Tâm huyết với công tác cai nghiện ma túy cho thanh niên

Ðóng góp vào thành công này, trước hết phải kể đến công sức, tâm huyết của bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, nguyên là thiếu tá công an về hưu, hiện là Bí thư chi bộ đảng, Giám đốc Trung tâm.

Sáng chủ nhật, Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Ða, quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh thật nhộn nhịp. Theo quy định, thứ bảy, chủ nhật là những ngày bạn bè, người thân được phép vào thăm học viên. Quan sát ánh mắt, nụ cười, giọng nói của mỗi học viên khi tiếp người thân, cách xưng hô "bố bố, con con" với bác sĩ ở trung tâm, nhất là nhìn nét mặt đã vợi hẳn nỗi đau khổ, lo âu của cha mẹ học viên, người ta dễ dàng nhận thấy đây là địa chỉ cai nghiện tin cậy.

Trở lại năm 1999, khi bác sĩ Khánh Duy quyết định thế chấp nhà, bán tài sản, rủ bạn bè hùn vốn thành lập trung tâm cai nghiện, có người cho là ông "điên"! Công việc đã khó, tính rủi ro cực kỳ cao mà dám đem cả tài sản để đầu tư? Ai nghĩ mặc ai, quyết là làm, khó mấy cũng làm, mà phải làm bằng được. Ðó là bản chất của người lính Cụ Hồ, được rèn luyện qua hàng chục năm công tác, mà theo như cách nói của ông: "Khi dòng máu lính còn chảy trong huyết quản thì dù ở cương vị nào vẫn cứ là người lính, sẵn sàng xông vào nơi gian khó nhất". Chính sự quyết tâm đó đã lôi kéo hàng chục bạn bè là cựu chiến binh cùng góp của, góp công thành lập và xây dựng trung tâm như hôm nay. Thế nhưng điều sâu xa nhất thúc đẩy bác sĩ Khánh Duy chọn công việc cai nghiện ma túy cho thanh niên lại xuất phát từ tấm lòng, trách nhiệm của người đảng viên, quyết giành giật lại những con người, những tâm hồn trẻ tuổi đang bị ma túy hủy hoại.

Từ năm 1995 đến năm 2000, khi được làm Hội thẩm nhân dân, mỗi lần tham gia xét xử các vụ án ma túy là mỗi lần ông mất ngủ. Trước tòa, nhiều bị cáo là con nghiện còn rất trẻ, khai: để có ma túy hút hít, các bị cáo phải tham gia bán lẻ ma túy. Cứ bán bốn "tép" thì lãi một tép để dùng. Phải làm gì để ngăn chặn loại tệ nạn nguy hiểm này? Ông quyết tâm hành động.

Thực tiễn hàng chục năm làm công tác cai nghiện, tiếp xúc với hàng chục nghìn người nghiện ma túy ở nhiều mức độ khác nhau, bác sĩ Khánh Duy và các đồng sự xác định, người nghiện ma túy trước hết là bệnh nhân. Do vậy, cai nghiện phục hồi là cả một quá trình tổng hợp bao gồm, điều trị kết hợp với giáo dục để điều chỉnh, phục hồi nhận thức, hành vi, nhân cách cho người nghiện. Phải bảo đảm chế độ chăm sóc y tế kết hợp quản lý học viên chặt chẽ. Xuất phát từ quan điểm giáo dục những con người từng lầm lỗi, nâng cao nhận thức, đặc biệt là nâng cao bản lĩnh và trang bị kỹ năng sống cho học viên, được bác sĩ Khánh Duy coi là yếu tố quan trọng để một người cai nghiện thành công. Muốn vậy phải xây dựng một quy trình tổng hợp bao gồm các yếu tố như giáo dục trị liệu, huấn nghiệp trị liệu, lao động trị liệu được kết hợp với nhau một cách khoa học phù hợp từng đối tượng ở từng giai đoạn khác nhau. Từ đó, cán bộ, bác sĩ trung tâm luôn đề cao mục tiêu không để thẩm lậu ma túy từ bên ngoài; ý thức tổ chức kỷ luật cao, cán bộ quản lý, học viên trong trung tâm thương yêu giúp đỡ nhau; xây dựng nơi ăn ở, sinh hoạt thoáng mát, gọn gàng sạch đẹp, có nhiều loại hình sinh hoạt, giải trí, rèn luyện sức khỏe lành mạnh... làm nền tảng tinh thần giúp học viên nhận thức rõ trách nhiệm không chỉ với gia đình, xã hội mà với ngay chính mình, để quyết tâm làm lại cuộc đời.

Hết lòng vì những con người không may trở thành nạn nhân của ma túy, phương pháp thực hiện đúng, khoa học, bác sĩ Khánh Duy và các cộng sự trong Trung tâm điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Ða đã và đang trả lại cho từng gia đình và xã hội hàng nghìn thanh, thiếu niên lầm lỗi, đem lại niềm tin và hy vọng cho nhiều người.

XUÂN HÙNG