Kỷ niệm 45 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2020)

Phong trào đô thị - một “sự hội tụ dân tộc”

Trong lịch sử quân sự thế giới đương đại từng xuất hiện nhiều phong trào đấu tranh, nhưng có lẽ không có một phong trào nào có sức lan tỏa và tầm ảnh hưởng rộng lớn, phong phú cả về hình thức và nội dung đấu tranh như Phong trào đô thị ở miền Nam trong những năm nhân dân Việt Nam đánh và thắng đế quốc Mỹ.

Các tầng lớp nhân dân Sài Gòn biểu tình đòi quyền tự quyết dân tộc dưới chế độ Mỹ - Diệm. Ảnh tư liệu
Các tầng lớp nhân dân Sài Gòn biểu tình đòi quyền tự quyết dân tộc dưới chế độ Mỹ - Diệm. Ảnh tư liệu

Phong trào đô thị ở miền Nam bùng phát ngay từ những ngày đầu cả dân tộc ta bước vào cuộc trường chinh chống đế quốc Mỹ xâm lược và ngày càng phát triển lan tỏa sâu rộng, cho đến khi cả dân tộc ca khúc khải hoàn toàn thắng, thu non sông về một mối. Phong trào này đã thu hút được sự tham gia của đông đảo các giai tầng xã hội ở các đô thị bị địch chiếm đóng; không chỉ là công nhân, nhân dân lao động, giới trí thức, học sinh, sinh viên, ký giả, đồng bào các tôn giáo, tiểu thương, tiểu chủ, tư sản dân tộc... mà kể cả sĩ quan, binh lính, cảnh sát và những viên chức cao cấp trong bộ máy chính quyền Sài Gòn... Họ quy tụ thành phong trào, hình thành nên mặt trận liên hiệp rộng rãi để bảo vệ hòa bình, đòi quyền dân tộc tự quyết, các quyền dân sinh, dân chủ; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; đồng thời kết hợp đấu tranh cho quyền lợi của từng giới như: bảo vệ nhân phẩm, đòi quyền tự do bình đẳng cho phụ nữ, đòi cải thiện đời sống cho người lao động, cho lao tù...

Mũi tiến công sắc bén

Trải qua 21 năm kéo dài đằng đẵng, với nhiều cung bậc thăng trầm do sự đàn áp, khủng bố của kẻ thù, song Phong trào đô thị vẫn luôn là một cuộc “hội tụ dân tộc”, mà ở đó đông đảo nhân dân các đô thị miền nam, hết thế hệ này đến thế hệ khác đã kiên cường đấu tranh vạch trần bản chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam và đấu tranh với các chính sách phản động, hại nước hại dân của các chính quyền tay sai nối tiếp nhau; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (DTGPMNVN) trong quần chúng, giác ngộ và từng bước tổ chức cho quần chúng tham gia tích cực vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước...

Trong giai đoạn 1954-1965, nổi lên với Phong trào bảo vệ hòa bình. Phong trào khởi phát từ Sài Gòn với sự tham gia của nhiều trí thức lớn như các luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo; các giáo sư Phạm Huy Thông, Nguyễn Văn Dưỡng cùng đông đảo nhiều tầng lớp xã hội khác. Từ Sài Gòn, phong trào này lan rộng ra Huế và nhiều đô thị khác. Phong trào bảo vệ hòa bình là tiếng nói của chính nghĩa tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân vào cuộc đấu tranh chống chiến tranh, đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, đòi hòa bình, chống chia cắt đất nước.

Đặc biệt là kể từ sau Đồng Khởi, Phong trào đô thị phát triển với quy mô rộng lớn và tính chất quyết liệt hơn. Chỉ riêng ở đô thành Sài Gòn, năm 1960 đã nổ ra 227 cuộc đấu tranh, năm 1961 là 287 cuộc, năm 1962 là 324 cuộc và kết thúc năm 1963 với 503 cuộc. Trong giai đoạn này đáng chú ý có Phong trào Phật giáo năm 1963 phản đối chính sách kỳ thị và đàn áp Phật giáo của chính quyền Ngô Đình Diệm. Nó châm ngòi cho cuộc đấu tranh của giới tăng ni, Phật tử kéo dài đến ngày kết thúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ.

Cùng với đó là các cuộc đấu tranh vì mục tiêu dân sinh, dân chủ khác như đấu tranh chống khủng bố, đòi tự do nghiệp đoàn; đấu tranh đòi dân chủ trong lĩnh vực văn hóa giáo dục... Các cuộc đấu tranh đã góp phần làm “nóng” tình hình tại các đô thị lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng, Cần Thơ, Nha Trang, Đà Lạt... Đáng chú ý là các cuộc đình công, bãi công của công nhân các xí nghiệp Vimytex,Vinatexco, Stanvac, các hãng Usaid, Juspao, Stic...; cuộc biểu tình lớn ở chợ Bến Thành với hình ảnh ngã xuống hiên ngang của nữ sinh Quách Thị Trang; phong trào đấu tranh đòi thành lập Hiệu đoàn, đòi sử dụng tiếng Việt làm chuyển ngữ của hội Giáo chức và học sinh, sinh viên...

Phong trào đô thị giai đoạn này được nhìn nhận như một mũi tiến công sắc bén của cách mạng miền Nam, đúng như đồng chí Lê Duẩn đã nhận xét “Cả trong thành thị cũng dấy lên những làn sóng cách mạng quyết liệt, làm rối loạn hậu phương của địch, làm lung lay tận gốc chế độ bù nhìn... Chiến tranh cách mạng đã phát triển lên một bước mới”.

Tinh thần quật khởi, yêu nước

Khi đế quốc Mỹ tiến hành Chiến tranh cục bộ, Phong trào đô thị ở miền Nam càng trở nên quyết liệt và mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đỉnh điểm là năm 1966 với sự xuất hiện của nhiều tổ chức như Lực lượng nhân dân tranh thủ cách mạng, Hội đồng sinh viên tranh thủ cách mạng ở Huế và các cuộc xuống đường đòi “Thiệu-Kỳ từ chức”, “Mỹ phải rút quân về nước” tại nhiều đô thị khác. Riêng tại Đà Nẵng, ngày 30-3-1966, hơn 10 vạn quần chúng nhân dân đã xuống đường bất chấp chính quyền cho quân đàn áp một cách dã man. “Chia lửa” với nhân dân Đà Nẵng, nhân dân Sài Gòn tổ chức những Đêm không ngủ với hàng vạn người tham gia để phản đối quân đội Sài Gòn đàn áp dã man cuộc xuống đường. Khu ủy miền Đông Nam Bộ đánh giá: “Đây là lần đầu tiên quần chúng biểu thị một khí thế chống Mỹ mạnh mẽ nhất, với nội dung đúng đắn nhất”.

Khó có thể kể hết các phong trào đấu tranh diễn ra ở các đô thị giai đoạn này. Nhiều phong trào đã tạo được sự cộng hưởng và gây được tiếng vang lớn như phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe của giới văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên; phong trào Phụ nữ đòi quyền sống của phụ nữ do luật sư Ngô Bá Thành khởi xướng; phong trào Linh mục hót rác của cha Phan Khắc Từ; phong trào Ký giả đi ăn mày của giới báo chí, các phong trào trong thanh niên Công giáo như Thanh-Lao-Công, Thanh-Sinh-Công ...

Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, Phong trào đô thị ở miền Nam diễn ra ngày càng mạnh, lôi kéo thêm nhiều thành phần trung gian, kể cả công chức, sĩ quan, binh lính Sài Gòn - những người chán ghét chiến tranh, có tinh thần dân tộc, có cảm tình với phong trào đấu tranh của quần chúng. Họ tự nguyện đứng vào đội ngũ của Phong trào đô thị đòi Mỹ và chính quyền Sài Gòn nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định, đòi chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Riêng tại Sài Gòn - Gia Định đã có tổng cộng khoảng 30 đoàn thể chính trị, văn hóa, xã hội, tôn giáo... liên kết thành một Mặt trận đối lập với chính quyền Sài Gòn. Với những tuyên ngôn, kháng nghị, thông cáo... bằng lời lẽ mạnh mẽ, các tổ chức đã thể hiện một tinh thần dân tộc, một lập trường yêu nước rõ ràng, dứt khoát: Chống chiến tranh, chống Mỹ, đòi lật đổ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, đòi thi hành Hiệp định Pa-ri.

Trong thời khắc cuối cùng của cuộc kháng chiến, Phong trào nổi dậy ở các đô thị đã kịp thời trấn áp sự phản ứng điên cuồng của địch, góp phần phân hóa hàng ngũ địch, tạo điều kiện cho các đơn vị lực lượng vũ trang tiến vào giải phóng nội thị. Tại đô thành Sài Gòn - Gia Định nổi lên vai trò của Lực lượng thứ ba - một phong trào quy tụ nhiều gương mặt nhân sĩ, trí thức có tinh thần dân tộc, kiên trì đấu tranh cho quyền lợi của dân tộc. Nhiều tướng lĩnh quân đội Sài Gòn khi đó vẫn kêu gào “tử thủ”; nhiều đơn vị vẫn ngoan cố chống cự một cách điên cuồng, không từ một thủ đoạn nào kể cả việc phá hoại cầu cống, hệ thống giao thông dẫn vào đô thị, các công trình trong nội đô... nhằm ngăn chặn các mũi tiến công thần tốc của Quân giải phóng vào sào huyệt cuối cùng của chúng; đồng thời lung lạc tinh thần của nhân dân đô thị, gây khó khăn cản trở cho Cách mạng khi vào tiếp quản thành phố. Trong bối cảnh đó, Phong trào đô thị ở Sài Gòn - Gia Định cùng với các lực lượng vũ trang Cách mạng ém sẵn trong nội đô như đặc công, biệt động đã kịp thời ngăn chặn các hành động điên rồ đó của địch; trấn áp, làm phân rã và cô lập chúng, đặc biệt là ngăn chặn kịp thời hành động điên cuồng của các phần tử cực hữu, phản động. Hoạt động của Phong trào đô thị đã góp phần quan trọng cùng với năm mũi tiến công của quân chủ lực bảo vệ cho Sài Gòn - Gia Định, một thành phố tập trung các cơ quan đầu não của địch với hơn 3 triệu dân đã không bị “tắm máu”, không bị tàn phá trong trận chiến cuối cùng.

Có thể nói, linh hồn của Phong trào đô thị chính là quần chúng thị dân, mà nòng cốt là công nhân, người lao động. Tất thảy họ đều toát lên bản chất của người Việt, mang trong mình dòng máu Lạc Hồng, với một tinh thần quật khởi, tận trung với nước, với dân tộc. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, tùy theo chính sách thống trị của Mỹ và chính quyền Sài Gòn mà Phong trào đô thị hướng đến những mục tiêu phù hợp, vận dụng linh hoạt các hình thức và phương pháp đấu tranh, biết lợi dụng và khoét sâu mâu thuẫn nội bộ đối phương, từng bước làm suy yếu chúng. Nhưng mục tiêu xuyên suốt của Phong trào đô thị miền Nam trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ vẫn là độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Phong trào đô thị - một “sự hội tụ dân tộc” ảnh 1

Nhân dân các đô thị miền Nam sục sôi đấu tranh đòi thực thi Hiệp định Pa-ri. Ảnh tư liệu.