Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Nhìn thẳng khó khăn, tháo gỡ vướng mắc

Khai mạc sáng 20-10, theo kế hoạch, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV tiếp tục được tiến hành thành hai đợt, đợt một họp trực tuyến và đợt hai họp tập trung. Ðây là kỳ họp gần cuối của nhiệm kỳ, dồn nén rất nhiều công việc trong bối cảnh đất nước đang gặp nhiều khó khăn, thử thách; cũng là dịp để Quốc hội nhìn nhận lại những vấn đề đã khẳng định với cử tri trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, đồng thời chuẩn bị tốt nhất cho các yêu cầu, đòi hỏi mới.

Quang cảnh Lễ khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quang Khánh
Quang cảnh Lễ khai mạc Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quang Khánh

Ngay trước kỳ họp và trong những ngày này, nhiều tỉnh miền trung nước ta vẫn đang phải oằn mình gánh chịu những thiệt hại nặng nề về người và tài sản do mưa lũ kỷ lục gây ra. Phát biểu khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân xúc động nói: “Quốc hội chia sẻ trước những đau thương, mất mát to lớn này và xin gửi lời thăm hỏi ân cần đến đồng bào, chiến sĩ vùng bị nạn, cùng lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình cán bộ, chiến sĩ hy sinh và người dân bị tử nạn. Quốc hội đánh giá cao sự quyết liệt, khẩn trương, ứng phó linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang trong cứu hộ, cứu nạn, khắc phục, giảm thiểu thiệt hại”. Các báo cáo đầu kỳ họp cũng đã cập nhật sinh động không khí đời sống, nhìn thẳng vào những khó khăn, những vấn đề kinh tế - xã hội (KT-XH) đang đặt ra, những đòi hỏi của thực tiễn được phản ánh đa dạng qua 3.365 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước thông qua các Ðoàn đại biểu Quốc hội (ÐBQH), hệ thống Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam các cấp, các tổ chức thành viên.

Trong rất nhiều các ý kiến, kiến nghị của cử tri được Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trình bày, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh đến sự ghi nhận những nỗ lực của ngành giáo dục, chính quyền các cấp đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Bên cạnh đó, cử tri và nhân dân một số nơi bức xúc vì giá sách giáo khoa, có dấu hiệu “lợi ích nhóm”. Cụ thể, việc phát hành và đưa vào sử dụng sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh Diều gây ra nhiều phản ứng trong nhân dân; Bộ Giáo dục và Ðào tạo đã chỉ đạo có biện pháp khắc phục, tuy nhiên cần thường xuyên kiểm tra việc phát hành, sử dụng sách giáo khoa trong nhà trường.

Nhìn thẳng khó khăn, tháo gỡ vướng mắc -0
Chất lượng sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh Diều là một trong những vấn đề được nhiều cử tri các địa phương phản ánh đến diễn đàn kỳ họp lần này. Ảnh: Yến Anh 

Cử tri và nhân dân cũng bày tỏ lo lắng về sự an toàn của hệ thống hồ, đập, đê chắn sóng; mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm bảo đảm đời sống cho nhân dân vùng bị thiên tai, dành nguồn lực thích đáng trong việc phòng ngừa, chống chịu với thiên tai, đặc biệt trong mùa mưa bão...

Không khó để nhận thấy, nhiều vấn đề cử tri phản ánh đã không phải là mới, thậm chí có không ít nội dung đã được thường xuyên đề cập trong các kỳ họp trước như nạn phá rừng, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, tội phạm, suy thoái đạo đức,... Và, trước đó, tại các buổi tiếp xúc cử tri, các vị ÐBQH cũng đã lắng nghe, đã hứa hẹn. Song, rõ ràng, nhiều tồn đọng, bất cập đã chưa được giải quyết rốt ráo trên thực tế.

Mặc dù thực tiễn có nhiều khó khăn, nhưng với những nỗ lực của Chính phủ, chúng ta vẫn gặt hái được một số kết quả đáng mừng. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ tư trong ASEAN. Ðể có thông tin đầy đủ, Chính phủ đã gửi đến Quốc hội 74 báo cáo và tờ trình về các lĩnh vực, trong đó có các báo cáo đánh giá đầy đủ, toàn diện tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020 và 5 năm 2016 - 2020; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2021 - 2025. Ðáng chú ý, tại phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo Quốc hội: tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng chín tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2 - 3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hóa, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so năm 2015.

Năm 2020 là năm có ý nghĩa quan trọng, được kỳ vọng tiếp nối đà tăng trưởng và thành tựu của những năm trước để bứt phá hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch 5 năm 2016-2020, đồng thời, cũng là năm xây dựng kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, suy thoái kinh tế toàn cầu, thiên tai, bão, lũ, nên một số chỉ tiêu KT-XH đề ra sẽ không đạt được, càng đòi hỏi các vị ÐBQH phát huy cao độ năng lực, trí tuệ, tập trung nghiên cứu, phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện năm 2020 và cả nhiệm kỳ này; dự báo xu hướng biến động của dịch bệnh, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội thế giới, khu vực trong giai đoạn tới để xác định phương hướng, giải pháp hữu hiệu thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững hơn, nâng cao đời sống của người dân, giữ vững ổn định chính trị - xã hội.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian xem xét, thông qua bảy dự án luật, ba dự thảo nghị quyết và cho ý kiến bốn dự án luật khác nhằm bảo đảm tốt hơn nữa quyền con người, quyền công dân, bảo vệ Tổ quốc, giữ vững quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế. Trong đó, việc xem xét, thông qua Luật Cư trú (sửa đổi), Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, bảo đảm thực hiện quyền Hiến định về tự do cư trú, tạo điều kiện để phát triển KT-XH bền vững, bảo vệ môi trường sống của nhân dân.

Ðặc biệt, Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng; quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tiến hành công tác nhân sự và thảo luận, quyết định các vấn đề quan trọng khác.