Kỷ niệm 45 năm Ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất (25-4-1976 - 25-4-2021)

Ðó là ngày hằng ước mong, chờ đợi…

Trong ký ức của nhiều người dân TP Hồ Chí Minh, ngày tổng tuyển cử đại biểu Quốc hội đầu tiên khi non sông liền một dải trở thành một sự kiện đặc biệt không thể nào quên. Mỗi khi nhắc lại đến ngày hội của toàn dân năm ấy, những chứng nhân lịch sử một thời vẫn không nguôi xúc động và tự hào.

Nhân dân TP Hồ Chí Minh mít-tinh, diễu hành chào mừng Ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Ảnh: TTXVN
Nhân dân TP Hồ Chí Minh mít-tinh, diễu hành chào mừng Ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất. Ảnh: TTXVN

Cả thành phố khi ấy rực rỡ cờ hoa, băng-rôn, biểu ngữ, tưng bừng chào mừng ngày hội lớn. Lá phiếu lần này thật sự là ý nguyện của lòng mình, là tiếng nói chân thật của lương tâm. Bỏ phiếu là thực hiện quyền làm chủ của mình, nhằm chọn người xứng đáng thay mặt cho mình, mang trách nhiệm lớn lao là lập Quốc hội chung cho cả nước, lập nên một Chính phủ thật sự đại diện cho gần 50 triệu trái tim Việt Nam từ nam chí bắc - người Sài Gòn - Gia Ðịnh lúc bấy giờ đã cảm nhận được điều ấy trong ngày hội non sông này.

Ðó là những ấn tượng chung của những nhân chứng lịch sử ở Thành phố mà chúng tôi đã gặp, về ngày bầu cử Quốc hội khóa VI - ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung của nước Việt Nam thống nhất. Bà Nguyễn Thị Hồng, khu phố 1, phường 6, quận 4, TP Hồ Chí Minh đang khá bận rộn với công việc là thành viên tổ bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 tại địa phương mình. Năm nay đã ngoài 70 tuổi, bà vẫn nhiệt tình tham gia các tổ, hội, cống hiến sức mình cho công việc chung. Trong cuộc Tổng tuyển cử bầu đại biểu Quốc hội khóa VI ngày 25-4-1976, lần bầu cử Quốc hội đầu tiên sau ngày miền nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, bà Hồng là một trong hàng chục vạn công dân Thành phố có được niềm vinh dự ấy. Bà nhớ lại, khi đó bà mới ngoài hai mươi tuổi, đang làm nghề may. Ðây là công việc bà Hồng gắn bó suốt thời tuổi trẻ của mình. Ban đầu chỉ là một tổ may nhỏ, dần dần trở thành Hợp tác xã may xuất khẩu 19-5 có tiếng ở quận 4 mà bà Hồng làm chủ nhiệm. Chính nhờ nghề may, bà Hồng đã tạo được việc làm cho nhiều người dân tại địa phương khi ấy vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kế mưu sinh. "Ngày đi bầu cử Quốc hội như ngày hội lớn, cờ hoa rực rỡ, ai ai cũng phấn khởi" - bà Nguyễn Thị Hồng xúc động. Với bà, đó là lần đầu bà được cầm lá phiếu để bầu ra những người ưu tú đại diện cho ý chí, nguyện vọng của người dân để lãnh đạo đất nước. Bà nhớ, không khí của ngày hội toàn dân lan tỏa đến từng con đường, con hẻm trước ngày đi bầu khá lâu. Loa tuyên truyền về công tác bầu cử được phát thường xuyên giúp người dân nắm rõ thông tin về danh sách người ứng cử, cách bỏ phiếu… Nhưng có lẽ ấn tượng nhất với bà Hồng chính là cái nghĩa, cái tình, sự đoàn kết của người dân trong ngày hội lớn này. "Thấy anh em trong tổ bầu cử vất vả, nhiều người dân mang gà, trái cây đến "tiếp sức" khiến không khí trong ngày bầu cử Quốc hội trở nên sôi nổi, ấm áp hơn" - bà Hồng kể lại.

Ðó là ngày hằng ước mong, chờ đợi… -0
 Bà Nguyễn Thị Hồng hồi tưởng không khí cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI.

Cảm xúc trong ngày bầu cử Quốc hội đầu tiên sau ngày Bắc - Nam thống nhất vẫn còn như nguyên vẹn trong lòng bà Lê Thị Hồng Hạnh, khu phố 5, phường 9, quận Phú Nhuận. Sau năm 1975, từ "R" trở về, bà được phân công công tác tại phòng Quân y của Bộ Tham mưu Quân khu 7. Ngày 25-4-1976, bà đi bỏ phiếu tại đơn vị của mình. "Giây phút cầm lá phiếu trên tay bỏ vào thùng phiếu để tạo lập nên chính quyền mới đầu tiên của đất nước thật sự mang lại cảm xúc khó tả cho mỗi người lính Cụ Hồ như chúng tôi. Niềm vui sướng vì đất nước đã qua những ngày gian khó, người dân giờ được sống trong hòa bình, tự do, được quyền bầu cử cứ dâng trào, ngập tràn trong lòng tôi khi ấy. Những nụ cười rạng ngời, những giọt nước mắt hạnh phúc cứ thế mà lăn tràn trên gương mặt nhiều người" - bà Lê Thị Hồng Hạnh chia sẻ.

Có lẽ, hiếm người được như ông Ðinh Văn Huệ, khu phố 7, phường 15, quận 10 khi ông được tham gia bầu cử từ khóa Quốc hội đầu tiên ngày 6-1-1946 đến kỳ Quốc hội khóa VI ngày 25-4-1976. Năm nay 93 tuổi, ông Huệ vẫn nhiệt tình với việc nước. Nhắc về ngày bầu Quốc hội khóa VI, ông Bảy Huệ (tên thân mật mọi người thường gọi ông) vẫn còn nhớ khá rõ. Thời điểm ấy, ông công tác tại Ðoàn tình báo 22B thuộc Quân khu 7, phụ trách Ban tình báo liên quận 51 (gồm quận 5, quận 10, quận 11). Có lẽ vì làm công tác dân vận trong suốt quá trình tham gia cách mạng qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nên trong những ngày bầu cử năm ấy, ông vẫn đi làm công tác tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa ngày hội lớn của toàn dân. Ông Bảy Huệ chia sẻ, cầm lá phiếu trên tay, ông tin tưởng vào những bước đi thắng lợi mới của đất nước khi có được sự đồng thuận, đồng lòng, sự ủng hộ của toàn dân. Nhớ lại lần bỏ phiếu đầu tiên trong đời mình, ông Ðinh Văn Huệ cho biết, đó là niềm tự hào, là hạnh phúc của người công dân nước Việt dù chưa hiểu trọn vẹn ý nghĩa lá phiếu trên tay mình. Sớm giác ngộ, thoát ly theo cách mạng, và nhất là sau khi trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước đã cho ông hiểu giá trị lá phiếu đi bầu một cách sâu sắc hơn, khi có biết bao xương máu của đồng đội, của người dân đã đổ xuống để toàn dân được thực hiện quyền làm chủ của mình, bầu lên một chính quyền mới của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Kết quả bầu cử Quốc hội khóa VI của TP Hồ Chí Minh có các vị Phạm Hùng, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Trần Văn Trà, Võ Văn Kiệt, Trịnh Ðình Thảo, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Văn Hiếu, Trần Văn Danh… đã trúng cử với tỷ lệ phiếu cao từ 90% đến 97%. Trong 35 vị trúng cử, nhiều đại biểu công nông, đại biểu các lực lượng vũ trang cách mạng, đại biểu trí thức yêu nước, tôn giáo, nghệ sĩ… cũng trúng cử với tỷ lệ phiếu cao từ 60% đến 90%.

Ngày 25-4-1976, hơn 98% số cử tri TP Hồ Chí Minh đã đi bỏ phiếu, trong đó 93% số binh sĩ chế độ cũ đã được phục hồi quyền công dân tham gia thực hiện quyền công dân của một nhà nước độc lập, thống nhất. Ðây là cuộc biểu dương lực lượng chính trị hết sức to lớn của nhân dân Thành phố. Và trong kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa VI, thành phố Sài Gòn - Gia Ðịnh chính thức mang tên TP Hồ Chí Minh. Ðó là những ngày rợp cờ hoa không thể nào quên trong lịch sử Thành phố, ngày mà mấy chục năm người dân hằng mong ước, chờ đợi: Bắc - Nam đoàn tụ một nhà.