Nhất quán một quan điểm, một tầm nhìn

Hiện thực lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, quan điểm của Đảng về văn hóa là nhất quán về vị trí, vai trò, nguyên tắc xây dựng và đặc trưng của nền văn hóa cách mạng Việt Nam; về tính khách quan của cách mạng văn hóa và vai trò, trách nhiệm của Đảng trong lãnh đạo văn hóa.

Những giá trị tinh hoa của văn hóa Việt Nam được thế giới công nhận. Ảnh: Vietnam EXPO 2020 Dubai
Những giá trị tinh hoa của văn hóa Việt Nam được thế giới công nhận. Ảnh: Vietnam EXPO 2020 Dubai

Những quan điểm của Đảng về văn hóa thể hiện rõ tầm cao tư tưởng và văn hóa, trách nhiệm rất cao của Đảng trong bảo vệ và phát triển, chấn hưng nền văn hóa dân tộc, trong xây dựng đất nước hùng cường và phồn thịnh, bảo đảm cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

Đúng 13 năm sau ngày thành lập, vào năm 1943, Đảng Cộng sản Đông Dương công bố "Đề cương văn hóa Việt Nam" do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo. Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lê-nin về văn hóa, kế thừa những giá trị cao đẹp của nền văn hóa truyền thống của dân tộc, "Đề cương văn hóa Việt Nam" đề ra những vấn đề rất cơ bản, rất đúng đắn, giàu sức sáng tạo về nội hàm, tư tưởng chỉ đạo, nguyên tắc, mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng văn hóa Việt Nam.

Đề cương xác định văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật và nghệ thuật; có mối quan hệ biện chứng với kinh tế, chính trị, người cộng sản phải làm "cách mạng văn hóa"; cách mạng văn hóa chỉ có thể hoàn thành sau cách mạng chính trị thành công; cách mạng văn hóa ở Việt Nam phải dựa vào cách mạng giải phóng dân tộc mới có điều kiện phát triển. Văn hóa có vị trí, vai trò to lớn, chỉ có hoàn thành cách mạng văn hóa mới có thể hoàn thành cuộc cải tạo xã hội; có lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới có thể gây ảnh hưởng và sự tuyên truyền mới có hiệu quả. Nền văn hóa cách mạng nước ta sẽ là "nền văn hóa xã hội chủ nghĩa", tuy nhiên, trong giai đoạn đầu là "nền văn hóa mới" "có tính chất dân tộc về hình thức và tân dân chủ về nội dung". Nền văn hóa mới phải bảo đảm ba nguyên tắc, cũng là ba đặc trưng: Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập); Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa rời quần chúng); Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ).

Đề cương nhấn mạnh: Văn hóa cách mạng Việt Nam phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; Đảng phải có trách nhiệm lãnh đạo mặt trận văn hóa: "Mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động".

Với những nội dung cơ bản, trọng yếu và xuyên suốt, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, cấp bách của thực tiễn công cuộc cứu nước, bảo vệ nền văn hóa dân tộc, vừa vạch ra một phương hướng chiến lược đúng đắn xây dựng nền văn hóa cách mạng Việt Nam trong tương lai, "Đề cương văn hóa Việt Nam" chính là Cương lĩnh đầu tiên về cách mạng văn hóa của Đảng.

Những quan điểm của Đảng trong "Đề cương văn hóa Việt Nam" tiếp tục được bổ sung, phát triển một cách nhất quán trong 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, phát huy vai trò của văn hóa, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, quan điểm của Đảng về cách mạng văn hóa trong giai đoạn mới là xây dựng nền văn hóa có nội dung xã hội chủ nghĩa và tính dân tộc.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (1986) khởi đầu những tư duy đổi mới về đường lối văn hóa, khẳng định xây dựng một nền văn hóa, văn nghệ xã hội chủ nghĩa đậm đà bản sắc dân tộc. Tư duy đổi mới đường lối văn hóa được tiếp tục bổ sung và phát triển trên các chặng đường đổi mới. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (1996) đề ra chủ trương "xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", khẳng định: "văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội". Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (1998), đề ra một chiến lược văn hóa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhấn mạnh: "xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là bộ phận quan trọng của sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa". Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) khẳng định: "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển". Đại hội lần thứ XIII của Đảng (năm 2021) đưa ra quan điểm chỉ đạo về tầm nhìn và định hướng văn hóa: "phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần"; "Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hoá, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc".

Những quan điểm đúng đắn của Đảng về văn hóa đã được kiểm nghiệm bằng những thắng lợi của cách mạng cũng như những phát triển to lớn, rạng rỡ của nền văn hóa Việt Nam trên những chặng đường lịch sử đã qua.