Nỗ lực trả “nợ” văn bản

Mặc dù Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đã quy định rõ “Dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh”; song tình trạng nợ văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật vẫn tương đối phổ biến. Điều này không những “đẻ” thêm các văn bản phải tiếp tục ban hành, sửa đổi, mà còn làm phát sinh rất nhiều vướng mắc trong thời gian chờ đợi. Mà quãng thời gian đó có khi phải tính bằng năm!

Luật Quản lý thuế có hiệu lực từngày 1-7-2020 nhưng đến nay có 59/59 nội dung chưa ban hành.
Luật Quản lý thuế có hiệu lực từngày 1-7-2020 nhưng đến nay có 59/59 nội dung chưa ban hành.

Chậm… 

Theo Báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (từ đầu nhiệm kỳ đến hết kỳ họp thứ 8) của Tổng Thư ký Quốc hội, Quốc hội khóa XIV đã ban hành 55 luật; trong đó, có 53 luật đã có hiệu lực thi hành, hai luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.

Tuy đã có một sự cải thiện đáng kể trong công tác này so với nhiệm kỳ trước, nhưng đến nay vẫn còn rất nhiều nội dung quy định chi tiết chưa ban hành hoặc ban hành chậm, làm giảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan; ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, môi trường sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân. 

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến tháng 8-2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành đã ban hành văn bản quy định chi tiết được 485/572 (chiếm 85%) nội dung được giao trong các luật; còn lại 87/572 (chiếm 15%) nội dung chưa có văn bản quy định chi tiết được ban hành. Nhưng ngay cả trong 485 nội dung đã được quy định chi tiết, chỉ có 301/485 (chiếm 62%) nội dung bảo đảm có hiệu lực cùng thời điểm có hiệu lực của luật, 184/485 (chiếm 38%) nội dung có hiệu lực chậm hơn so với thời điểm có hiệu lực của luật.

Trong số 184 nội dung được quy định chi tiết trong các văn bản có hiệu lực chậm hơn so thời điểm có hiệu lực của luật, có một số nội dung sau gần ba năm luật có hiệu lực nhưng vẫn chưa có văn bản quy định chi tiết, như: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo còn một nội dung chưa ban hành sau gần ba năm; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ còn ba nội dung chưa được ban hành sau hơn hai năm.

Một số luật có từ 80% đến 100% nội dung chưa có văn bản quy định chi tiết. Trong số này, Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 có 59/59 nội dung chưa ban hành; Luật Thi hành án hình sự còn 21 điều, khoản chưa được ban hành; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 có 12/14 nội dung chưa được ban hành; Luật An ninh mạng có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019 có 8/9 nội dung chưa ban hành; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước có 2/2 nội dung chưa ban hành; Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực từ ngày 1-7-2020 có 1/1 nội dung chưa được ban hành...

Và không hiếm “cập kênh”

Vẫn theo Tổng Thư ký Quốc hội, kết quả rà soát cho thấy, không có văn bản nào có dấu hiệu trái Hiến pháp; nhưng vẫn có đến tám Nghị định chứa nội dung có dấu hiệu trái luật (trong đó có bảy Nghị định chứa nội dung có dấu hiệu trái với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); một Nghị định chứa nội dung có dấu hiệu trái với quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018). Có bảy Nghị định và ba Thông tư quy định không đúng nội dung luật giao, chưa thống nhất với hệ thống pháp luật, trong đó đáng lưu ý là Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công và Thông tư quy định chi tiết Luật Bảo vệ bí mật nhà nước…

Về thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục ban hành VBQPPL, có tám Nghị định có một số nội dung tiếp tục giao (ủy quyền tiếp) cho Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ quy định chi tiết. Việc “ủy quyền tiếp” này chưa phù hợp với quy định của pháp luật và dẫn đến việc cơ quan được ủy quyền ban hành văn bản quy định nội dung không đúng về thẩm quyền do luật giao. Đáng nói, tình trạng ủy quyền đã được cơ quan giám sát nhiều lần kiến nghị, nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để; một số văn bản không thuộc trường hợp ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn nhưng có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký (trong khi thời điểm có hiệu lực của toàn bộ hoặc một phần VBQPPL nhanh nhất cũng không sớm hơn bảy ngày kể từ ngày ký ban hành đối với văn bản do Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân cấp huyện và cấp xã ban hành). 

Tăng cường năng lực xây dựng, giám sát

Trong khi đó, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, việc giám sát VBQPPL - một chức năng hết sức quan trọng của các cơ quan Quốc hội - vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Theo Báo cáo của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong kỳ giám sát từ tháng 8-2018 đến ngày 30-6-2020 chỉ có 36/184 (chiếm 19,56%) VBQPPL thuộc phạm vi giám sát được gửi đến Ủy ban và chủ yếu là văn bản do Chính phủ ban hành, rất ít văn bản do cấp Bộ trưởng ban hành. Trong khi đội ngũ xây dựng văn bản pháp luật còn chưa nhiều, chưa tinh (tại thời điểm ngày 15-8-2019 còn 2.402 người làm công tác pháp chế chưa có trình độ cử nhân luật), thì nguồn nhân lực phục vụ cho công tác giám sát VBQPPL cũng rất thiếu; việc bố trí thời gian và nhân sự theo dõi công tác giám sát VBQPPL còn hạn chế. 

Tại nhiều kỳ họp Quốc hội về chương trình xây dựng pháp luật, nhiều ý kiến đại biểu quốc hội (ĐBQH) kiên trì nêu yêu cầu thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành VBQPPL về “dự thảo văn bản quy định chi tiết phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật, pháp lệnh”; đồng thời, cân nhắc việc xem xét, thông qua đối với các dự án, dự thảo luật, pháp lệnh có quá nhiều nội dung phải hướng dẫn thi hành hoặc có văn bản quy định chi tiết gửi kèm nhưng không bảo đảm các nội dung hướng dẫn. 

Các đoàn ĐBQH, và các ĐBQH được đề nghị chủ động thực hiện quyền giám sát văn bản theo quy định, phát hiện các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp, trái pháp luật để đề nghị cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản hoặc báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét theo quy định của pháp luật.

Và, tất nhiên, để có thể hoàn thành thắng lợi một nhiệm kỳ (2016 - 2020), tạo đà cho một thập niên phát triển mới của đất nước, với trách nhiệm dự thảo tuyệt đại đa số VBQPPL, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng cần khắc phục những hạn chế, vướng mắc đã nêu; khẩn trương ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết còn “nợ đọng” để toàn bộ xã hội vận hành nhịp nhàng, đạt hiệu quả cao nhất.