệu quả toàn diện. Thực hiện công khai, minh bạch để mọi tổ chức, cá nhân đều có cơ hội tiếp cận các nguồn lực một cách bình đẳng, để cùng Nhà nước cung cấp ngày càng tốt hơn các dịch vụ dự phòng, giảm hại, phục hồi và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng; mọi hỗ trợ từ ngân sách phải đến trực tiếp đối tượng thụ hưởng. Cơ chế, chính sách đặc thù và ưu tiên đầu tư sẽ tạo các điều kiện hết sức thuận lợi cho công tác phòng, chống tội phạm và phòng ngừa.

PCMT là nhiệm vụ khó khăn vừa cấp bách, vừa lâu dài. Trong những năm qua, công tác PCMT đã có những kết quả quan trọng, tạo nền tảng vững chắc cho công tác này trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, tính phức tạp của tình hình thể hiện rõ ở số vụ án, tội phạm, số ma túy bắt giữ ngày càng lớn. Thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi, manh động. Các loại ma túy tổng hợp đa dạng về chủng loại, nguy hiểm, nhất là mức độ gây ảo giác, hoang tưởng. Số người sử dụng ma túy tiếp tục tăng, có xu hướng trẻ hóa, sử dụng cùng lúc nhiều loại ma túy. Tình trạng thanh thiếu niên, học sinh tụ tập trong nhà hàng, quán bar, vũ trường... sử dụng ma túy tập thể đang gia tăng...

Cần tiếp tục đổi mới công tác truyền thông để nâng cao nhận thức xã hội, nhất là đối với thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Thực hiện Chỉ thị 36-CT/TW, công tác tuyên truyền đã có nhiều đổi mới, đặc biệt là công tác phòng ngừa ma túy. Từ nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách PCMT, tuyên truyền về tác hại của ma túy, công tác phòng ngừa từng bước đổi mới như nâng cao chất lượng truyền thông phù hợp với từng đối tượng trong cộng đồng, công tác phòng ngừa đi sâu vào phổ biến giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng ngừa ma túy, từ đó tạo ra cơ chế phòng ngừa chủ động cho các nhóm xã hội.

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị, nhiều khó khăn, ách tắc trong PCMT đã và đang được tháo gỡ. Luật Phòng chống ma túy (sửa đổi, bổ sung) vừa được Quốc hội thông qua đã bổ sung một chương về quản lý người sử dụng ma túy, công tác kiểm soát và quản lý ma túy bổ sung nhiều điều phù hợp với yêu cầu công tác quản lý ma túy hợp pháp, đổi mới và tháo gỡ nhiều nội dung về công tác cai nghiện (đối tượng, trình tự, thủ tục đưa vào cai nghiện bắt buộc, cai cho đối tượng dưới 18 tuổi, quản lý sau cai, xác định tình trạng nghiện...). Luật xử lý vi phạm hành chính đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung, tạo các điều kiện thuận lợi cho công tác PCMT nói chung và cai nghiện nói riêng...

Với việc sửa đổi, bổ sung theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thực tiễn sẽ “mở rộng cánh cửa” thuận lợi cho việc thực hiện pháp luật về cai nghiện. Cũng rất cần một chương trình quản lý người sử dụng, nghiện ma túy, phân rõ hoạt động và trách nhiệm của từng ngành, từng cấp, từng cơ quan, sử dụng mọi biện pháp để phát hiện, quản lý, hỗ trợ người nghiện. Đồng thời “có chế tài nghiêm khắc hơn đối với hành vi sử dụng trái phép chất ma túy” để ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên sử dụng ma túy tràn lan trong quán bar, vũ trường, nhà hàng...

Chưa bao giờ công tác cai nghiện được quan tâm chỉ đạo như lần này. So với lĩnh vực giảm cung, giảm hại thì cai nghiện gặp khó khăn, “truân chuyên” và có nhiều ý kiến đánh giá khác nhau nhất. Việc đánh giá “toàn diện” không những chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cai nghiện “còn nhiều bất cập và hiệu quả thấp” để ra sức khắc phục mà còn đặt ra yêu cầu phải tìm ra những hình thức, mô hình cai nghiện tốt để tập trung nguồn lực.

Chỉ thị 36-CT/TW của Bộ Chính trị là kim chỉ nam, là vận hội, cơ hội để nâng cao hiệu quả công tác PCMT đáp ứng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và mong mỏi của nhân dân. Rất nhiều công việc nặng nề phải thực hiện để biến tinh thần Chỉ thị thành thực tiễn sinh động, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở...