Tăng giải pháp ứng phó Omicron "tàng hình"

Theo Bộ Y tế, biến thể phụ BA.2 còn được gọi là Omicron "tàng hình" đang lây lan mạnh tại nhiều tỉnh, thành phố nước ta. Cùng với việc ưu tiên đẩy mạnh tiêm chủng mũi ba vaccine phòng Covid-19, nhiều địa phương và ngành y tế đang tăng các biện pháp ứng phó với biến chủng mới Omicron.

Y, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người cao tuổi tại Viện Dưỡng lão Tuyết Thái (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Quang Ánh
Y, bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người cao tuổi tại Viện Dưỡng lão Tuyết Thái (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Quang Ánh

Ðẩy nhanh bao phủ mũi ba vaccine

Theo Bộ Y tế, kết quả giám sát, giải trình tự gene virus từ mẫu bệnh phẩm các ca mắc Covid-19 trong nước gần đây cho thấy, đến thời điểm tuần đầu của tháng 3 này, biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh, phổ biến ở các tỉnh, thành phố, nhất là tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thay thế dần biến thể Delta.

Tại Hà Nội, Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện; biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số các mẫu phát hiện nhiễm biến thể Omicron. Đáng chú ý, biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vaccine hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%. BA.2 còn được gọi là biến thể "tàng hình", nhất là người bệnh sau khi mắc BA.1 vẫn có thể tái nhiễm BA.2, đặc biệt ở người chưa tiêm vaccine phòng Covid-19.

Còn tại TP Hồ Chí Minh, biến thể Omicron chiếm tới 76% số mẫu có kết quả giải trình tự gene. Giám đốc Sở Y tế TP Tăng Chí Thượng nhận định: "Nếu có làn sóng lây nhiễm mới biến thể BA.2, vaccine vẫn có hiệu quả bảo vệ cơ thể không bị nặng, nhưng vaccine không đủ để bảo vệ người không bị nhiễm. Do vậy, việc tiêm chủng phòng Covid-19 vẫn đang được đẩy mạnh".

Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, vaccine phòng Covid-19 hiện nay vẫn đặc biệt hiệu quả trong giảm mức độ nặng, ca tử vong và nhập viện, kể cả với biến chủng Omicron. Vừa qua, do tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là đã có sự chăm sóc đối tượng nguy cơ cao nên tỷ lệ tử vong/ mắc trên phạm vi toàn quốc giảm sâu. Vì vậy, việc tiêm chủng phải được coi là ưu tiên hàng đầu. Theo ghi nhận đến hết ngày 10/3, cả nước đã tiêm được hơn 199 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Hầu hết các địa phương đã cơ bản hoàn thành tiêm chủng hai liều vaccine cho người từ 12 tuổi trở lên và đang triển khai tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên. Bộ Y tế đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát và lập danh sách đối tượng từ 12 tuổi trở lên chưa được tiêm chủng hoặc chưa được tiêm đủ liều cơ bản để khẩn trương tiêm đủ liều vaccine, bảo đảm độ bao phủ vaccine. Đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc triển khai tiêm chủng mũi ba cho người từ 18 tuổi trở lên, bảo đảm đến hết tháng 3 này phải bao phủ mũi ba cho những người đã đến lịch tiêm chủng. "Tiêm mũi ba rất quan trọng, đặc biệt là với biến thể Omicron BA.2. Chúng tôi đánh giá rất cao một số địa phương đã tích cực đẩy nhanh tiêm mũi ba đạt tỷ lệ 100%", Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.

Nới lỏng quy định quản lý F0

Ngày 14/3, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn mới về việc quản lý tại nhà đối với người mắc Covid-19 (F0), theo đó F0 được rời khỏi phòng cách ly và đi lại trong nhà, với điều kiện đeo khẩu trang và bảo đảm giãn cách với người trong nhà. Với quy định mới này, theo TS Lã Thị Lan, Phó Giám đốc CDC Hà Nội, hiện nay số lượng F0 quá lớn, ngành y tế không đáp ứng chăm sóc tất cả tại nhà được, khi cần xét nghiệm, F0 có thể đeo khẩu trang đi thẳng tới nơi khám bệnh và không tiếp xúc với ai trên đường đi. Theo Luật Truyền nhiễm, F0 không được rời phòng, nhưng trong những tình thế bắt buộc, thí dụ có một số gia đình hiện tất cả thành viên đều là F0, thì trong số các ca dương tính đó phải có một người đi lấy thuốc. Về những biện pháp quản lý điều trị, cách ly F0 tại nhà, ngoài sự giám sát của chính quyền địa phương, tổ Covid cộng đồng, vị lãnh đạo CDC Hà Nội mong muốn mỗi người dân tự nâng cao ý thức, chủ động cách ly vì sức khỏe chung của cộng đồng.

Trước tình hình thực tế dịch bệnh hiện nay, nhiều ý kiến chuyên gia và người dân cho rằng, Bộ Y tế cần có những quy định nới lỏng cho F0 như F0 được đi khám, chữa bệnh, hoặc F0 không có triệu chứng vẫn có thể đi làm. Hiện nay có một số F0 là nhân viên y tế vẫn đi làm việc để chăm sóc các F0 khác, bà Lan nêu quan điểm buộc phải làm như vậy, bởi "một trạm y tế có năm người thì năm người F0, nếu nghỉ hết thì ai làm các thủ tục để xác nhận F0 và các giấy tờ, công việc khác để chăm sóc người bệnh". Thậm chí nhiều bệnh viện có đến 30-50% nhân viên y tế là F0, tình thế này khiến bệnh viện buộc phải "khuyến khích" F0 không có triệu chứng hoặc chỉ số CT trên 30 đi làm, chăm sóc các bệnh nhân F0 khác. "Tuy nhiên, với những trường hợp không có ý thức, cố tình làm lây lan dịch bệnh, cần phải áp dụng pháp luật để răn đe", bà Lan nói.

Ở góc độ chuyên gia, PGS, TS, BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhìn nhận, Omicron có thể là một biến thể kết thúc cơn "đại hồng thủy" Covid-19. Tuy Omicron không gây tăng nặng như nhiều nghiên cứu dịch tễ đã chỉ ra nhưng với tốc độ lây lan nhanh như hiện nay, biến chủng này sẽ làm quá tải hệ thống y tế nếu không có cách tổ chức bài bản khoa học. Với việc, hầu hết F0 ở mức không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, ông Lân Hiếu đề nghị, tới đây nên xem dịch Covid-19 như một bệnh thông thường khác. Theo đó, người dân nào mắc Covid-19 có thể đến điều trị chuyên khoa, được hưởng chính sách bảo hiểm y tế hoặc dịch vụ theo yêu cầu. Đây là cơ sở để ngành chức năng và y tế tập trung nhân lực, vật tư đủ khả năng đáp ứng chuyên sâu, hiệu quả về chăm sóc bệnh nhân tốt hơn.

Cùng đó, các chuyên gia y tế khuyến nghị các địa phương, nhất là cấp quận, huyện, thị xã, và xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn F0 điều trị tại nhà; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường, y tế tại địa phương tổ chức kiểm tra, giám sát việc bán thuốc Molnupiravir tránh việc găm hàng, tăng giá và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý thủ tục hành chính quản lý F0 tại nhà.

Người nhập cảnh không phải cách ly, không cần giấy xác nhận tiêm vaccine phòng Covid-19

Theo Công văn số 1265/BYT-DP của Bộ Y tế ban hành ngày 16/3/2022, người nhập cảnh theo đường hàng không cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi) trước khi xuất cảnh trong vòng 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP hoặc trong vòng 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên với SARS-CoV-2; và được cơ quan có thẩm quyền của nước thực hiện xét nghiệm cấp chứng nhận. Với các trường hợp nhập cảnh theo đường bộ, đường thủy, đường sắt, Bộ Y tế hướng dẫn: phải có xét nghiệm như với nhập cảnh đường hàng không (trừ trẻ em dưới 2 tuổi).