Xoay quanh một chữ ĐI

Báo chí hiện đại không thể không trở lại những giá trị cốt lõi, đồng thời thể hiện tầm cao trí tuệ, gắn với công nghệ hiện đại trong thời đại mới. Không thể nào khác. Thông tin nhanh, chính xác, trung thực, đi liền với bình luận thấu đáo, sắc sảo, thấm thía.

Phóng viên Báo Nhân Dân tác nghiệp tại vùng lũ. Ảnh: NGỌC HÂN
Phóng viên Báo Nhân Dân tác nghiệp tại vùng lũ. Ảnh: NGỌC HÂN

Ngày còn công tác, tôi thường được đồng nghiệp ở các báo "rủ rê" đi viết điều tra, phóng sự. Không hiểu sao cứ đến đề tài xây dựng Đảng là các vị lại "nhường" tôi. Thú thật tôi vẫn thích viết về các vấn đề văn hóa, xã hội. Nó tung tẩy hơn, lời lẽ nhân vật gần với đời sống hơn, không may chỗ nào chưa thật chính xác cũng đỡ "nguy" hơn. Nhưng thôi, cùng gánh với nhau chia ngọt sẻ bùi. Đêm ở cơ sở, thời cách đây mấy chục năm mấy khi được nghỉ khách sạn, chủ yếu là ở nhà dân, đi Đồng Tháp Mười còn nghỉ ở "khách sạn ngàn sao", ấy là những ngôi nhà tường và mái đều quây tạm bằng lá dừa nước. Anh bạn ở báo Long An hỏi: Này, ông có mẹo gì hay bày cho mình viết về Đảng với. Thầy của ông là ai? Tôi bảo, trò nào muốn giỏi mà chả cần thầy giỏi. Thầy của mình là cả tập thể Ban Biên tập, là các vị lãnh đạo trong cấp ủy địa phương, là mấy anh tổ chức, văn phòng, mấy bác nông dân. Nói thế, nhưng tôi vẫn phải kể về một trong những người thầy ở báo Nhân Dân. Ông là Lê Huyền Thông, Trưởng ban Xây dựng Đảng.

Hồi đó, nhà báo Lê Huyền Thông vừa thoát hiểm sau lần mổ dạ dày, phải cắt đi tới ba phần tư. Ông bảo, tớ phải ăn hàng yến bột tam thất đấy, bây giờ lại muốn đi, muốn viết rồi đây. Không có thứ kim loại nào chóng rỉ bằng ngòi bút. Ông ngồi bên tôi, dưới tán đa xanh rợp, nhỏ nhẹ nói về cái "mẹo" nhỏ của nghề: "Nhiều người tài lắm. Mình viết bài loanh quanh Hà Nội không hơn được họ đâu. Chú còn trẻ, cố mà đến những nơi thật xa, thật khó đến. Thế thì bài viết mới lạ, mới không lẫn vào người khác. Cái tên đất, tên người đã đủ hấp dẫn rồi. Đấy, đi có hai ý, một là ham đi, hai là đi khổ. Đi khổ thì viết mới sướng được. Chứ cứ vi vu máy bay, chữ nghĩa sặc mùi văn phòng thì chả khác gì tấm bánh thiu. Đi để viết bài và đi để tích lũy vốn sống, để tích lũy chữ. Một chi tiết nhỏ, một câu nói hay có khi nhiều năm sau mới dùng đến".

Tóm lại là xoay quanh chữ đi. Viết xây dựng Đảng, hay viết về kinh tế, văn hóa cũng đều phải đi cả. Nhưng các ông thầy của chúng tôi ngày đó giải thích thêm, rằng cái bệnh khi viết về công tác Đảng, công tác tổ chức, cán bộ khá nặng. Vì nhiều khi nó xa rời đời sống. Do không chịu đi nên nó xa rời. Không lắng nghe được tiếng nói trong xưởng máy, trong phòng thí nghiệm, sau lũy tre xanh, cho nên, hành văn cứ như nghị quyết, như báo cáo tổng kết, thậm chí như thông báo, như chỉ thị. Nghĩa là nó còn sống sít. Viết tin còn chiếu cố được, viết bài phản ánh còn châm chước được, nhưng viết điều tra, phóng sự thì không thể chấp nhận. Có bác nhà báo lâu năm nói xa xôi: Viết kiểu ấy là tranh công của chánh văn phòng (!). Đau nhưng mà thấm thía!

Nhưng ngược lại là có đi, đi nhiều đằng khác, nhưng viết lụn vụn, không rõ đề tài, chủ đề, người viết không có chủ kiến. Bài viết như sự nối dài những băng ghi âm. Ấy là do không nắm vững chủ trương, đường lối, không cập nhật những chỉ đạo mới, những thay đổi trong phương pháp lãnh đạo, điều hành. Anh có thể viết rất suôn sẻ về quy hoạch, luân chuyển, đánh giá, đề bạt cán bộ, nhưng bài viết sau 5 năm vẫn chẳng có gì khác so với trước. Cái này trái với nguyên tắc cơ bản của báo chí, phải mới - sự kiện mới, câu chuyện mới, vấn đề mới.

Những năm gần đây quan tâm theo dõi năm kỳ trao Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Búa liềm vàng), có thể nói đã tổng kết rất kỹ lưỡng, vừa ở tầm bao quát, vừa nêu được những vấn đề cụ thể, chúng ta càng nhận rõ một điều: tác giả viết về đề tài lớn này ngày càng đông đảo. Năm 2020 có hơn 1.700 bài dự thi Giải Búa liềm vàng, trong đó hàng trăm tác phẩm viết về Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Làm sao để tránh được khuôn mẫu, "đồng phục" trong cách thể hiện? Có nhà lý luận tự nhận mình nghiệp dư về nghề báo. Có nhà báo chuyên nghiệp lại nói rằng, tôi hiểu về Đảng còn chưa thật sâu sắc. Có tác giả định cư ở nước ngoài say mê theo dõi từng ngày về những diễn biến mới trong đời sống chính trị - xã hội đất nước nhưng vẫn ao ước được lắng nghe trực tiếp tiếng nói của người dân nơi cố hương. Tất cả các anh chị góp nhiều giọng điệu, khiến cho Giải đa dạng từ khâu xác định đề tài, chủ đề, nghiên cứu thực tiễn đến cách thể hiện tác phẩm sao cho mới, cho hay.

Cái hay ấy đã được tổng kết bước đầu: Vừa trở lại những giá trị cốt lõi của báo chí nói chung, của lĩnh vực xây dựng Đảng nói riêng, vừa bắt kịp xu thế, hòa vào hơi thở cuộc sống hôm nay - cuộc sống của một nền kinh tế số, xã hội số, chính quyền số. Có những tác phẩm thể hiện tính hiện đại của báo chí trong thời công nghệ thông tin phát triển chóng mặt. Vấn đề mà các nhà nghiên cứu báo chí đã đề cập: báo chí trí tuệ với năm chữ I. Sự chuyển dịch hướng đi trong báo chí đã và đang thể hiện khá rõ trong "Báo chí 5I". 5I là những chữ viết tắt từ tiếng Anh, cụ thể là: Informed (am hiểu), Intelligent (thông minh), Interesting (thú vị), Insightful (sâu sắc) và Interpretation (sáng tỏ).

Vâng, trở lại giá trị cốt lõi và thể hiện tầm cao trí tuệ trong thời đại mới. Không thể nào khác. Thông tin nhanh, chính xác trung thực, đi liền với bình luận thấu đáo, sắc sảo, thấm thía. Chúng ta đang tiếp tục quy hoạch báo chí, một số tờ báo trở thành tạp chí. Có ông Tổng Biên tập nói vui, trong "nguy" có "cơ". Tạp chí là nơi chúng ta gửi gắm, thể hiện những bình luận tầm cỡ, "đốt cháy trái tim lên thành trí tuệ", như nhà văn Nga M.Gorki đã nói. Dư địa cho các tờ tạp chí, cho các báo tuần, báo tháng, cho các ấn phẩm đặc biệt vô cùng lớn. Vì vậy, "nghĩ" hay giúp cho tư duy công chúng báo chí phát triển. Thế là báo chí đi đầu, là báo chí phản biện. Đó cũng chính là góp phần vào công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, tổ chức, đạo đức.

Và như thế, trước mắt các phóng viên, đề tài về Đảng và công tác xây dựng Đảng vô cùng phong phú. Lòng yêu nghề, say nghề, bản lĩnh nghề nghiệp, cộng với năng khiếu nghề nghiệp sẽ khai mở những con đường sáng tạo.