Luật sư nêu quan điểm bào chữa cho ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh

NDO -

NDĐT - Sáng 12-1, tại TAND TP Hà Nội, phiên tòa xét xử ông Trịnh Xuân Thanh và 20 đồng phạm tiếp tục với phần tranh tụng. Mở đầu, luật sư Nguyễn Văn Quynh, bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) nêu quan điểm bào chữa cho thân chủ.

Các Luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh.
Các Luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh.

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh bị đại diện VKSND xác định đã chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng EPC số 33 để xây dựng Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 trái quy định gây thiệt hại gần 120 tỷ đồng cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Theo cáo buộc, Trịnh Xuân Thanh cũng đề ra chủ trương lập khống hợp đồng để rút 13 tỷ đồng tại Ban điều hành Dự án Vũng Áng – Quảng Trạch.

Theo luật sư bào chữa, vấn đề trách nhiệm đối với Hợp đồng 33 là trách nhiệm của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) và đề nghị đại diện VKSND lưu tâm. Như bị cáo Trịnh Xuân Thanh đã trả lời, PVC có hợp đồng thì rất mừng, có lãi, nhân viên có việc làm. Đây là câu trả lời rất đúng, chân thật của người lãnh đạo khi có được dự án, có được việc làm cho người lao động. Luật sư dẫn báo cáo tài chính, tại thời điểm xảy ra vụ án, PVC làm ăn đều có lãi nên bản luận tội cho rằng, PVC không đủ năng lực, không có vốn là khiên cưỡng, đề nghị phía VKSND xem lại.

Bên cạnh đó, liên quan đến kết luận của điều tra viên về việc bị cáo Trịnh Xuân Thanh “quanh co chối tội”, luật sư cho rằng, nội dung bản luận tội vẫn cáo buộc bị cáo Thanh quanh co, chối tội là rất khiên cưỡng, không phù hợp với các quy định có lợi cho người phạm tội. Rất mong VKSND lưu tâm, xem xét lại, áp dụng những quy định có lợi nhất cho người phạm tội theo tinh thần Bộ Luật Tố tụng hình sự.

Trước đó, chiều 11-1, luật sư Nguyễn Huy Thiệp bào chữa cho ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV PVN nêu quan điểm cho thân chủ của mình. Theo luật sư Thiệp, cáo trạng kết luận ông Thăng có vai trò chính trong việc ký hợp đồng EPC số 33 và cho PVC ứng tiền sai quy định, gây thiệt hại gần 120 tỷ đồng cho PVN là chưa chính xác. Bởi lẽ, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn gửi PVN đồng ý về nguyên tắc chỉ định thầu, giao Hội đồng quản trị PVN quyết định chỉ định thầu theo pháp luật. Do đó, PVN áp dụng hình thức chỉ định thầu đối với Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là đúng quy định pháp luật. Luật sư cũng cho biết thêm, việc ký hợp đồng EPC số 33 là do Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) ký với PVC, không cần thông qua HĐTV của PVN. Bị cáo Đinh La Thăng chỉ thừa nhận do áp lực hoàn thành nhà máy đúng tiến độ theo yêu cầu của Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo cấp dưới phải thực hiện đúng tiến độ, không trực tiếp chỉ đạo phải ký hợp đồng 33.

Về việc tạm ứng 1.312 tỷ đồng trái quy định cho PVC, luật sư Thiệp cho rằng các bị cáo khác không có lời khai nào thể hiện ông Thăng chỉ định ứng tiền cho PVC.

* Viện Kiểm sát đề nghị mức án 14-15 năm tù cho ông Đinh La Thăng

* Đối chất mâu thuẫn giữa ông Đinh La Thăng và thuộc cấp cũ

* Các bị cáo khai Trịnh Xuân Thanh chỉ đạo việc ký hợp đồng sai quy định

* Ông Đinh La Thăng bị thuộc cấp "bóc mẽ" sai phạm tại tòa

* Ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh cùng đồng phạm hầu tòa