Hé lộ mánh khóe “rửa tiền” của trùm đường dây cá độ hàng chục nghìn tỷ đồng

NDO -

Rút kinh nghiệm từ vụ án của Phan Sào Nam, những đối tượng “trùm” đường dây cá độ quy mô lớn vừa bị bắt giữ đã có các thủ đoạn để ẩn giấu đi số tiền thu được từ việc cá độ, một số còn tìm cách “rửa tiền” bằng cách đầu tư kinh doanh, góp vốn vào các công ty buôn bán ô-tô hạng sang.

Đối tượng Đỗ Ngọc Hà, “trùm” đường dây cá độ thường lên mạng xã hội khoe tài sản đắt tiền.
Đối tượng Đỗ Ngọc Hà, “trùm” đường dây cá độ thường lên mạng xã hội khoe tài sản đắt tiền.

Khoảng 16 giờ ngày 4/11, Công an huyện Gia Lâm (thành phố Hà Nội) đã chủ trì, phối hợp Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao triệt phá đường dây đánh bạc với số tiền đánh bạc qua hệ thống lên đến 30 tỷ đồng/ngày, tính từ tháng 7/2020 đến nay, tổng lượng tiền giao dịch gần 14.000 tỷ đồng. Đường dây này do Phạm Công Anh (sinh năm 1979, trú tại tỉnh Lạng Sơn) cầm đầu.

Theo Công an huyện Gia Lâm (Hà Nội) đây là đường dây cá độ có quy mô lớn nhất từ trước đến nay mà đơn vị triệt phá. Mặc dù lượng tiền giao dịch lớn như vậy nhưng quá trình bắt giữ, ngoài tang vật là một số ô-tô, lực lượng Công an bước đầu chỉ thu giữ một số thẻ ngân hàng bên trọng có hơn 1 tỷ đồng. Đây là con số rất nhỏ so với quy mô của đường dây này.

Theo các điều tra viên của vụ án, thực tế, không chỉ đường dây của Phạm Công Anh, lượng tiền mặt thu được đã ít đi mà nhiều chuyên án đánh bạc thời gian gần đây, lượng tiền mặt thu giữ đều đã thấp hơn rất nhiều. Như trong vụ việc triệt phá đường dây đánh bạc 30.000 tỷ đồng do đối tượng Đỗ Ngọc Hà (còn gọi là Hà Miên, trú tại quận Long Biên) cầm đầu, số tiền mặt thu được cũng không lớn.

Lý giải điều này, theo Công an huyện Gia Lâm, rút kinh nghiệm từ vụ án đánh bạc qua mạng nghìn tỷ của Phan Sào Nam, các đối tượng sau này đã rất ít khi sử dụng giao dịch tiền mặt và dùng các thủ đoạn để che giấu đi nguồn tiền thu được, ẩn giấu số tài sản bất chính mà chúng thu được từ việc cá độ.

“Các đối tượng thường đi mua chứng minh nhân dân trôi nổi trên mạng sau đó làm giả hồ sơ để mở tài khoản ngân hàng, nhằm phục vụ cho việc giao dịch tiền cá độ nên gây khó cho công tác điều tra, bởi khi xác minh được chủ tài khoản thì lại tìm ra một người khác”, một cán bộ công an cho biết.

Theo tìm hiểu thực tế của phóng viên, ngoài việc ẩn giấu số tiền thu được, những đối tượng “trùm” đường dây cá độ còn sử dụng các chiêu trò “rửa tiền” thông qua hình thức đầu tư kinh doanh, góp vốn vào các công ty khác.

Như trường hợp của đối tượng “Hà Miên”, đây là một đối tượng nổi tiếng trên mạng xã hội về độ ăn chơi xa xỉ khi dùng quá nhiều đồ hiệu đắt tiền mà giới dân chơi truyền tai nhau rằng “nếu bán thanh lý nhanh cũng hàng chục tỷ”.

Trước khi bị bắt giữ, “Hà Miên” đã liên kết với một công ty chuyên buôn bán xe hạng sang nằm trên đường Nguyễn Văn Cừ (quận Long Biên, Hà Nội), thông qua một người trong công ty này, đối tượng “Hà Miên” đã chuyển tiền để mua các xe sang về bán, mỗi khi bán được, phía công ty này sẽ chuyển lại phần tiền gốc và lãi cho “Hà Miên”. Thậm chí “Hà Miên” còn trực tiếp giới thiệu khách đến công ty mình liên kết đế môi giới việc mua xe hạng sang.

Được biết, sau khi “Hà Miên” bị bắt, vẫn còn nhiều xe sang có nguồn gốc từ tiền của đối tượng này chuyển sang để mua đang nằm trong cửa hàng của công ty nêu trên.

Thực tế nêu trên là những dấu hiệu của việc tẩu tán tài sản phi pháp của những tên “trùm” cá độ mà cơ quan công an cần tiếp tục làm rõ trong quá trình đấu tranh mở rộng vụ án.