Phục hồi từ đại dịch

LTS - Chính phủ đang quyết liệt yêu cầu đẩy nhanh các giải pháp phòng, chống dịch nhằm sớm đưa đất nước bước vào giai đoạn bình thường mới một cách thận trọng, chủ động. Kể từ số báo 38 (ngày 19/9/2021), Nhân Dân cuối tuần xây dựng tuyến bài về kịch bản phục hồi, kích thích nền kinh tế song song với các kế hoạch cấp bách hỗ trợ doanh nghiệp trở lại hoạt động.

Dự kiến, khoảng 30 - 40% số doanh nghiệp thủy sản đủ năng lực phục hồi sản xuất ngay sau giãn cách. Ảnh: Hạ An
Dự kiến, khoảng 30 - 40% số doanh nghiệp thủy sản đủ năng lực phục hồi sản xuất ngay sau giãn cách. Ảnh: Hạ An

Học cách chấp nhận… “nỗi đau”

Ngay thời điểm TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội... dự kiến công bố các kế hoạch kéo dài giãn cách đến cuối tháng 9/2021, nhiều hiệp hội, doanh nghiệp đã đưa ra cảnh báo đỏ về một tỷ lệ không nhỏ doanh nghiệp khó có thể trở lại thị trường. Thực tế khó khăn hơn những gì doanh nghiệp suy tính.

“Doanh nghiệp đang như có lửa đốt”

Đó là hình ảnh mà ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và Xuất khẩu thủy sản Vasep khái quát khi nói về kết quả khảo sát, chỉ có khoảng 30-40% số doanh nghiệp thủy sản đủ năng lực phục hồi sản xuất ngay sau giãn cách. Đây là các doanh nghiệp tổ chức được “ba tại chỗ”, hoặc phải tạm ngừng, nhưng vẫn duy trì trả lương để giữ chân lao động. Tiền Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Tháp là các tỉnh có số lượng doanh nghiệp thủy sản ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc tạm ngừng sản xuất nhiều nhất.

Đương nhiên, khó khăn không dừng lại ở một ngành nghề nào. Khảo sát hơn 21 nghìn doanh nghiệp hoạt động ở nhiều ngành, lĩnh vực trên cả nước mà Ban Nghiên cứu và Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thực hiện vào cuối tháng 8/2021, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đầu tháng 9/2021 đã cho thấy những con số đáng báo động. Riêng 69% số doanh nghiệp tham gia khảo sát, tương đương gần 15 nghìn doanh nghiệp đã phải tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh do dịch. Số doanh nghiệp cố gắng “duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh” mặc dù phần lớn không thể hoạt động toàn công suất chỉ chiếm 16%. Số doanh nghiệp “giải thể/ngừng hoạt động kinh doanh chờ giải thể” là 15%.

Điều đáng nói là dòng tiền dự trữ cho hoạt động của các doanh nghiệp còn lại quá mỏng. Có tới 63,7% số doanh nghiệp trả lời khảo sát thuộc nhóm “duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh” chỉ còn dòng tiền dự trữ cho dưới ba tháng hoạt động. Tỷ lệ này ở nhóm “tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh do dịch” lên tới 86,4%...

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 thừa nhận, chi phí sản xuất, kinh doanh hiện rất lớn, do đó, nhiều doanh nghiệp chọn “ngủ đông” vì không thể chịu nổi. Nếu áp dụng phương án sản xuất “ba tại chỗ”, chi phí tăng 4-5 lần, nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng năng suất chỉ đạt khoảng 50%. Đặc biệt, chi phí rất lớn cho việc đóng-mở nhà máy mỗi khi có người lao động mắc bệnh hoặc là F1 của các ca nhiễm... “Thật sự lúc này, phá sản là một phương án dễ hơn cả, nhưng chúng tôi vẫn nỗ lực duy trì vì lịch sử lâu đời của May 10 và còn vì doanh nghiệp là một trong những mắt xích quan trọng với hơn 66 nhà nhập khẩu trên toàn cầu”, ông Việt thẳng thắn.

Tuy nhiên, nếu tình hình này kéo dài, chuỗi cung ứng nguyên vật liệu bị đứt gãy, hoặc khó khăn trong vận chuyển; doanh nghiệp có thể sẽ bị mất khách hàng do thời gian thực hiện giãn cách quá lâu, không bảo đảm tiến độ giao hàng... Thêm nữa, các doanh nghiệp trong các ngành sử dụng nhiều lao động đang rất đau đầu với nỗi lo thiếu hụt lao động khi mở lại sản xuất, ông Nguyễn Hoài Nam chia sẻ.

Kịch bản hồi sinh

Cộng đồng doanh nghiệp cũng như giới chuyên gia nghiên cứu kinh tế đều đang ngóng chờ các kịch bản phục hồi và kích thích kinh tế sớm được ban hành. Trước mắt, cần những giải pháp cấp bách đưa doanh nghiệp mở cửa, hoạt động trở lại. Và xét dài hạn, cần những kế hoạch phát triển trong giai đoạn bình thường mới.

Đây là lý do các doanh nghiệp chờ đợi vào việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19. Mục tiêu của Nghị quyết là tập trung khôi phục, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, giảm tối đa số doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tạm ngừng hoạt động, giải thể, phá sản do tác động bởi dịch Covid-19. Rất nhiều giải pháp sẽ phải thực hiện ngay trong tháng 9/2021 này, như việc thống nhất các mô hình sản xuất an toàn phù hợp, thay vì cứng nhắc theo các mô hình “ba tại chỗ” hay “một cung đường, hai điểm đến”; bảo đảm lưu thông hàng hóa, nguyên liệu sản xuất...

Tuy vậy, TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Kinh tế Việt Nam vẫn nhắc tới tình trạng, sẽ không có sự đồng đều trong các kịch bản phục hồi của các ngành, lĩnh vực cũng như từng doanh nghiệp. “Có thể sẽ có những doanh nghiệp buộc phải dừng lại, dành cơ hội cho các doanh nghiệp có tiềm lực hơn. Và có thể có cả những ngành nghề cần phải thay đổi để phù hợp với yêu cầu của giai đoạn phát triển mới”, ông Thiên chia sẻ quan điểm.

Giới chuyên gia kinh tế đang đòi hỏi mục tiêu xa hơn cho kịch bản khôi phục, kích thích kinh tế. “Lúc này, nhận diện đúng thực trạng rất quan trọng, để doanh nghiệp, từng ngành, lĩnh vực có kịch bản phục hồi riêng, nhưng gắn kết và phù hợp với kịch bản tổng thể. Đây là lúc các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp phải vào cuộc cùng với các bộ, ngành, địa phương và Chính phủ. Quan điểm của tôi là hỗ trợ doanh nghiệp để nền kinh tế đứng dậy với năng lực sản xuất mới, chứ không phải cứu doanh nghiệp để nền kinh tế không sụp đổ”, ông Thiên đề xuất.

Đặc biệt, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan cao nhất của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. “Chúng ta phải xác định rõ, sẽ cần thay đổi trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 đã được Đại hội Đảng lần thứ XIII, Quốc hội thông qua hồi đầu năm. Có thể các chỉ tiêu của cả giai đoạn không thay đổi, nhưng sẽ cần xem xét lại một số nhiệm vụ, cách làm. Nếu trong vòng ba năm, 2021 - 2023 không thực hiện tốt nhất kế hoạch phục hồi, kích thích kinh tế, rất có thể nền kinh tế không chỉ chậm 5 năm này, mà còn ảnh hưởng đến thực thi Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 10 năm (2021-2030).

Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam:

Phép thử của “thiên nga đen”

Covid-19 được ví là sự kiện “thiên nga đen” (hiện tượng kinh tế hiếm xảy ra, không thể đoán trước) là khủng hoảng doanh nghiệp chưa từng thấy, chưa có tiền lệ nên hầu hết các doanh nghiệp đều tỏ ra lúng túng. Một khi xác định phải sống chung với SARS-CoV-2, cuộc chiến này là lâu dài, doanh nghiệp cần đặt mục tiêu cân bằng giữa rủi ro và cơ hội để hướng tới phát triển bền vững, kiểm soát hiệu quả các sự cố để giảm thiệt hại một cách tốt nhất. Muốn vậy, doanh nghiệp cần phải nhận diện được rủi ro; xây dựng mức độ chấp nhận rủi ro; quản trị rủi ro. Cần duy trì được nguồn lực tài chính bằng cách cân đối dòng tiền, xây dựng quy trình, chính sách và cơ chế giám sát ngân quỹ; minh bạch tài chính.

Ngoài ra, cần xây dựng khung quản lý khủng hoảng, lập kế hoạch kinh doanh liên tục để thích ứng, duy trì hoạt động; tự động hóa, số hóa quy trình, tác vụ. Tăng cường áp dụng công nghệ trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh:

Tạo thêm dư địa cho doanh nghiệp sống sót

Trong hai tháng vừa qua, chỉ có 20% số doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh duy trì hoạt động. Ngay cả trong khu chế xuất, khu công nghiệp, tỷ lệ hoạt động cũng chỉ duy trì 18%. Tuy nhiên, chính ở thời điểm hiện tại, chưa bao giờ sự gắn kết giữa doanh nghiệp, chính quyền và nhà nước lại càng thêm sâu sắc để cùng phòng, chống dịch, sau đó là tìm giải pháp phục hồi kinh tế, xã hội.

Điều doanh nghiệp mong mỏi là khi quay lại phục hồi sản xuất, tiếp tục nhận được sự đồng hành của chính quyền, nhân dân trên mặt trận kinh tế. Hy vọng các cấp chính quyền đều thấm nhuần tư tưởng của Thủ tướng rằng “lợi nhuận cùng hưởng, rủi ro cùng chia sẻ” để đồng hành với doanh nghiệp. Chúng tôi cũng mong mỏi các cơ quan hành chính tin tưởng hơn ở doanh nghiệp, bỏ tư duy quản lý bằng thủ tục hành chính, nhờ thế tạo thêm dư địa cho doanh nghiệp sống sót và tăng trưởng trở lại.

PGS,TS Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Tổ chức khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global):

Nắm bắt dòng dịch chuyển đầu tư

Cơ hội mà các doanh nghiệp Việt có thể có được trong giai đoạn hiện nay là cơ hội thị trường mới do Việt Nam tạo được lòng tin chiến lược quan trọng với hầu hết quốc gia, là đầu mối quan trọng cho nhiều hiệp định thương mại tự do như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… Nếu doanh nghiệp chuẩn bị nền tảng tốt về nhân lực, công nghệ, nghiên cứu và phát triển, đầu tư cho đổi mới sáng tạo, sẽ có thể bước thêm những nấc cao hơn trong chuỗi giá trị. Bên cạnh đó là cơ hội đến từ dòng dịch chuyển sản xuất và đầu tư vào Việt Nam nhờ tiềm năng tăng trưởng cao, nền kinh tế mở. Đáng chú ý, ước tính khoảng 70% giá trị mới được tạo ra trong nền kinh tế trong thập niên tới sẽ dựa trên các mô hình kinh doanh nền tảng được hỗ trợ kỹ thuật số. Doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế do tính năng động và năng lực tiếp cận số cao, nhanh.

Điểm đến của các dòng vốn đầu tư phụ thuộc rất nhiều vào định vị quốc gia. Các nhà đầu tư chỉ tìm đến khi quốc gia đó tạo được niềm tin chiến lược với đối tác và tạo được môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn.