Những câu chuyện xứng đáng được kể

Càng về cuối năm, những sự kiện được tổ chức, ghi nhận đã khiến cho hành trình 2021 trở nên đậm nét. Đặc biệt, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ ba được tổ chức đã trở thành dấu mốc khởi đầu cho một chặng đường phát triển mới, với tiêu chí: Văn hóa cần được đặt đúng vị trí, thật sự trở thành yếu tố nền tảng, động lực cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc.

Xòe Thái trở thành Di sản văn hóa phi vật thể thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Ảnh: Yên Bái
Xòe Thái trở thành Di sản văn hóa phi vật thể thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Ảnh: Yên Bái

Nắn chỉnh những đường ray

Cũng đã một khoảng thời gian không phải là ngắn, dù luôn nhận thức được vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa, song, do quá chú trọng mục tiêu phát triển kinh tế, nên chỉ khi những hệ lụy tiêu cực do lơi lỏng, thiếu quan tâm đến yếu tố nền tảng quan trọng này, chúng ta mới thật sự... giật mình. Chính bởi vậy, với Hội nghị đặc biệt được tổ chức ngày 24/11, những người yêu văn hóa và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa đã có cơ hội được chỉ ra, nhận diện những tồn tại và đề xuất phương thức, giải pháp để thay đổi hiện trạng, từng bước nâng tầm cho nền văn hóa dân tộc.

Sáu nhiệm vụ trọng tâm đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xác định tại Hội nghị, để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc. Nhiều giải pháp cũng đã được đề xuất và đang được các cấp, ngành tích cực triển khai. Sẽ không thể là câu chuyện ngày một, ngày hai để nhận thấy những kết quả tích cực trong sự chuyển động của đời sống văn hóa. Và bởi vậy, rất cần sự bền bỉ, quyết liệt và nhanh chóng của các cơ quan liên quan, của mỗi cá nhân, tổ chức. Khi nhận thức đã được đặt lại đúng đường ray, thì mỗi nỗ lực, dù là nhỏ bé, đều sẽ trở thành động lực cho sự chuyển động tích cực.

Năm thứ hai bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, các ngành văn hóa, nghệ thuật, nhất là nghệ thuật biểu diễn đã gần như kiệt quệ, và người hoạt động trong ngành này vẫn đang tiếp tục phải gắng gỏi chống chọi với khó khăn để neo giữ với nghề. Có một điều đặc biệt là, càng trong khó khăn, thử thách, thì tình yêu nghệ thuật càng cháy bỏng, tỏa sáng trong trái tim của những nghệ sĩ đích thực. Không trực tiếp đến được với công chúng, các nghệ sĩ đã tìm ra nhiều phương thức để lan tỏa các giá trị tốt đẹp vào cuộc sống. Từ các chương trình biểu diễn online, các buổi diễn trong các bệnh viện dã chiến phục vụ y, bác sĩ và bệnh nhân mắc Covid-19, kêu gọi từ thiện và trực tiếp tham gia tình nguyện trên tuyến đầu chống dịch hay gắng gỏi vượt khó khăn, đùm bọc, hỗ trợ lẫn nhau và vẫn tiếp tục sáng tạo trong tâm thế sẵn sàng trở lại bất cứ khi nào có thể... hơn lúc nào, nhiều nghệ sĩ đã thật sự ý thức được thiên chức của mình, để nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, mang đến những giá trị tinh thần tốt đẹp cho xã hội trong thời khắc khó khăn này. Và bởi vậy, trong những cuộc liên hoan nghệ thuật như Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021, Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp 2021 đợt 1, Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 22..., những thành quả được ghi nhận không thuần túy về chất lượng nghệ thuật, mà chứa cả những ý nghĩa đặc biệt về ý chí, nghị lực của đội ngũ những người làm nghệ thuật.

Một năm thành công trong nỗ lực chuyển đổi số ở nhiều ngành, lĩnh vực văn hóa. Đại dịch Covid-19, ở một khía cạnh khác, lại là cú huých không mong muốn thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tiến bước mạnh mẽ, hiệu quả, đặc biệt trong hoạt động của nhiều bảo tàng và thư viện. Không chấp nhận khoanh tay ngồi nhìn thực trạng vắng khách do đại dịch, nhiều bảo tàng, thư viện đã chủ động tổ chức các cuộc triển lãm trực tuyến, xây dựng nhiều công cụ hỗ trợ mang đến trải nghiệm thú vị cho công chúng. Sách điện tử, sách nói đã có sự phát triển đột phá, không chỉ mở hướng cho ngành xuất bản vượt qua khó khăn, mà còn góp phần mang đến những sản phẩm văn hóa chất lượng hỗ trợ đời sống tinh thần cho xã hội.

"Giọt nước" và biển cả

Các sản phẩm công nghệ số phát triển như vũ bão, cùng sự kết nối toàn cầu đã làm bộc lộ nhiều lỗ hổng, sự chậm bước và lỗi nhịp trong phương thức vận hành của nhiều lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật. Trong khi vẫn đang tranh luận gay gắt về quy định và cách thức duyệt phim trong nước, chúng ta lại hầu như không tác động được gì đến các kênh giải trí nước ngoài đã có mặt tại thị trường Việt Nam. Điều đó, phần nào, lại làm hạn chế biên độ sáng tạo của cả các nghệ sĩ và nhà sản xuất, và làm cho phim Việt càng thất thế trong cuộc cạnh tranh vốn đã chịu phần thua thiệt ngay trên sân nhà.

Những ồn ào quanh câu chuyện bản quyền, với "giọt nước tràn ly" là vụ việc tắt tiếng Quốc ca khi tiếp sóng trận đấu giữa đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam và Lào trong khuôn khổ AFF Cup, thực tế, là điều đã được dự báo từ trước. Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật từ tháng 10/2004. Vậy nhưng, suốt từ đó đến nay, những nỗ lực để khiến chúng ta không bị lỗi nhịp khi bước vào sân chơi chung toàn cầu, thực tế, đã chưa được quan tâm và đặt đúng tầm mức. Bởi vậy, rất nhiều cơ hội từ việc đăng ký bản quyền cho đến điều kiện khai thác và quy định tỷ lệ... vẫn là những kiến thức "xa xôi" với rất nhiều người dân, nghệ sĩ và ngay cả chính doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa. Ngay cả khi có sự cố xảy ra, thì nhận thức xã hội về vấn đề này vẫn rất... sơ khai.

Những hồi chuông gắt như vụ việc tắt tiếng Quốc ca vừa rồi, hy vọng sẽ đủ sức đánh động các cơ quan chức năng trong việc rốt ráo hơn để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp của quốc gia, và có giải pháp nhanh chóng nâng cao nhận thức xã hội về vấn đề bản quyền. Trong sân chơi toàn cầu, nhất là trên các nền tảng số, sẽ không có ngoại lệ hay khuất tất. Và, cái giá cho sự thiếu hiểu biết sẽ là rất lớn.

Khép lại một hành trình nhiều lắng đọng, suy tư, dẫu dấu mốc thời gian không đồng nhất với nhịp đi của sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, chúng ta hãy cùng mong mỏi cho những thời cơ và chuyển động tích cực hơn cho đời sống văn hóa, trong một năm mới 2022 đã cận kề trước cửa.