Nghịch lý thiếu - thừa

“Thừa không chi được - thiếu lần chẳng ra”, hay tình trạng kết dư các quỹ ngắn hạn quá lớn là sự bất hợp lý đang tồn tại, khiến cho người lao động vốn khốn khó vì dịch bệnh càng thêm khó. Trách nhiệm của các cơ quan, bộ, ngành có liên quan quản lý đến đâu trong việc bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả của Quỹ Bảo hiểm xã hội (BHXH)?

Biểu đồ: ANH NGỌC
Biểu đồ: ANH NGỌC

Đóng nhiều, hưởng ít, hoặc là cả hai! 

Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 7/2021, toàn quốc có khoảng 16 triệu người tham gia BHXH, chiếm 32,08% lực lượng lao động, trong đó gồm hơn 14,7 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; gần 1,2 triệu người tham gia BHXH tự nguyện; hơn 13 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; hơn 85 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) - đạt tỷ lệ bao phủ 87,17% dân số… Tổng số thu của toàn ngành là 224.529 tỷ đồng, đạt 56,18% kế hoạch. Thẩm tra sơ bộ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh lưu ý, nếu không có giải pháp phù hợp sẽ khó đạt được mục tiêu đến năm 2021 có 35% và đến năm 2025 có 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH. Đáng lưu ý, là tình trạng các quỹ ngắn hạn (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp) có kết dư lớn, thậm chí lớn đến mức bất bình thường.

“BHXH là quỹ ngoài ngân sách lớn nhất, chỉ sau ngân sách nhà nước và lại gần với ngân sách nhất, vì phần ngân sách đóng vào cho quỹ này tới 19%. Vì thế nên có liên quan trách nhiệm rất nhiều bộ, ngành. Quản lý Nhà nước về BHXH thì Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Quỹ BHYT thì Bộ Y tế, quản lý nhà nước về quỹ ngoài ngân sách lại là Bộ Tài chính”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phân tích tại phiên họp thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH. Lưu ý đến nguyên tắc của Quỹ là đóng - hưởng, có đóng mới có hưởng, ai đóng thì người đó hưởng trong từng niên độ tài chính, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, dù các quỹ ngắn hạn có số dư lớn, cũng không thể chi vào các việc khác, kể cả cho việc mua sắm thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch - vì đấy là nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi trực diện: “Liệu có phải chúng ta quy định mức đóng quá lớn, tạo ra gánh nặng cho người sử dụng lao động, tức là các doanh nghiệp và cả ngân sách nhà nước? Hoặc mức chi quá ít, chính sách chi hạn hẹp, người lao động không được thụ hưởng xứng đáng? Và cũng không loại trừ đang tồn tại cả hai: mức đóng cũng cao mà mức chi thì ít”. 

Làm sao để Quỹ phát huy hết tác dụng

Ở phạm trù “chi ra quá ít”, cũng phải thấy rằng khả năng tiếp cận chính sách của người lao động có những hạn chế nhất định - họ không biết hoặc không thể yêu cầu được giải quyết quyền lợi chính đáng của mình. Công tác truyền thông chính sách từ các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan BHXH, vì thế, hết sức quan trọng. Bên cạnh đó là tổ chức công đoàn cần phát huy vai trò bảo vệ quyền lợi của người lao động. Một thuận lợi lớn là hiện nay, Bộ luật Lao động đã cho phép tổ chức công đoàn cấp trên được đại diện cho lợi ích của người lao động tại từng doanh nghiệp không có tổ chức công đoàn.

Một khía cạnh khác cũng cần đề cập là nuôi dưỡng nguồn thu cho quỹ. Dù không thể sử dụng kết dư các quỹ ngắn hạn nói trên cho các mục đích chi khác, song Quỹ BHXH lại có thể sử dụng để đầu tư sinh lời. Trước đến nay, khoản quỹ chủ yếu là mua trái phiếu Chính phủ, chứng chỉ tiền gửi… Đây là những hình thức đầu tư khá an toàn, nhưng lãi thực rất thấp, chỉ mang tính bảo tồn quỹ chứ chưa đạt mục tiêu phát triển. Giải pháp nào để phát triển nguồn thu một cách hiệu quả, đúng pháp luật? Thuyền trưởng con tàu BHXH có đủ nhanh nhạy và quyết đoán để đưa ra quyết định hay không…?

Để có những giải pháp căn cơ nhằm hóa giải nghịch lý thừa - thiếu nêu trên, sẽ phải chờ Quốc hội, song Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã chỉ ra, tình trạng này sẽ được khắc phục khi và chỉ khi có báo cáo cụ thể, tường minh từng mục chi (chứ không phải cả gói), tạo cơ sở kết luận và điều chỉnh chính sách.

Để Quốc hội có thể đưa ra quyết định, trước hết các cơ quan chức năng cần khẩn trương tổng kết việc thi hành Luật BHXH, trong đó có sự kết nối thông tin chặt chẽ với quá trình quản lý Quỹ BHXH để sớm trình đề xuất, đưa vào chương trình xây dựng pháp luật dự án Luật BHXH (sửa đổi), theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương số 28/NQ-TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH. 

“Quốc hội tại kỳ họp thứ hai vào tháng 10 tới đây sẽ bố trí thảo luận về Quỹ BHXH chứ không phải chỉ gửi báo cáo để tham khảo”, Chủ tịch Quốc hội quả quyết.

Trong điều kiện tình hình thất nghiệp, thiếu công ăn việc làm và thu nhập của người lao động đang rất đáng quan ngại, mà Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp có kết dư tới gần 90.000 tỷ đồng là “quá lớn và bất hợp lý” - Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.