Tăng chế tài thu hồi tài sản bị tham nhũng

Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 vẫn được đẩy mạnh với quyết tâm “không dừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” ở tất cả các ngành, các cấp, các lĩnh vực. Song, tỷ lệ thu hồi tài sản bị tham nhũng vẫn chưa được cải thiện sau nhiều năm. Dự kiến, phiên họp thứ ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét vấn đề này vào ngày 20/9 tới.

Công bố quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Chí Hiến, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên. Ảnh: Hữu Toàn
Công bố quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Chí Hiến, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên. Ảnh: Hữu Toàn

Chủ động phát hiện, kiên quyết xử lý

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhận định, năm 2021, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh. Với tinh thần chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng là “có vụ việc thì phải xác minh, làm rõ; tích cực, khẩn trương; rõ đến đâu xử lý đến đó…”, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã phát hiện, làm rõ nhiều sai phạm và tiến hành xử lý kỷ luật đối với nhiều đảng viên vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng, vi phạm các quy định về quản lý kinh tế, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao của Nhà nước; đồng thời chuyển các vụ việc sai phạm nghiêm trọng, có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để xử lý theo quy định. Điển hình là vụ việc “vi phạm các quy định về quản lý đất đai” được phát hiện qua kiểm tra tại Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Ban Cán sự đảng UBND tỉnh Bình Dương; tại Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa...

Các cơ quan chức năng đã tích cực, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ, tăng cường phối hợp, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án tham nhũng; chất lượng công tác điều tra, xử lý được nâng lên. Tính đến ngày 31/8/2021, cơ quan điều tra công an đã khởi tố mới 282 vụ/536 bị can; kết luận điều tra đề nghị truy tố 254 vụ/650 bị can…

Việc phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý tội phạm tham nhũng tại nhiều địa phương có chuyển biến tốt hơn, khắc phục dần tình trạng “trên nóng dưới lạnh”. Có thể kể đến một số vụ điển hình như vụ án buôn lậu, sản xuất hàng giả, in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ, thu nộp ngân sách nhà nước… xảy ra tại Đồng Nai và một số địa phương; vụ án Nguyễn Chí Hiến, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phú Yên bị khởi tố, bắt tạm giam về tội “vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”…

Những kết quả về phát hiện, xử lý tham nhũng nêu trên đã có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa mạnh mẽ, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Tỷ lệ thu hồi quá khiêm tốn

Tuy nhiên, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn có những hạn chế nhất định; có trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng xảy ra từ nhiều năm trước nhưng chậm được phát hiện, xử lý, gây ảnh hưởng đến công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Vụ ông Trần Văn Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương là một thí dụ.

Đáng lưu ý, kết quả thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn thấp. Cụ thể, tính đến ngày 31/8/2021, số việc có điều kiện đang được tổ chức thi hành án là 3.047 việc, với tổng số tiền, giá trị tài sản là gần 33.235 tỷ đồng; đã thi hành xong 1.745 việc, với số tiền, giá trị tài sản đã thu hồi được là hơn 2.008 tỷ đồng, chỉ bằng hơn 6% - một con số quá “khiêm tốn”. Trước đó, năm 2020, một năm được coi là có những thành quả kỷ lục trong công tác này, tỷ lệ thu hồi cũng chỉ đạt 43,42% số tiền, giá trị tài sản có khả năng thi hành.

Tình trạng này xuất phát từ việc ở một số bộ, ngành, địa phương, công tác này chưa được người đứng đầu quan tâm đúng mức nên việc thực hiện một số biện pháp phòng ngừa còn mang tính hình thức. Thậm chí, có những trường hợp, khi thi hành án, đối tượng không còn tài sản để thi hành, bởi tài sản đã bị tẩu tán hết trước khi xét xử.

Nhược điểm cố hữu này rất cần được khắc phục, bởi lẽ mục đích quan trọng của việc xử lý án tham nhũng - bên cạnh giáo dục, răn đe các đối tượng vi phạm - là thu hồi ở mức tối đa số tài sản tham nhũng về cho Nhà nước.

Hoàn thiện khung pháp lý

Thấy rõ vấn đề này, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Chỉ thị nêu rõ, các cấp ủy, tổ chức đảng cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các quy định về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt; về cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội. Nghiên cứu rà soát, sửa đổi, bổ sung pháp luật về thanh tra, kiểm toán, tố tụng hình sự, thi hành án dân sự và các quy định pháp luật liên quan theo hướng bổ sung cho thanh tra viên, kiểm toán viên thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế… Thời gian tới, Chính phủ, các cơ quan liên quan cần khẩn trương hoàn thiện, ban hành các quy định pháp lý theo hướng trao thêm quyền cho các lực lượng thanh tra, kiểm toán áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.

Thế nhưng, để bảo vệ tài sản của Nhà nước, tổ chức và công dân, thì cùng với những giải pháp đã nêu trên, công tác phòng ngừa phải đi trước một bước.

Thực hiện việc kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, Chính phủ cho biết, qua triển khai việc kê khai, công khai tài sản, thu nhập lần đầu của người có nghĩa vụ kê khai tại các bộ, ngành, địa phương, đã có gần 1,3 triệu người kê khai tài sản, thu nhập; 99% số bản kê khai này đã được công khai. Đây là một giải pháp quan trọng cần tiếp tục thực hiện một cách triệt để, thực chất trong thời gian tới.

Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng cần tiếp tục được quan tâm; chú trọng thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng, bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ, công chức. Chọn đúng người có tài, có đức ngay từ đầu không chỉ giảm được nguy cơ tham nhũng, lạm dụng chức quyền, mà còn bảo đảm có được những bàn tay chèo lái vững vàng cho đất nước phát triển bền vững.