Xem xét trách nhiệm cá nhân trong ban hành văn bản

Phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) từ ngày 10-9 đến ngày 20-9, là một trong số ít phiên họp có được không khí phản biện sôi nổi và nhiều lời nói thẳng chung quanh vấn đề chất lượng ban hành văn bản luật.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp thứ 27. Ảnh: TRỌNG ĐỨC
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp thứ 27. Ảnh: TRỌNG ĐỨC

Mỗi ngày hơn 22 văn bản trái luật

Phải nói ngay rằng, Báo cáo của Chính phủ - về tình hình triển khai thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết; xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế - được Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày tại phiên họp lần này của UBTVQH cũng đã rất thẳng thắn.

Được đính kèm một phụ lục dày, hết sức chi tiết, báo cáo đã chỉ rõ: Để thực thi Hiến pháp, Chính phủ được giao chủ trì chuẩn bị 75 dự án luật, pháp lệnh. Sau gần 5 năm thực hiện, Chính phủ đã trình ban hành được 54 luật, pháp lệnh (đạt 72%), đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và 2019 là 4 dự án; còn lại 17 dự án (chiếm 22,6%) vẫn chưa đưa vào chương trình. Như vậy, so với thời hạn dự kiến, có 2 dự án quá hạn 4 năm, 2 dự án quá hạn 3 năm và tới 9 dự án quá hạn 2 năm.

Số lượng văn bản quy định chi tiết ban hành chậm hoặc còn nợ đã giảm dần, nhưng vẫn còn nhiều. Đặc biệt, vẫn có những văn bản “nợ” lâu ngày, trong đó có 3/12 văn bản quy định chi tiết của 2 luật, pháp lệnh có hiệu lực từ năm 2017 trở về trước; 9/12 văn bản quy định chi tiết của 9 luật đã có hiệu lực trong năm 2018. Ngay trong số các văn bản quy định chi tiết đã được ban hành thì số văn bản được ban hành để có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của luật cũng mới chỉ đạt 90/138 văn bản (chiếm 65,2%).

Quan trọng hơn, Bộ Tư pháp, với vai trò “người gác cửa” pháp luật cho Chính phủ, qua kiểm tra hơn 6.700 văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) đã phát hiện hàng nghìn văn bản có sai sót về trình tự, thủ tục, nội dung; trong đó đáng lưu ý là có 3/74 thông tư có sai sót về hiệu lực và nội dung. Tính ra, trong năm 2017, trung bình, mỗi ngày làm việc, các cơ quan nhà nước các cấp cho ra đời 22,3 văn bản trái luật! Và đó là chưa tính các văn bản của Thủ tướng và Chính phủ trở lên đến Quốc hội - vốn không thuộc phạm vi rà soát, kiểm tra của Bộ Tư pháp.

Xem xét trách nhiệm cá nhân trong ban hành văn bản ảnh 1

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: TRỌNG QUỲNH.

Có thể thấy rất rõ là khi pháp luật vẫn còn những khoảng trống, khoảng mờ, lại còn thay đổi liên tục thì cả xã hội đều gặp khó, từ cơ quan quản lý tới các doanh nghiệp và người dân.

Xử lý: Trầy trật

Nói như Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, với một khối lượng công việc lập pháp kỷ lục từ trước đến nay trong một thời gian gấp gáp, thì tình trạng “nợ và sai” khó có thể loại bỏ hoàn toàn được. Lo lắng về tình trạng “luật khung, luật ống”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Việc các luật hiện nay cần đến quá nhiều nghị định và thông tư hướng dẫn mới triển khai được là một hạn chế rất lớn. Chủ tịch Quốc hội nêu ra hàng loạt thí dụ cụ thể: “Luật Quản lý ngoại thương cần 5 nghị định. Luật Quản lý tài sản công cần tới 14 nghị định. Thật quá kinh khủng! Trong khi đó, nhìn qua đã thấy nhiều nội dung có thể quy định ngay trong Luật”!

Nhưng việc phải xây dựng quá nhiều VBQPPL không thể biện minh cho những sai sót, cả vô tình lẫn hữu ý, để lại những hậu quả khôn lường.

Thử nhìn vào một vài thí dụ cụ thể. Điều 64 về “Thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai” của Luật Đất đai năm 2013 quy định: Nếu nhà đầu tư chậm triển khai dự án được Nhà nước cho thuê đất thì sẽ bị thu hồi đất mà không bồi thường về cả đất và tài sản gắn liền với đất. Đây là một quy định rất không khả thi, vì theo các chuyên gia pháp lý, tài sản dự án thuộc sở hữu hoàn toàn hợp pháp của nhà đầu tư, nếu thu hồi có thể bị coi là tịch thu tài sản không có căn cứ, thậm chí vi hiến.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty luật Basico kể: Suốt từ năm 2014 đến năm 2016, ông tham gia cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đấu tranh đòi bãi bỏ các Thông tư số 32/2009 và số 37/2015 của Bộ Công thương. Các thông tư này đã khiến nhiều doanh nghiệp dệt may bị thiệt hại hàng trăm tỷ đồng vì phải chi trả cho các tổ chức thử nghiệm, giám định, chứng nhận chất lượng, dịch vụ lưu kho bãi... để có được xác nhận về hàm lượng Formaldehyt và Amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm Azo trong sản phẩm dệt may. Theo Luật sư Đức, những tiêu chuẩn này không những cao hơn cả các nước châu Âu, mà còn trái với Luật Chất lượng hàng hóa năm 2007.

Bao giờ sai thì phải đền?

Vừa qua, các doanh nghiệp dệt may đã được hưởng kết cục có hậu: các thông tư bất hợp lý nêu trên đã được bãi bỏ. Nhưng doanh nghiệp, dĩ nhiên, không được bồi thường thiệt hại vì quy định sai trái đó, chưa nói gì đến việc xử lý trách nhiệm những công chức đã thiết kế, đề xuất và cán bộ có thẩm quyền đã ký ban hành văn bản.

Bức xúc với tình trạng các văn bản sai ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nói thẳng: Bãi bỏ, sửa chữa văn bản sai đã đành là việc phải làm, song việc đánh giá tác hại và xử lý trách nhiệm người ban hành sai vẫn chưa quyết liệt, chưa bảo đảm tính nghiêm minh đủ để ngăn chặn những trường hợp tương tự về sau. Mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã quy định về “trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong xây dựng, ban hành VBQPPL”, nhưng nội dung còn quá chung chung, trong khi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước lại không xác lập trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân khi cơ quan nhà nước ban hành VBQPPL sai, trái.

Bên cạnh việc đưa ra những “lời răn” (thông qua việc xác định và quy kết trách nhiệm rõ ràng) cho những ai hoặc vì thiếu hiểu biết, hoặc vì tư lợi mà làm ẩu, thì gốc rễ của vấn đề vẫn là phải nâng cao trình độ, nhận thức của đội ngũ công chức tham gia soạn thảo và ban hành văn bản.

Đồng thời, tới đây, khi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được điều chỉnh, bổ sung, thì thẩm quyền ban hành VBQPPL cũng như trình tự thủ tục rà soát, thẩm định văn bản cũng cần xem xét lại. Nếu không giải quyết được vấn đề này, thật khó để kỳ vọng sự thay đổi về chất trong công tác xây dựng VBQPPL.

Hiện tại, có khoảng 10.871 cơ quan, cá nhân; 27 cơ quan ở Trung ương, khoảng 10.844 hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ở ba cấp địa phương tỉnh, huyện, tới cả cấp xã có thẩm quyền ban hành tổng cộng 26 loại VBQPPL.