Lửa thử vàng, gian nan thử… cán bộ

Cho đến nay, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng tình hình đã trong tầm kiểm soát. Hai năm phòng, chống dịch vừa qua, với các giai đoạn cũng đủ dài để nhìn thấy nhiều điều, rút ra nhiều kinh nghiệm về năng lực quản lý, điều hành của chính quyền nói chung, chính quyền địa phương nói riêng.

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở được phát huy mạnh mẽ. Ảnh: Hoàng Tuyết
Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, vai trò của đội ngũ cán bộ cơ sở được phát huy mạnh mẽ. Ảnh: Hoàng Tuyết

Từ "nút thắt" nhận thức

Trước và trong thời điểm cao trào của đại dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống dịch, chăm lo đời sống, bảo vệ sức khỏe nhân dân và phát triển kinh tế-xã hội; ban hành kịp thời nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn. Những giải pháp đó chỉ có thể đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả nhờ sự nỗ lực, sáng tạo và tận tâm của chính quyền địa phương các cấp. Nhờ thế mà chúng ta đã chứng kiến một Bắc Giang một mặt khoanh vùng dập dịch, mặt khác vẫn tiêu thụ được lượng nông sản rất lớn, đặc biệt là trái vải trong mùa chín rộ, hạn chế tối đa thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp. Bùng phát từ tháng 5/2021, đặc biệt là lây lan nhanh trong các khu công nghiệp với hàng chục nghìn công nhân, nhưng trong chưa đầy hai tháng, tỉnh Bắc Giang đã khoanh vùng và dập được toàn bộ dịch trong các khu công nghiệp. Hàng trăm nghìn lao động đã đi làm trở lại bình thường (trước khi dịch bùng phát địa phương này có tổng cộng 150.000 công nhân làm việc trong các khu công nghiệp), gần như trước khi có dịch.

Thế nhưng, nhìn lại diễn biến của các đợt bùng dịch vừa qua, phải rất thẳng thắn thừa nhận, năng lực điều phối để ứng phó sự cố khẩn cấp quy mô lớn của chính quyền địa phương-kể cả chính quyền các đô thị lớn với nhiều nhân lực, vật lực, phương tiện… - vẫn rất hạn chế. Sự lúng túng thể hiện rõ trong các quy định lòng vòng và lắm khi bất hợp lý trong kiểm soát hệ thống vận chuyển, logistics, đi lại của doanh nghiệp, của người dân đã dẫn đến sự đứt gãy của hệ thống cung ứng, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

"Thời gian qua có nhiều địa phương, nhiều lúc đã ngăn sông, cấm chợ và cách ly một cách vô lý, tràn lan, làm phân tán, tốn kém, suy giảm nguồn lực, trong khi lại bỏ quên những chỗ nguy cơ thật sự cần tập trung cứu chữa, phòng ngừa", luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật ANVI (Hà Nội) nói.

Phát biểu tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhận xét rất xác đáng rằng, Chính phủ đã chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc về lưu thông hàng hóa, giao thông vận tải, kiên quyết không ban hành giấy phép con, không chia cắt, nhưng tại một số thời điểm, "có nơi quá lo lắng nên đã đặt ra yêu cầu cao hơn, đặt ra giấy tờ không phù hợp đi qua chốt kiểm soát, gây khó khăn, bức xúc cho người dân. Một số địa phương chưa tạo điều kiện cho người dân từ thành phố lớn về quê chống dịch".

Bà Mai Hoa nhắc lại đầy trăn trở việc có một bộ phận cán bộ cơ sở lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch, thậm chí có cán bộ trong thời gian giãn cách đi chơi golf, nhưng khi bị phát hiện lại khai báo không trung thực. Có trường hợp xô xát giữa cán bộ và nhân viên lấy mẫu xét nghiệm, quá cứng nhắc, lạm quyền với người dân nên có cách hành xử không phù hợp; hoặc xa rời thực tế như việc coi bánh mì không phải là mặt hàng thiết yếu… Tuy không phổ biến, nhưng điều này tạo ra hình ảnh phản cảm, phần nào làm giảm uy tín của chính quyền cấp cơ sở.

… đến khắc phục

Chỉ ra "nút thắt" nhận thức, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, cần áp dụng một chế độ trách nhiệm công bằng và cân bằng giữa hai mục tiêu: phòng, chống dịch và phát triển kinh tế-xã hội. "Nếu chỉ áp đặt cho lãnh đạo địa phương trách nhiệm về việc để xảy ra Covid-19 lây lan thì họ sẽ không để tâm đến mục tiêu kinh tế. Cần tháo gỡ vướng mắc ở các thủ tục, chính sách cần thiết, tạo nên sự nhất quán trong hành xử từ trung ương đến địa phương", ông nói. Cụ thể hơn, TS Dũng đề nghị, nếu như trước đây chế độ trách nhiệm là: "Để dịch bệnh bùng phát người đứng đầu phải chịu trách nhiệm", thì nay cần điều chỉnh thành: "Phải kết hợp hài hòa giữa khống chế dịch bệnh với phục hồi kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, không đạt được mục tiêu này người đứng đầu phải chịu trách nhiệm".

Thấy rõ vấn đề này, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15, tạm trao cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều quyền đặc biệt, đặc thù, tạo sự chủ động trong điều hành kinh tế-xã hội, bảo đảm hoàn thành "mục tiêu kép". Sau đó, Nghị quyết 128 cũng được Chính phủ ban hành, tạo ra khuôn khổ thể chế quan trọng để sống chung an toàn với dịch.

Đây chính là phép thử cho kết quả rõ ràng nhất, là cơ sở đáng tin cậy để đánh giá tính linh hoạt quyết đoán và dám chịu trách nhiệm của chính quyền các địa phương.

Tuy nhiên, còn một vấn đề sâu xa hơn, cũng là thách thức cực lớn đối với các địa phương trên cả nước. Đó là khả năng đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch của y tế tuyến cơ sở và năng lực điều hành hệ thống y tế cơ sở. Đối với các đô thị lớn, trung tâm kinh tế, đó còn là khả năng quản lý và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, đặc biệt là lao động nhập cư. Đây đều là những vấn đề liên quan đến năng lực địa phương, nhưng phải được giải quyết ở tầm quốc gia và thậm chí cần phải là ưu tiên số một trong chính sách phát triển của hàng thập niên trước mắt.

"Lửa thử vàng, gian nan thử sức", hay nói như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ứng phó dịch bệnh cũng là một thử thách để đánh giá cán bộ. Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường; tuy để lại những hậu quả hết sức nặng nề, nhưng một lần nữa để chúng ta thấy rõ rằng, nâng cao chất lượng quản trị quốc gia nói chung và năng lực của chính quyền địa phương nói riêng là nhiệm vụ bức thiết hơn bao giờ hết.