Kinh tế Việt Nam phục hồi ấn tượng

Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng nhanh, ảnh hưởng xung đột giữa Nga-Ukraine, giá nhiên liệu tăng cao,... nhưng những tháng đầu năm 2022, nền kinh tế Việt Nam vẫn lấy được đà tăng trưởng tích cực, là một trong những nền kinh tế có tốc độ phục hồi nhanh chóng với nhiều triển vọng.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2022 vẫn giữ được nhịp tăng trưởng khả quan. Ảnh: Đình Nam
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2022 vẫn giữ được nhịp tăng trưởng khả quan. Ảnh: Đình Nam

Xuất khẩu giữ nhịp tăng trưởng

Số liệu Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong hai tháng đầu năm 2022 vẫn giữ được nhịp tăng trưởng khả quan. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 108,52 tỷ USD, tăng 13% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 10,2%; nhập khẩu tăng 15,9%. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2022 ước đạt 22,95 tỷ USD; tính chung hai tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 53,79 tỷ USD, tăng 10,2% so cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 14,29 tỷ USD, tăng 24,1%, chiếm 26,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 39,5 tỷ USD, tăng 5,9%, chiếm 73,4%. Đáng chú ý, có chín mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 1 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu tăng trưởng ổn định ở nhiều lĩnh vực. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng nông-lâm-thủy sản hai tháng đầu năm ước đạt gần 14,2 tỷ USD, tăng 15,8% so cùng kỳ năm trước. Ở lĩnh vực dệt may, da giày cho thấy những tín hiệu tích cực về thị trường và đơn hàng xuất khẩu, trong đó nhiều đơn vị đã ký được hợp đồng với đối tác đến hết quý II/2022. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho hay, hiện nay, toàn bộ mặt hàng truyền thống của May 10 đều kín đơn hàng đến hết tháng 6/2022. Thậm chí, một số mặt hàng như veston sau khoảng 15 tháng liên tiếp bị sụt giảm đơn hàng vì đại dịch, thì năm nay đã kín đơn hàng đến hết tháng 9 này, doanh nghiệp đang mở rộng năng lực sản xuất.

Về thị trường, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 16,83 tỷ USD; nhập khẩu từ Mỹ ước đạt 2 tỷ USD; xuất siêu sang Mỹ đạt 14,83 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 19,7 tỷ USD, nhập siêu từ Trung Quốc đạt 12,5 tỷ USD; xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 7,18 tỷ USD.

Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương Trần Thanh Hải cho biết: Sau hơn hai năm hoạt động trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các doanh nghiệp đã có nhiều đổi mới, cải tiến cách thức tổ chức sản xuất, ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, tính linh hoạt và khả năng đáp ứng với những biến động của hoạt động thương mại quốc tế cũng tốt hơn. Các doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội từ nhu cầu hàng hóa hồi phục để đẩy mạnh xuất khẩu, cũng như tận dụng hiệu quả hơn ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Tác động từ xung đột Nga-Ukraine

Cuộc xung đột giữa Nga-Ukraine là nguyên nhân làm tăng giá trên thị trường một số mặt hàng nhiên liệu, nguyên liệu phục vụ sản xuất, tiêu dùng như khí đốt-dầu mỏ, lúa mì, nhôm, nickel, ngô..., do thị phần sản xuất và xuất khẩu của các nước trên rất lớn.

Theo thống kê, hiện Nga xuất khẩu khoảng năm triệu thùng dầu thô mỗi ngày, chiếm khoảng 12% kim ngạch thương mại toàn cầu và khoảng 2,5 triệu thùng/ngày đối với các sản phẩm dầu mỏ, chiếm khoảng 10% kim ngạch thương mại toàn cầu. Nga cũng là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hàng đầu và khách hàng lớn nhất của nước này là châu Âu. Đối với mặt hàng nhôm và nickel, Nga cũng là nhà cung cấp lớn thứ ba thế giới. Riêng đối với mặt hàng lúa mì, Nga và Ukraine chiếm tới một phần tư nguồn cung xuất khẩu lúa mì của thế giới.

Về vận chuyển, lưu thông hàng hóa, hiện một số hãng tàu biển đã từ chối nhận đơn hàng vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam đi Nga. Giá cước vận tải sẽ tiếp tục tăng cao cùng với sự chậm trễ trong vận chuyển sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương mại hàng hóa. Ngoài ra, việc cấm vận hàng không cũng sẽ dẫn đến các hãng hàng không phải chọn đường bay dài hơn, chi phí tăng, áp lực gia tăng lên hệ thống vận chuyển logistics toàn cầu và giá cả hàng hóa.

Liên tiếp trong thời gian vừa qua, Mỹ và các nước phương Tây đã đưa ra hàng loạt lệnh trừng phạt nhắm vào hệ thống ngân hàng, tài chính của Nga. Đặc biệt, là loại bảy ngân hàng thương mại lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cũng như trừng phạt Ngân hàng trung ương Nga, phong tỏa các tài sản của ngân hàng này ở nước ngoài... Ngoài ra, tỷ giá đồng rúp biến động, mất giá đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các hoạt động giao dịch, thanh toán.

Theo các chuyên gia kinh tế, tuy Nga và Ukraine chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, thế nhưng là nước có độ mở kinh tế rất cao, hội nhập rất sâu vào kinh tế toàn cầu, do đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ cuộc xung đột giữa này.

Trong bối cảnh chịu tác động của xung đột Nga-Ukraine, Bộ Công thương khuyến nghị các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu lưu ý áp dụng các biện pháp phòng ngừa rủi ro khi giao kết hợp đồng với khách hàng nước ngoài trong thời gian tới. Đối với các doanh nghiệp đang có hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu với thị trường Nga và Ukraine, cần chủ động làm việc với các đối tác nhập khẩu về thanh toán, tiến độ giao hàng,... để tránh rủi ro, bảo đảm quyền lợi. Áp dụng các phương thức thanh toán an toàn hơn, cân nhắc thấu đáo trong lựa chọn các ngân hàng thanh toán, đặc biệt là trong bối cảnh cấm vận, trước khi giao kết hợp đồng. Các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa các ưu đãi trong 15 FTA giữa Việt Nam và các nước để đa dạng hóa thị trường…

Thương mại hai chiều giữa Việt Nam-Nga trong năm 2021 đạt 7,1 tỷ USD tăng 26% so năm 2020, chiếm hơn 1% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam và đứng thứ 21 trong số các đối tác thương mại chính của Nga. Thương mại hai chiều giữa Việt Nam-Ukraine trong năm 2021 đạt 720 triệu USD, tăng 50% so năm 2020, chiếm 0,1% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam.

Nguồn: Bộ Công thương