Cần làm rõ việc “nhập nhèm” bán bảo hiểm Tai nạn hộ dùng điện

NDO -

Thời gian qua, Điện lực huyện Kim Bôi (Hòa Bình), cùng nhiều người dân trên địa bàn bức xúc về việc có một số đối tượng giả danh nhân viên ngành điện để bán bảo hiểm tai nạn hộ dùng điện, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành điện, khiến bà con trong khu vực hoang mang.

Bà Bùi Thị Thuần (trái) khu Nội Sung, thị trấn Bo, huyện Kim Bôi bức xúc về việc đã mua bảo hiểm nhưng không phải của ngành điện như nhân viên bán bảo hiểm tư vấn.
Bà Bùi Thị Thuần (trái) khu Nội Sung, thị trấn Bo, huyện Kim Bôi bức xúc về việc đã mua bảo hiểm nhưng không phải của ngành điện như nhân viên bán bảo hiểm tư vấn.

Theo Công văn số 93/ĐLKB-KHKTAT, ngày 17/6/2021 của Điện lực Kim Bôi, thuộc Công ty Điện lực Hòa Bình kiến nghị có nội dung: Điện lực Kim Bôi nhận được thông tin phản ánh từ các khách hàng sử dụng điện tại các xã: Mỵ Hòa, Đú Sáng, Sào Báy, Hạ Bì về việc có một số đối tượng bán bảo hiểm "Tai nạn hộ dùng điện". Qua đó, Điện lực Kim Bôi nêu rõ: Ngành điện không thực hiện kinh doanh bán loại hình bảo hiểm này và cán bộ, công nhân viên của ngành điện cũng không tham gia bán bảo hiểm cho các công ty; đây là hành vi giả danh nhân viên ngành điện, là hành vi vi phạm pháp luật, làm mất trật tự an ninh trên địa bàn huyện Kim Bôi, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành điện và thiệt hại kinh tế cho nhân dân trên địa bàn.

Để tìm hiểu rõ về vấn đề trên, chúng tôi đã đến các hộ dân mua bảo hiểm "Tai nạn hộ dùng điện" được biết, các đối tượng bán bảo hiểm xưng danh nhân viên của ngành Điện lực, người dân thấy giá trị bảo hiểm không cao (200 nghìn đồng/năm) nên đồng ý mua. Đồng thời, việc bán bảo hiểm không được tư vấn rõ quyền lợi của người dân, dẫn đến tình trạng người dân đều hiểu khi thiết bị điện hỏng sẽ tìm đến Điện lực Kim Bôi để đòi quyền là điều phi lý.

Liên quan đến vấn đề trên, dựa trên một số căn cứ khiến cho bà con tin mua đó là Văn bản số 393/UBND-KTHT, ngày 20/4/2021, về việc triển khai bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện, được Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi Lê Đức Hùng ký. Văn bản gửi tới UBND các xã, thị trấn và Công ty Bảo hiểm Mic Nam Sông Hồng với nội dung: Đồng ý để Công ty Bảo hiểm Mic Nam Sông Hồng tổ chức vận động tuyên truyền và triển khai bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện trên địa bàn huyện Kim Bôi với hình thức triển khai đến từng hộ gia đình; hình thức tham gia dựa trên tinh thần tự nguyện tham gia phòng ngừa rủi ro của người dân… Đề nghị các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tạo điều kiện thuận lợi để Công ty bảo hiểm Mic Nam Sông Hồng triển khai công tác bảo hiểm tai nạn hộ sử dụng điện trên địa bàn…”.

Cùng văn bản trên là Giấy giới thiệu của Chủ tịch thị trấn Bo (huyện Kim Bôi) kèm theo để người bán bảo hiểm mang đến từng hộ gia đình tuyên truyền, thuyết phục người dân mua. Và chính bằng những văn bản, giấy tờ có chữ ký và dấu đỏ từ cấp lãnh đạo huyện đến thị trấn, xã nên bà con đã tin tưởng để mua. Cho đến khi số lượng người mua nhiều trên địa bàn thì bà con truyền tai nhau mới vỡ lẽ “hóa ra không phải bảo hiểm của ngành điện lực”.

Từ đó, nhiều người dân bức xúc và có chung cảm giác mình như bị lừa mà không làm gì được, bởi tiền đã mất mà giấy có tác dụng như thế nào? Những người dân ở thị trấn Bo đều bức xúc chia sẻ rằng: Khi mua bảo hiểm, họ nghĩ của Công ty Điện lực mới mua, nếu có xảy ra sự cố về điện sẽ liên hệ để giải quyết. Anh Bùi Văn Huỳnh, ở thị trấn Bo, huyện Kim Bôi cho biết: "Có người xưng danh là nhân viên ngành Điện lực đang tổ chức bán bảo hiểm trị giá 200 nghìn đồng/năm đền bù cho một tính mạng là 70 triệu đồng. Tin vào lời giới thiệu đó nên tôi cũng mua".

Theo lãnh đạo Điện lực Kim Bôi cho biết, sau khi nhận được thông tin có một số đối tượng giả danh công nhân ngành điện đi bán bảo hiểm Mic của Quân đội, ngành Điện lực huyện Kim Bôi đã đến tận các hộ dân để trao đổi và tìm hiểu nguyên nhân. Ngành Điện không thực hiện kinh doanh ngành nghề bảo hiểm trên địa bàn. Những hành vi giả danh ngành Điện đi bán bảo hiểm này là hành vi vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng rất lớn đến uy tín ngành điện, đời sống kinh tế của nhân dân.

Theo Tiến sĩ, Luật sư Lê Văn Thiệp, Văn phòng Luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư TP Hà Nội: Việc UBND huyện Kim Bôi tỉnh Hòa Bình có văn bản giới thiệu Công ty Bảo hiểm Mic đến UBND các xã thuộc địa bàn huyện Kim Bôi, với nội dung giúp đỡ cho Công ty Mic bán sản phẩm bảo hiểm cho người dân là vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành. Pháp luật nghiêm cấm các cấp chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước có những hành vi tác động, tạo lợi thế cho bất kỳ doanh nghiệp nào nhằm cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp kinh doanh cùng ngành nghề hoặc có liên quan.

Hành vi sử dụng quyền lực Nhà nước, uy tín của cơ quan Nhà nước để can thiệp, giúp đỡ Công ty bảo hiểm Quân đội (Mic) của UBND huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình là hành vi bị nghiêm cấm, vi phạm nguyên tắc bình đẳng giữa các doanh nghiệp được thành lập, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam. Trong việc này, kể cả với bất kỳ động cơ nào, có hay không có vụ lợi cá nhân, tiêu cực thì vẫn là hành vi không thể chấp nhận được.

"Theo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, không có quy định nào cho phép UBND huyện thực hiện việc can thiệp vào hoạt động bình thường của các doanh nghiệp khi thực hiện hoạt động kinh doanh trên địa bàn mình quản lý. Cá nhân tôi cho rằng phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để bảo đảm nguyên tắc bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh của các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm", Tiến sĩ, Luật sư Lê Văn Thiệp nói thêm.