Đấu tranh với tội phạm mua bán người ở TP Hồ Chí Minh

Tại TP Hồ Chí Minh, tình hình tội phạm về mua bán người luôn tiềm ẩn sự phức tạp với thủ đoạn tinh vi của các đối tượng tội phạm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh trật tự trên địa bàn. Để ngăn chặn có hiệu quả, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, cũng như các chế tài pháp luật đủ mạnh.

Vấn đề mua bán phụ nữ và trẻ em được tuyên truyền tại Hội thi cán bộ Hội cơ sở giỏi của quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) năm 2020. Ảnh: MẪN NHI
Vấn đề mua bán phụ nữ và trẻ em được tuyên truyền tại Hội thi cán bộ Hội cơ sở giỏi của quận Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) năm 2020. Ảnh: MẪN NHI

Nhận diện thủ đoạn tinh vi

TP Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế - xã hội, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, có sức thu hút và lan tỏa của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam; đồng thời cũng là địa bàn trọng điểm về tình hình tội phạm. Theo Công an TP Hồ Chí Minh, các đối tượng mua bán người thường lợi dụng địa bàn thành phố làm nơi tập kết, trung chuyển nạn nhân. Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là lợi dụng số phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, thiếu hiểu biết hoặc phụ nữ đơn thân để dùng thủ đoạn tạo lòng tin, hứa hẹn giúp đỡ tìm việc làm có thu nhập cao hoặc giới thiệu lấy chồng nước ngoài giàu có giúp họ có thể đổi đời. Mới đây, Huỳnh Thị Hồng (31 tuổi, trú tại TP Hồ Chí Minh), Nguyễn Trần Lan Anh (21 tuổi, quê Bình Phước) và bốn bị cáo khác đã bị TAND TP Hà Nội xét xử về tội mua bán người dưới 16 tuổi. Trước đó, vào tháng 11-2018, Hồng và Lan Anh tham gia nhóm trên mạng xã hội, tìm người muốn cho con để mua, bán nhằm hưởng tiền chênh lệch. Trong vai người hiếm muộn con, các đối tượng đã xin con từ các phụ nữ có con ngoài ý muốn hoặc không đủ điều kiện để nuôi, sau đó chúng mang các trẻ về nuôi tại TP Hồ Chí Minh rồi tìm cách bán ra nước ngoài. Trong các năm 2018 và 2019, nhóm này mua được 10 cháu bé (4 trai, 6 gái) dưới hai tuổi. Sau đó, chúng bán trẻ với giá từ 50 đến 170 triệu đồng/bé. 

Tại TP Hồ Chí Minh, thời gian qua còn tiềm ẩn nguy cơ mua bán người thông qua di cư trái phép, di cư lao động hoặc di cư kết hôn. Các đối tượng sẽ gửi hình ảnh cho phía nước ngoài xem trước, khi được chọn, nạn nhân sẽ tự xuất cảnh ra nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc, Ma-lai-xi-a, Xin-ga-po. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết: Kinh tế khó khăn, trình độ dân trí thấp, thiếu hiểu biết hoặc không có việc làm, lười lao động là những nguyên nhân khiến nạn nhân dễ rơi vào cạm bẫy của tội phạm mua bán người. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là trong các ngành, nghề kinh doanh, dịch vụ như hoạt động môi giới nuôi con nuôi, hỗ trợ kết hôn, giới thiệu việc làm, đưa người đi lao động hoặc du lịch ở nước ngoài… có nơi bị buông lỏng, khiến vấn nạn này vẫn luôn tiềm ẩn các nguy cơ trong đời sống hằng ngày. Từ năm 2012 đến tháng 8-2020, các cơ quan chức năng tại TP Hồ Chí Minh đã xử lý chín vụ với 26 đối tượng, trong đó sáu vụ với 13 bị can đã bị xét xử. Công an thành phố đã triệt phá, ngăn chặn 39 vụ môi giới hôn nhân trái phép với người nước ngoài, xử lý hành chính 168 đối tượng môi giới (76 người Việt Nam, 92 người nước ngoài). Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020, cơ quan chức năng thành phố đã xử lý bốn đối tượng tổ chức môi giới lao động ra nước ngoài trái phép. Công an thành phố đã đưa vào quản lý 101 đối tượng có tiền án, tiền sự về hành vi mua bán người, mua bán trẻ em, hoạt động môi giới hôn nhân trái phép. 

Nâng cao cảnh giác

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Ngô Minh Châu cho rằng: Thời gian qua, UBND thành phố đã triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung trong chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán người. Thành phố luôn chủ động phối, kết hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan, nâng cao ý thức cảnh giác trong phòng, chống tội phạm mua bán người cho người dân. Từ năm 2012 đến nay, TP Hồ Chí Minh tiếp nhận và hỗ trợ hồi hương, cư trú tại địa phương 16 nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài. Ngoài ra, thành phố cũng trao đổi, cung cấp thông tin với hơn 16 quốc gia, vùng lãnh thổ với 207 trường hợp bảo hộ công dân Việt Nam; hợp tác, ngăn chặn xu hướng môi giới hôn nhân trái phép,… Công an TP Hồ Chí Minh tiếp nhận 28 tin báo, tố giác tội phạm về mua bán người và đã xử lý, giải quyết 26 tin báo, tố giác (chiếm 93%). Điều này cho thấy, nhận thức của người dân về tội phạm mua bán người góp phần quan trọng trong việc phòng, chống loại tội phạm này. 

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Minh Châu cho rằng, công tác điều tra các vụ việc mua bán người cũng gặp nhiều khó khăn do hầu hết nạn nhân không biết lai lịch đối tượng tổ chức mua bán người vì chủ yếu quen nhau trên mạng xã hội, cho nên thiếu cơ sở để xử lý hình sự. Các hoạt động mua bán người diễn ra ở nước ngoài nên không thể trực tiếp lấy lời khai, mất nhiều chi phí cho hoạt động điều tra, xác minh, thu thập chứng cứ. Việc trao đổi thông tin với nước ngoài đề nghị xác minh nạn nhân hoặc đối tượng khó thực hiện do hai bên chưa ký các hiệp định tương trợ tư pháp;… UBND thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Công an cần tăng cường các đường dây nóng, các kênh liên lạc, phối hợp trực tiếp để các địa phương kịp thời trao đổi thông tin, xác minh đối tượng, giải cứu nạn nhân kịp thời, thuận lợi, có hiệu quả. Đối với các quốc gia có chung đường biên giới, các cơ quan chức năng cần hợp tác có hiệu quả để đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người; triển khai thực hiện hiệu quả các điều ước quốc tế đa phương về tội phạm mua bán người. TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, đề xuất điều chỉnh mức hỗ trợ đời sống, học nghề,… đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo để giúp họ sớm ổn định cuộc sống.