Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII

Tăng cường xây dựng Đảng và phát triển kinh tế

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc (ngày 4/5) tại Thủ đô Hà Nội, dự kiến bế mạc ngày 10/5. Hội nghị tập trung thảo luận, cho ý kiến và quyết định nhiều nội dung quan trọng liên quan công tác xây dựng Đảng, đất đai, vấn đề "tam nông", phát triển kinh tế tập thể,...

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Cụ thể, tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII sẽ tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; Đề án xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên; Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021 và một số vấn đề quan trọng khác.

Nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt luôn là công tác xây dựng Đảng, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại những bài học quý báu, lời dạy thấm thía của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, Bác Hồ từng nhiều lần khẳng định: "Để lãnh đạo cách mạng, Đảng phải mạnh. Đảng mạnh là do chi bộ tốt; chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt". Nhằm chuẩn bị những nội dung cho Hội nghị Trung ương 5 lần này, thời gian qua, khắc phục những khó khăn do dịch Covid-19, các cơ quan chức năng đã tổ chức khảo sát, lấy ý kiến các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý... Liên tục các hội nghị, hội thảo, tọa đàm được mở ra bằng cả hình thức trực tiếp và trực tuyến đã cho thấy khâu chuẩn bị là rất quan trọng.

Trước đó, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2021, triển khai nhiệm vụ năm 2022, trực tuyến tại 65 điểm cầu trên cả nước, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nêu rõ, ngành tổ chức xây dựng Đảng muốn làm tròn trách nhiệm phải nghiên cứu, tham mưu có hiệu quả, nhất là những vấn đề liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức xây dựng Đảng với ba đột phá: tiếp tục hoàn thiện thể chế về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là công tác tổ chức, cán bộ; phát huy dân chủ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với tạo môi trường đổi mới sáng tạo; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, lãng phí; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực.

Tại các cuộc thảo luận này, nhiều ý kiến tâm huyết cũng cho rằng, bên cạnh những kết quả, thành tích đã đạt được, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức cơ sở đảng còn yếu, thậm chí mất sức chiến đấu; chưa đủ sức phát hiện, giải quyết những vấn đề phức tạp xảy ra ở cơ sở, nhất là những nơi có tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội phức tạp.

Một nội dung quan trọng khác của Hội nghị là vấn đề về đất đai. Việc tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về đất đai lần này là một yêu cầu cần thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng đất - tài sản đặc biệt của quốc gia, tư liệu sản xuất cơ bản của cả nền kinh tế. Thực tế cho thấy, "nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em vì đất... Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai" - Tổng Bí thư nhắc lại các số liệu như những lời cảnh báo.

Rõ ràng, đã đến lúc cần thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân trong công tác quản lý đất đai, nhất là khoảng 10 năm trở lại đây. Vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội? Đâu là nguyên nhân thuộc về quan điểm, chủ trương, chính sách nêu trong Nghị quyết và bất cập của Luật Đất đai năm 2013?... Đặt câu hỏi gợi mở, đồng thời, người đứng đầu Đảng ta đề nghị, các đồng chí dự Hội nghị Trung ương 5 lần này nghiên cứu thật kỹ, thảo luận thật dân chủ, thẳng thắn, tạo sự thống nhất cao về những vấn đề đặt ra để sau Hội nghị có một chuyển biến, tiến bộ mới, thực chất, mạnh mẽ, hiệu quả.

Nội dung thảo luận tại Hội nghị Trung ương lần này đều là những vấn đề lớn, khó và hệ trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trên các lĩnh vực trọng yếu như: đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị ngày càng trong sạch, vững mạnh toàn diện từ gốc, từ cơ sở, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cách mạng trong giai đoạn mới. Đảng viên và nhân dân cả nước tin tưởng, với trách nhiệm, tâm huyết và trí tuệ của các đồng chí Ủy viên Trung ương, Hội nghị nhất định thành công, hoàn thành nội dung làm việc, tạo động lực cho một chặng đường phát triển mới, đột phá của nước ta