Vì một Việt Nam cất cánh

Hơn một năm thế giới đương đầu với Covid-19, giờ là lúc người ta có đủ dữ liệu và niềm tin rằng, đại dịch chính là cơ hội nhìn nhận xu hướng phát triển bền vững của công nghiệp sáng tạo.

Tổ hợp không gian sáng tạo được hình thành từ một nhà máy cũ ở phố Tây Sơn (Hà Nội).
Tổ hợp không gian sáng tạo được hình thành từ một nhà máy cũ ở phố Tây Sơn (Hà Nội).

Cạnh tranh sòng phẳng với thế giới

Cho đến nay, vẫn không có một định nghĩa thống nhất về kinh tế sáng tạo. Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) cho rằng, đây là một khái niệm đang phát triển dựa trên sự tương tác giữa tư duy sáng tạo và ý tưởng của con người và tài sản trí tuệ, tri thức và công nghệ. Về cơ bản, đó là các hoạt động kinh tế dựa trên tri thức, nền tảng phát triển của các ngành công nghiệp sáng tạo. Các ngành công nghiệp sáng tạo - bao gồm quảng cáo, kiến trúc, nghệ thuật và thủ công, thiết kế, thời trang, phim, video, nhiếp ảnh, âm nhạc, nghệ thuật biểu diễn, xuất bản, nghiên cứu và phát triển, phần mềm, trò chơi máy tính, xuất bản điện tử và truyền hình/radio - là huyết mạch của nền kinh tế sáng tạo. Chúng cũng được coi là một nguồn giá trị thương mại và văn hóa quan trọng.

Nền kinh tế sáng tạo là tổng thể của tất cả các bộ phận cấu thành từ các ngành công nghiệp sáng tạo, bao gồm cả thương mại, lực lượng lao động và sản xuất. Ngày nay, các ngành công nghiệp sáng tạo là một trong những lĩnh vực năng động nhất trong nền kinh tế thế giới, mang lại cơ hội mới cho các nước đang phát triển để đi tắt đón đầu trong các lĩnh vực tăng trưởng cao mới nổi của nền kinh tế thế giới.

Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp tháng 11-2020, Thủ tướng (nay là Chủ tịch nước) Nguyễn Xuân Phúc nói rằng: "Người Việt Nam có đầy đủ tố chất bẩm sinh cho sự sáng tạo". Thực tế đã chứng minh nhận định trên hoàn toàn chính xác khi Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) thuộc Liên hợp quốc, Trường đại học Cornell và Trường Kinh doanh Insead phối hợp thực hiện vừa bình chọn Việt Nam đứng thứ 42, vào top 50 nền kinh tế sáng tạo nhất toàn cầu trong năm 2021. Sáng tạo là nguyên liệu không thể cạn đối với nền kinh tế, và là tố chất để người Việt có thể cạnh tranh sòng phẳng với thế giới.

Bà Marisa Henderson, phụ trách chương trình kinh tế sáng tạo của UNCTAD, nói rằng: "Sáng tạo là câu trả lời mà chúng tôi đang tìm kiếm - bây giờ là lúc để nắm lấy và đầu tư vào nó". Đầu tư không chỉ tác động mà có thể còn đóng một vai trò quan trọng trong hành trình này. Đây cũng là chìa khóa để mở ra tiềm năng thật sự của các ngành công nghiệp sáng tạo và lợi nhuận từ nền kinh tế sáng tạo vừa hứa hẹn vừa đa chiều - giải quyết các nhu cầu xã hội, văn hóa, đổi mới và kinh tế.

Tuy nhiên, bà Henderson cũng khuyến nghị: "Không phải ai cũng được hưởng lợi từ kinh tế sáng tạo như nhau. Các nước đang phát triển phải đối mặt nhiều thách thức khi xuất khẩu đầu ra của nền kinh tế sáng tạo và chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để bảo vệ tài sản trí tuệ và cải thiện phân tích dữ liệu cho ngành này. Năm 2021 cho chúng ta cơ hội để làm nổi bật cả giá trị và thách thức của nền kinh tế sáng tạo".

Tháng 11-2020, Liên hợp quốc ra Nghị quyết A/RES/74/198, tuyên bố 2021 là "Năm quốc tế về kinh tế sáng tạo vì sự phát triển bền vững". Đây là sáng kiến của Indonesia, đất nước Đông Nam Á đang có các ngành công nghiệp sáng tạo - văn hóa phát triển mạnh mẽ, chiếm tỷ trọng hơn 7% GDP, và được hơn 80 quốc gia khác ủng hộ.

Rào cản lớn nhất nằm ở tư duy

GS, TS Nguyễn Đức Khương, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho rằng, phát triển đồng bộ "kiềng ba chân" "con người - tri thức - công nghệ" trên nền tảng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh là trọng tâm của một nền kinh tế sáng tạo và bền vững trong tương lai (Doanh nghiệp Hội nhập, 2020). Trong khi tri thức và công nghệ là những giá trị có thể tích lũy và đầu tư xây dựng hoặc nhập khẩu, thì phát triển con người là yếu tố mong manh hơn nhiều.

Con người không chỉ có ý nghĩa là nhân tài và nhân lực chất lượng cao với những kỹ năng tốt, năng lực sáng tạo cao và khả năng thích ứng nhanh với môi trường công nghệ thay đổi liên tục, là lõi của tầng lớp lao động sáng tạo. Đó còn là sự thay đổi tư duy trong toàn bộ nền kinh tế, bắt đầu từ bộ máy lãnh đạo, quản lý nhà nước, thông suốt đến những người sử dụng, tiêu thụ sản phẩm sáng tạo và những người làm ra nó. Trong khi thảo luận về các lựa chọn chiến lược cho các nước đang phát triển trong nền kinh tế sáng tạo số, TS Keith Nurse, chuyên gia của WTO, cho rằng, để gặt hái những lợi ích tiềm năng của nền kinh tế sáng tạo kỹ thuật số, các nước đang phát triển nên hỗ trợ chuyển đổi từ mô hình ngành hành nghề độc lập, có giá trị gia tăng thấp điển hình sang một phương pháp hợp tác chiến lược tạo điều kiện cho các cấp độ cao hơn của doanh nghiệp (DN) sáng tạo và kỹ thuật số. Điều này sẽ đòi hỏi một khuôn khổ pháp lý và thể chế mạnh mẽ hơn để cải thiện đòn bẩy và kiếm tiền từ bản quyền, hỗ trợ tài chính cho việc thương mại hóa các hoạt động sáng tạo, sự tham gia của chính phủ vào các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh, tạo điều kiện cho các tổ chức đại diện lợi ích của tầng lớp lao động sáng tạo và DN sáng tạo, và sự hài hòa các chính sách của chính phủ đối với lĩnh vực này.

Nói như TS Đinh Trường Hinh, nguyên chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Washington D.C, trong một chu kỳ sản phẩm gồm ba giai đoạn: nhận thức (concept), chế tạo (fabrication) và hậu cần (logistics), hiện hầu hết guồng máy sản xuất của Việt Nam nằm ở giai đoạn lắp ráp, khâu có giá trị gia tăng thấp nhất trong giai đoạn chế tạo, giai đoạn đòi hỏi kỹ năng thấp và ít các công việc sáng tạo. "Leo lên thang giá trị gia tăng cao hơn nữa, TS Đinh Trường Hinh nhấn mạnh, có nghĩa là Việt Nam phải di chuyển vào giai đoạn thượng nguồn (concept) như thiết kế, xây dựng thương hiệu, nghiên cứu, hoặc giai đoạn hạ nguồn (logistics) như phân phối, tiếp thị, bán hàng/dịch vụ" (Saigon Times, 2020).

Đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng và rào cản lớn nhất nằm ở tư duy của các bên liên quan. Các nhà hoạch định chính sách chưa thấy được mức độ cấp thiết của sáng tạo để điều chỉnh, khuyến khích và hỗ trợ phát triển. Trong DN, ngân sách đầu tư cho giai đoạn nhận thức và hậu cần rất dè dặt, nếu không nói là vô cùng thấp. Đầu ra của thị trường - người mua hàng, lại đánh giá quá thấp yếu tố sáng tạo, thường không chịu trả giá cho phần giá trị vô hình.

Công nghiệp sáng tạo không chỉ tạo ra giá trị gia tăng cao. Nó còn mang lại những lợi ích phi thương mại lớn hơn rất nhiều, như sự ảnh hưởng về văn hóa, cuộc sống văn minh bền vững cho người dân, và vị thế quốc gia. Đó là sự đột phá, rút ngắn khoảng cách với các nước giàu. Hãy để năm 2021 trở thành năm bản lề cho những biến chuyển thực tiễn cho kinh tế sáng tạo, để Việt Nam thịnh vượng.