Thách thức từ "nhiệm vụ kép"

Hiện nay, các cơ quan báo, tạp chí phải làm "nhiệm vụ kép", vừa gánh vác nhiệm vụ chính trị, bảo đảm nội dung thông tin có định hướng, thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, vừa phải tự lo kinh phí vận hành, giữ mức thu nhập ổn định cho đội ngũ phóng viên, người lao động. Để "tròn vai" là điều chẳng dễ dàng, song nhiều tòa soạn đã nỗ lực vượt qua thách thức.

Độc giả tham gia trải nghiệm công nghệ đọc báo thông minh. Ảnh: HỮU THẮNG
Độc giả tham gia trải nghiệm công nghệ đọc báo thông minh. Ảnh: HỮU THẮNG

Sức ép từ thực tế

Sự thu hẹp số lượng các sạp bán báo trên thị trường là minh chứng rõ nét nhất về việc suy giảm lượng phát hành báo, tạp chí in. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của các mạng xã hội và công nghệ, nhiều báo, tạp chí in phải giảm số kỳ phát hành, thậm chí dừng hoạt động. Không ít cơ quan báo chí có uy tín cũng phải kích hoạt các giải pháp mới như quảng cáo kết hợp các hoạt động kinh tế sau mặt báo như: tổ chức các hội thảo, tọa đàm chuyên ngành; tư vấn trực tuyến; tổ chức các cuộc thi viết nhằm thu hút sự tương tác của bạn đọc… qua đó tìm nguồn thu bù đắp doanh số bị sụt giảm. Ngay cả những cơ quan từ trước đến nay sống nhờ vào doanh thu bán báo cũng phải tìm giải pháp để phát triển, như Báo Thanh Niên, Tuổi trẻ...

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Biên tập thường trực Báo Thanh Niên chia sẻ: "Qua hai năm dịch bệnh, hàng loạt doanh nghiệp lâm vào cảnh khủng hoảng, thậm chí phá sản, cho nên nguồn kinh phí dành cho quảng cáo, tuyên truyền giảm sút nghiêm trọng. Trong khi đó, quảng cáo giá rẻ từ các trang mạng xã hội ngày càng lên ngôi, dần chiếm lĩnh thị trường và gây nhiều sức ép cho báo chí chính thống".

Trong bối cảnh đó, Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 được Chính phủ phê duyệt được nhìn nhận là đúng đắn, góp phần sắp xếp, quản lý tinh gọn hệ thống báo chí hiện nay. Thực hiện đề án nhiều tờ báo chuyển thành tạp chí. Thời báo Kinh tế Việt Nam sau khi chuyển đổi có tên Tạp chí Kinh tế Việt Nam. Bà Lý Hà, Trưởng ban Kinh tế - Xã hội chia sẻ: "Chúng tôi là cơ quan hoạt động tự chủ tài chính. Dù là báo hay tạp chí thì cơ quan phải có ngân sách chi trả lương, thưởng, nhuận bút, in ấn, văn phòng phẩm... Khó khăn rất nhiều, nhưng chúng tôi cố gắng khắc phục bằng chính uy tín và chất lượng thông tin. Khi đã làm được điều đó, sẽ hình thành một hệ sinh thái mới, tạo ra nguồn thu giá trị gia tăng để giúp báo tự chủ tài chính".

Liên quan vấn đề tự chủ tài chính, ông Lê Anh Đạt, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Đại Đoàn kết, còn lưu ý đến một thách thức lớn, đó là việc thu hút quảng cáo trên báo chí truyền thống đã thay đổi. "Google, Facebook đang chiếm giữ phần lớn quảng cáo, báo điện tử chỉ còn phần ít để chia nhau", ông Lê Anh Đạt cho biết.

Thách thức từ

Tạo cơ chế đặt hàng, giúp báo chí tự chủ tài chính

Thực tế có rất nhiều tòa soạn trong quá trình hoạt động, phát triển đã tự chủ về kinh tế, thậm chí từ khi thành lập đã tự chủ. Một số báo đã hoạt động theo hướng mới như bán tin độc quyền, thu phí đọc báo, cung cấp tiện ích, mở rộng tổ chức sự kiện…

Báo Thanh Niên là đơn vị hoàn toàn tự chủ tài chính ngay từ khi mới thành lập, năm 1986. Những năm đầu tiên, Báo Thanh Niên cũng gặp rất nhiều khó khăn nhưng dần cân đối được tài chính, có lãi, có tích lũy đầu tư phát triển, có nhiều chương trình từ thiện xã hội phục vụ người trẻ, phục vụ cộng đồng và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước. Ông Nguyễn Ngọc Toàn chia sẻ: "Qua 35 năm phát triển, xuất phát điểm từ tờ báo giấy, song Ban Biên tập luôn chú trọng đầu tư các nền tảng công nghệ, sớm định hướng phát triển báo điện tử Thanh Niên cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh nhằm giới thiệu hình ảnh, đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Một số giải pháp công nghệ được ứng dụng như App đọc báo trên thiết bị di động, App này đoạt giải vàng giải thưởng Truyền thông kỹ thuật số châu Á năm 2013 của Hiệp hội các Nhật Báo và Nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA); kênh YouTube Thời sự Thanh Niên đạt được nốt vàng và các kênh giải trí YouTube Thể thao 360, iHay TV, Ngon TV đều đạt nốt bạc".

Ngoài ra, Báo Thanh Niên còn thành lập Kênh truyền hình Thanh Niên thu hút hàng triệu người xem, và gần đây, tháng 1-2021 ra mắt "Báo thông minh" dựa trên nền tảng trí tuệ nhân tạo AI, theo đó bạn đọc dễ dàng yêu cầu truy cập đến từng chuyên mục mong muốn, đồng thời có thể yêu cầu được đọc cho nghe nội dung quan tâm. Bên cạnh các giải pháp đầu tư công nghệ, Ban Biên tập luôn chú trọng đào tạo con người, hướng đến một đội ngũ phóng viên đạt tiêu chuẩn và tinh nhuệ phù hợp mô hình tòa soạn hội tụ đa phương tiện và truyền thông hiện đại.

Không ít người từng bày tỏ rằng, thời của báo in đã hết, nhưng cách làm của Báo Đại Đoàn kết, cho thấy không hẳn như vậy. Thời gian qua, Báo Đại Đoàn kết tổ chức loạt bài điều tra độc quyền về nạn mê tín dị đoan giữa Thủ đô. Khi thực hiện loạt bài trên, báo cũng đã chịu nhiều sức ép từ nhiều phía. Ông Lê Anh Đạt, Phó Tổng Biên tập phụ trách Báo Đại Đoàn kết tâm sự: "Chúng tôi sử dụng báo điện tử, mạng xã hội để quảng bá cho loạt bài điều tra. Còn bài điều tra chính được khởi đăng trên báo giấy. Với cách làm này, báo in của chúng tôi được bạn đọc đặt mua với số lượng lớn, có lúc phải nối bản giữa buổi trưa. Những ngày làm báo ấy, đưa chúng tôi trở về với thời hoàng kim của báo giấy. Rõ ràng, khi có sự phối hợp giữa báo giấy - điện tử và tổ chức sản xuất tốt, báo chí vẫn có cách nuôi sống mình bằng sự lao động nghiêm túc với mục tiêu cao nhất là để cung cấp sự thật cho độc giả".

Một vấn đề nóng cũng khiến lãnh đạo các tòa soạn phải đau đáu tìm giải pháp, là vấn đề bảo vệ bản quyền tác phẩm báo chí. Chỉ khi nào quyền tác giả báo chí được bảo vệ, các tòa soạn mới có thể yên tâm sống được nhờ nội dung, và kéo được bạn đọc về phía mình.

Nhưng để làm được điều đó, không thể trông vào sự nỗ lực mang tính đơn lẻ của các tòa soạn báo, tạp chí. Rất cần sự vào cuộc của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam trong việc giải quyết các vấn đề chung mà báo chí đang đối mặt, trong đó có câu chuyện kinh tế báo chí, vấn đề còn chưa có sự thống nhất hoàn toàn ngay trong chính đội ngũ những người làm báo và cách nhìn nhận của cơ quan quản lý và của xã hội. Ông Nguyễn Minh Đức, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị kiến nghị: "Chúng ta cần bắt tay vào hoạch định chính sách cho kinh tế báo chí, đặc biệt trong việc hỗ trợ, giao nhiệm vụ. Hoạt động hỗ trợ này có nhiều cách, từ chế độ lương, quỹ nhuận bút, đặt hàng cho báo chí... Quan trọng là tạo cơ chế và hành lang pháp lý cho cơ quan báo chí hoạt động thuận lợi".

Trong bối cảnh cạnh tranh nguồn quảng cáo, thông tin, sự phát triển của khoa học - công nghệ, mỗi đơn vị phải tự nỗ lực thay đổi là vô cùng cần thiết. Song báo chí, xét đến cùng là những đơn vị đặc thù cho nên rất cần có thêm cơ chế hỗ trợ đặc biệt từ Nhà nước. Có như vậy, các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo mới có thể thực hiện thành công nhiệm vụ thiêng liêng và cao cả trên mặt trận chính trị - tư tưởng.