Luật hóa quyền dân chủ ở cơ sở

Nhằm bảo đảm chủ trương của Đảng và Nhà nước về "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" được thể chế hóa phù hợp điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước, dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022). Đây là lần đầu các quy định về dân chủ ở cơ sở được pháp điển hóa.

Các đại biểu dự lớp tập huấn nghiệp vụ Thanh tra Nhân dân và Giám sát đầu tư cộng đồng tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu. Ảnh: YẾN NHI
Các đại biểu dự lớp tập huấn nghiệp vụ Thanh tra Nhân dân và Giám sát đầu tư cộng đồng tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu. Ảnh: YẾN NHI

Vẫn có thể làm tốt hơn

Thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 18/2/1998 của Bộ Chính trị, các cơ quan có thẩm quyền đã ban hành nhiều văn bản quy định về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong báo cáo vừa được gửi tới Quốc hội, Chính phủ nhận định, kết quả thực hiện dân chủ ở cơ sở thời gian qua đã góp phần xây dựng môi trường chính trị dân chủ, cởi mở, thực hiện tốt hơn quyền làm chủ của nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ. Thực hiện dân chủ trong cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập đã làm chuyển biến về ý thức, đạo đức, phong cách, lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là người có chức vụ, quyền hạn theo hướng gần dân, trọng dân và có trách nhiệm với nhân dân. Thực hiện dân chủ tại các loại hình doanh nghiệp đã bảo đảm quyền của người lao động được biết, được bàn, được kiểm tra, giám sát và được quyết định các vấn đề liên quan quyền và lợi ích của mình, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động...

Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn thi hành pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở trong thời gian qua cũng bộc lộ những bất cập, hạn chế. Đáng lưu ý hơn cả là, phạm vi nội dung nhân dân có thể bàn và quyết định còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu và sự kỳ vọng của nhân dân cũng như tinh thần mở rộng dân chủ trực tiếp tại Nghị quyết của Đảng và Hiến pháp năm 2013.

Đơn cử, theo quy định tại Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, người dân chỉ bàn và quyết định đối với hai nội dung, gồm "chủ trương và mức đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng trong phạm vi cấp xã, thôn, tổ dân phố do nhân dân đóng góp toàn bộ hoặc một phần kinh phí" và "các công việc khác trong nội bộ cộng đồng dân cư phù hợp với quy định của pháp luật". Đối với các nội dung nhân dân bàn và biểu quyết, kết quả biểu quyết của nhân dân chỉ được thi hành khi được cơ quan có thẩm quyền công nhận, đồng thời, pháp luật không quy định cụ thể các cơ sở để công nhận và thi hành kết quả biểu quyết của nhân dân.

Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 cũng chưa có quy định về sáng kiến nhân dân-hình thức để người dân đề xuất sáng kiến, đưa ra để cộng đồng dân cư hoặc cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Để khắc phục những bất cập này, tới đây, ở dự án Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn (được đề nghị đổi tên thành "Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở" để có phạm vi bao quát rộng hơn), phạm vi các vấn đề nhân dân bàn và quyết định trực tiếp sẽ được mở rộng. Cùng với đó, Luật còn quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền đối với việc công nhận quyết định của cộng đồng dân cư (phạm vi, thẩm quyền và căn cứ công nhận); quy định về sáng kiến nhân dân (nhân dân có quyền đề xuất các vấn đề đưa ra cộng đồng dân cư bàn bạc, quyết định).

Trong doanh nghiệp thì sao?

Quá trình công bố xin ý kiến và thẩm định, nhiều điểm mới trong dự thảo Luật đã được ghi nhận, đánh giá cao. Đó là bổ sung nguyên tắc "mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở"; là cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, đặc biệt đã bổ sung quy định về ủy quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Cũng theo dự thảo Luật, việc kịp thời phản ánh, kiến nghị, báo cáo cơ quan có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở không chỉ là "quyền" mà còn là "nghĩa vụ".

Hơn thế, trong các môi trường cụ thể (xã, phường, thị trấn; đơn vị; doanh nghiệp), dự thảo đều có những nội dung mới theo hướng mở rộng phạm vi công khai thông tin; đa dạng hóa hình thức công khai thông tin; bổ sung các vấn đề nhân dân bàn và quyết định trực tiếp; bổ sung hình thức kiểm tra, giám sát thông qua hoạt động lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với chức danh lãnh đạo, quản lý… Một điểm mới quan trọng nữa là thiết chế Thanh tra Nhân dân (hiện được điều chỉnh tại Luật Thanh tra) sẽ chuyển sang quy định tại dự án Luật này.

Trong khi cơ bản thống nhất về nội dung dự thảo, có một vấn đề còn ý kiến khác nhau liên quan việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp.

Loại ý kiến thứ nhất (và cũng là phương án được Chính phủ lựa chọn) là cùng với việc đổi tên dự án Luật là "Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở", Luật sẽ quy định mang tính nguyên tắc về việc thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp; còn nội dung, hình thức, cách thức cụ thể về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và quy định của Chính phủ.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị dự án Luật không quy định về thực hiện dân chủ tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu thực hiện theo loại ý kiến này thì việc quy định về Thanh tra Nhân dân, trong đó có nội dung về thành lập Ban Thanh tra Nhân dân tại các doanh nghiệp nhà nước (trong dự án Luật này) sẽ không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và bao quát toàn bộ đối tượng và phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở hiện nay còn tản mạn, có sự chồng chéo, quy định ở các văn bản có hiệu lực pháp lý khác nhau. Như: Nghị quyết số 55/NQ-UBTVQH10 ngày 30/8/1998 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan; Pháp lệnh số 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 9/1/2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 145/2020/NĐ-CP ngày 14/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về điều kiện lao động và quan hệ lao động.