Yêu cầu mới với công tác xây dựng Đảng

Tiến hành đồng bộ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; chấp hành nghiêm những điều đảng viên không được làm với yêu cầu mới là để cán bộ, đảng viên không ngừng hoàn thiện chính mình. Đó là những nội dung quan trọng trong Kết luận số 21 và Quy định số 37 của Trung ương được quán triệt tại Hội nghị toàn quốc về công tác xây dựng Đảng, diễn ra ngày 9/12.

Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Phan Văn Anh Vũ đưa hối lộ 5 tỷ đồng cho cựu Phó Tổng Cục trưởng Tình báo Bộ Công an (Tổng cục V) Nguyễn Duy Linh. Ảnh: TTXVN
Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Phan Văn Anh Vũ đưa hối lộ 5 tỷ đồng cho cựu Phó Tổng Cục trưởng Tình báo Bộ Công an (Tổng cục V) Nguyễn Duy Linh. Ảnh: TTXVN

Quyết tâm cao hơn, giải pháp đồng bộ hơn

Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng; chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Việc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII ban hành Kết luận số 21, tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; Quy định số 37 thay Quy định 47 về những điều đảng viên không được làm là nhằm cụ thể hóa chủ trương đó.

Điểm mới trong nhiệm kỳ này là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được tiến hành một cách quyết liệt, đồng bộ và toàn diện hơn, gắn với xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh,... Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 4, khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, cùng với bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp mà khóa XII đề ra; lần này Trung ương bổ sung, nhấn mạnh thêm hai nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Đó là xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm.

Việc bổ sung, nhấn mạnh hai nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trên là bài học rút ra từ thực tiễn những năm qua, nhất là về công tác cán bộ. Suy cho cùng, mọi việc tốt hay xấu đều do cán bộ mà ra. Trình độ năng lực yếu kém lại suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì tất yếu dẫn đến làm trái, tham nhũng, tiêu cực. Thấy rõ vai trò, vị trí quan trọng của công tác cán bộ, Đảng ta đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về công tác này, nhất là từ khi tiến hành công cuộc đổi mới theo phương châm "xây" đi liền với "chống".

Để cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII, ngày 22/9, Bộ Chính trị có Kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, nhằm khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp thực tiễn, từ đó mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung... Song, những ai lợi dụng chủ trương này để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực cũng sẽ bị xử lý nghiêm minh.

Gần đây, ngày 3/11, Bộ Chính trị lại có Quy định số 41 về miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Theo đó, khi có đủ căn cứ, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, cho từ chức trong thời gian 10 ngày làm việc; trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc,…

Rõ ràng, chủ trương về công tác cán bộ có nhiều điểm mới, ngày càng hoàn thiện hơn và luôn nhất quán trong chiến lược cán bộ của Đảng, vừa tạo môi trường cho cán bộ cống hiến tài năng, vừa có cơ sở xem xét đánh giá, bố trí sử dụng và xử lý khi sai phạm. Đây là nội dung không thể thiếu trong nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nói rộng ra là yêu cầu cấp thiết đối với cán bộ trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế.

Lời cảnh báo từ những "vết xe đổ"

Nhiều vấn đề trong công tác xây dựng Đảng đã được Đảng ta cảnh báo từ rất sớm và "chỉ mặt" từng căn bệnh để đưa ra giải pháp ngăn chặn. Chưa bao giờ việc xử lý cán bộ sai phạm, tham nhũng, tiêu cực lại làm quyết liệt và nhiều như những năm vừa qua. Thật đau xót cho những cán bộ cả đời cống hiến song chỉ một lúc không vượt qua được "cái tôi" vị kỷ, tư lợi mà "tay nhúng chàm" để sự nghiệp đổ xuống sông, xuống biển. Vậy mà dường như mọi sự răn đe, chế tài xử lý vẫn chưa ngăn được lòng tham ở một số cán bộ.

Những vấn đề đặt ra tại hội nghị lần này không chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu của công tác xây dựng Đảng mà còn là sự cảnh tỉnh, cảnh báo, đòi hỏi ý thức tự giác đối với mỗi cán bộ, đảng viên. Công cuộc đổi mới đang trên đà phát triển để nước ta hướng tới mục tiêu năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao như Nghị quyết Đại hội XIII đề ra. Thời cơ, thuận lợi có nhiều, song cũng không ít thách thức đan xen, tác động hằng ngày, hằng giờ không chỉ đối với đất nước mà từng con người, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Cương vị càng cao càng phải chịu nhiều áp lực từ công việc, từ chính bản thân và gia đình. Ai nhận rõ điều ấy, biết nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, thường xuyên rèn luyện, giữ mình thì sẽ vượt qua mọi cám dỗ. Đó là bài học từ những tấm gương đi trước; cũng là sự cảnh báo từ chính những đồng chí của mình đã vướng vào vòng lao lý. Trước tòa, cựu Phó Chủ tịch một thành phố đã thốt lên rằng: "Sau 55 năm theo Đảng hoạt động cách mạng, chiến đấu và công tác, chưa bao giờ bị kỷ luật, đến khi cuối đời, ở cái tuổi xế chiều, tôi lại dính vào vòng lao lý. Đó là một cú sốc rất nặng đối với tôi, một trải nghiệm vô cùng nghiệt ngã và cay đắng". Bị cáo đã khóc khi nói về người mẹ, xin lỗi mẹ và gia đình; xin lỗi đồng đội, xin lỗi lãnh đạo và nhân dân, đặc biệt là người dân thành phố.

Hơn năm triệu đảng viên trong cả nước chắc không khỏi ngậm ngùi khi đọc những lời hối lỗi muộn mằn ấy và nên tự soi lại mình để tránh vết xe đổ mà đồng chí, đồng đội vướng phải...