Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV

Nâng cao trách nhiệm "tư lệnh ngành"

Ở tuần làm việc thứ ba của kỳ họp, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra trong hai ngày rưỡi (7-9/6), được cử tri và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Những vấn đề "nóng nhất" trong các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài chính, ngân hàng và giao thông vận tải được đưa ra để các đại biểu chất vấn, từ đó làm rõ hơn những vướng mắc, trách nhiệm "tư lệnh ngành", để hoạch định những chính sách sát hợp với thực tế hơn.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đại Thắng nêu câu hỏi chất vấn tại Hội trường. Ảnh: Nguyễn Đăng
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đại Thắng nêu câu hỏi chất vấn tại Hội trường. Ảnh: Nguyễn Đăng

PHÁT huy cơ chế "hỏi nhanh, đáp gọn" đã được hoàn thiện từ các kỳ họp trước, nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã được các đại biểu chất vấn sôi nổi. Đó là, công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phối hợp xây dựng cơ chế, chính sách xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường nông sản. Giải pháp ổn định thị trường, kiểm soát sự biến động giá của một số mặt hàng nông sản, thủy sản, thức ăn chăn nuôi, vật tư nông nghiệp. Việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển bền vững.

Lần đầu đăng đàn trả lời chất vấn, nhờ nắm rõ tình hình, thực trạng, vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nhìn chung trả lời đầy đủ, bao quát các vấn đề được đặt ra, đồng thời gợi mở nhiều định hướng lớn và đề xuất một số giải pháp cụ thể.

Theo dõi phiên chất vấn thứ nhất qua truyền hình, ông Bì Ngũ Hoàng (Công ty TNHH Tuệ Hưng, Hà Nội) quan tâm đến vấn đề, bao giờ khắc phục được tình trạng giá vật tư tăng cao, tình trạng được mùa mất giá, người dân phải tự xoay xở với thị trường…? Tuy nhiên, cử tri Bì Ngũ Hoàng chưa thấy sự thuyết phục trong lập luận "còn phụ thuộc vào sự năng động của chính quyền địa phương" mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra. "Tôi cũng ấn tượng với cách điều hành của Chủ tọa kỳ họp. Bao quát vấn đề, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã không ít lần thẳng thắn: Nếu trả lời "điểm nghẽn", "ách tắc" ở đâu hỏi địa phương thì vai trò của Bộ trưởng ở đâu, và "cần gì cuộc chất vấn này nữa" đề nghị Bộ trưởng trả lời thẳng cụ thể về thực trạng đại biểu đặt ra", cử tri Bì Ngũ Hoàng chia sẻ.

HÀNG loạt vấn đề đặt ra ở nhóm vấn đề thứ hai thuộc lĩnh vực tài chính cũng là trăn trở của nhiều đại biểu. Theo đó, tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội; công tác quản lý giá, mua sắm công và kiểm soát lạm phát; thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; hoạt động của thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua,... cũng đều là mối âu lo của cả đại biểu và các cử tri. Không chỉ chất vấn, không ít đại biểu đã gợi mở thêm những giải pháp khắc phục bất cập về tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp hay quản lý doanh thu đối với hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, tránh việc gian lận, trốn thuế từ hoạt động này-như đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên Nguyễn Đại Thắng và một số đại biểu khác đề cập.

Bên cạnh các nội dung trực tiếp thuộc lĩnh vực Bộ Tài chính quản lý được Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời, những nội dung liên quan bộ, ngành khác cũng được các "tư lệnh" ngành đăng đàn trả lời. Như trước câu hỏi của các đại biểu về vấn đề giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, thời gian sắp tới, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện các thủ tục cần thiết để trình Chính phủ, Quốc hội giải pháp ổn định và lâu dài về vấn đề giá sách giáo khoa.

Cùng với lĩnh vực tài chính là lĩnh vực ngân hàng (nội dung chất vấn thứ ba) với nhiều vấn đề nóng được các đại biểu đặt câu hỏi như việc phối hợp chính sách tài khóa về kiểm soát lạm phát, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho rằng đây là vấn đề toàn cầu, nền kinh tế của chúng ta có độ mở cửa rất lớn, sản xuất trong nước phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu các nguyên nhiên vật liệu từ nước ngoài, nên cũng chịu áp lực của lạm phát. Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt vấn đề này, trong những tháng đầu năm, lạm phát của nước ta vẫn ở mức kiểm soát được...

VÀ, nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, đề cập tiến độ, chất lượng và công tác phòng, chống thất thoát, lãng phí trong việc triển khai các dự án, công trình giao thông trọng điểm quốc gia, hệ thống đường cao tốc. Công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng các công trình giao thông được đầu tư từ ngân sách nhà nước. Thực trạng và giải pháp xử lý các tồn đọng trong đầu tư, khai thác, kinh doanh các dự án giao thông theo hình thức BOT.

Ngoài các trưởng ngành chịu trách nhiệm chính trả lời, trong các phiên chất vấn, các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, trưởng ngành Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Xây dựng; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán Nhà nước; Thông tin và Truyền thông; Văn hóa, Thể thao và Du lịch,... cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Cùng sự trông đợi tinh thần trách nhiệm cao hơn nữa của các "tư lệnh ngành", đông đảo cử tri và nhân dân cả nước kỳ vọng vào nội dung trả lời chất vấn của đại diện Chính phủ, vào kết luận, làm rõ trách nhiệm cụ thể được Chủ tọa kỳ họp đưa ra. Đặc biệt, những nội dung sẽ được đưa vào nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp lần này được cử tri quan tâm bởi đó là cơ sở pháp lý cho các đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân thực hiện chức năng giám sát, đôn đốc tiến độ thực hiện trong thực tiễn.

Cùng bàn về trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành, trả lời câu hỏi của phóng viên Nhân Dân cuối tuần về công tác kỷ luật cán bộ ngay tại kỳ họp này, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim (tỉnh Thái Bình) chia sẻ: "Đau lắm, buồn lắm, một số cán bộ vừa bị kỷ luật như những con sâu làm rầu nồi canh. Nhưng cũng cần phải xem xét lại về mặt quy trình bổ nhiệm và cả cơ chế giám sát; lựa chọn, đưa cán bộ vào vị trí thử thách rồi, nhưng phải kiểm tra thường xuyên-tránh những sự việc đáng tiếc tương tự".