Kết thúc kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Kiểm tra, giám sát để hấp thụ hiệu quả nguồn lực

Tại phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ nhất diễn ra chiều 11/1, với 424/426 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế, xã hội, tài chính, ngân sách để hỗ trợ cho Chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Vấn đề tiếp theo là việc thực thi Nghị quyết thế nào, làm sao để hấp thụ hiệu quả nguồn lực từ các chính sách mới này?

Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề về gói hỗ trợ. Ảnh: KHOA LINH
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề về gói hỗ trợ. Ảnh: KHOA LINH

Tác động của đại dịch Covid-19 trong hơn hai năm qua đã ảnh hưởng nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, người lao động gặp nhiều khó khăn, tốc độ phục hồi kinh tế chậm, có nguy cơ lỡ nhịp với kinh tế thế giới. Trước bối cảnh ấy, nhiều nội dung hết sức quan trọng của kỳ họp bất thường này sẽ tác động không chỉ cho năm 2022 mà cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo; được đồng bào, cử tri, dư luận trong và ngoài nước, cộng đồng doanh nghiệp hết sức quan tâm.

Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Tinh thần và kết quả của kỳ họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa XV đã tạo ra những khí thế mới, thời cơ mới, cùng với các chính sách mới được ban hành...".

Điểm nhấn trong các chính sách mới lần này là Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350 nghìn tỷ đồng nhằm chủ động trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển bền vững kinh tế-xã hội; trọng tâm thực hiện trong hai năm 2022 và 2023, tập trung cho các lĩnh vực: y tế, phòng, chống dịch Covid-19; an sinh xã hội, lao động và việc làm; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và khắc phục hậu quả thiên tai.

Trước đó, tại các phiên thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu đã thống nhất về quy mô gói chính sách tài khóa, tiền tệ, song đề nghị cần rà soát lại việc phân bổ nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm và khả thi trong thực hiện, trong hấp thụ vốn. Các đại biểu cũng rất lưu ý việc tăng cường kiểm tra, giám sát, tránh lãng phí, thất thoát, tiêu cực, trục lợi chính sách và bảo đảm các cân đối vĩ mô, an ninh tiền tệ, an toàn tài chính quốc gia và phát triển bền vững. Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) đề nghị, sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, Chính phủ cần có các giải pháp, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện ngay, kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn theo quy định. Đồng thời có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ cơ quan chủ trì, người chịu trách nhiệm chính thực hiện; thường xuyên đôn đốc, giám sát, kiểm tra và định kỳ đánh giá hiệu quả thực hiện từng nội dung, nhiệm vụ của chương trình; linh hoạt và kịp thời điều chỉnh các nhiệm vụ chi phù hợp từng giai đoạn triển khai nhằm phát huy hiệu quả cao nhất để phục hồi, phát triển kinh tế trong bối cảnh thích ứng an toàn với dịch Covid-19.

Đề cập đến việc đưa Nghị quyết vào cuộc sống, nhấn mạnh vai trò của cán bộ, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) lưu ý, "trong giai đoạn này chúng ta đang thực hiện những giải pháp rất đặc biệt, rất đặc thù và đồng thời cần một chương trình hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Bên cạnh việc chống tham nhũng, chống trục lợi thì phải thực hiện kiên quyết cơ chế bảo vệ cán bộ của Đảng và Nhà nước".

Mặc dù, ủng hộ chính sách tài khóa, tiền tệ nhưng không ít đại biểu còn băn khoăn khi gói giải pháp này chỉ mang ý nghĩa là hỗ trợ, đúng theo tên gọi của nó. Thực tiễn cho thấy, muốn bảo đảm thực hiện thành công, hiệu quả gói hỗ trợ này, cần thúc đẩy những biện pháp toàn diện, những giải pháp "phi tài chính", mở cửa thị trường theo một lộ trình chủ động. Bên cạnh đó, càng phải thúc đẩy nhanh tiến trình cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư. "Có rất nhiều chương trình xúc tiến các cơ quan Chính phủ đang có nguồn, các địa phương đang có nguồn thì cũng đẩy mạnh trong giai đoạn này để có thể yểm trợ cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì năng lực hấp thụ của doanh nghiệp bên cạnh khả năng tự thân, còn phụ thuộc không ít vào các biện pháp hỗ trợ và yểm trợ đó của Nhà nước", ý kiến một doanh nghiệp gửi gắm đại biểu Quốc hội.

Đặc biệt lưu ý công tác thực thi Nghị quyết, ngay từ Báo cáo thẩm tra dự thảo, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã nhấn mạnh, Chính phủ và các bộ, ngành phải cam kết, làm rõ trách nhiệm chính trị, trách nhiệm giải trình, cá thể hóa trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ, bảo đảm đúng mục tiêu, tránh lạm dụng chính sách, bảo đảm tính hiệu quả và khả thi.

Dù sao mỗi chính sách mới vẫn mang ý chí của cơ quan soạn thảo, kể cả cơ quan ban hành, để thực thi trôi chảy, đòi hỏi một sự hợp tác khoa học và đồng thuận cao của nhiều cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương, cùng nỗ lực vì những mục tiêu chung, cấp bách và cả lâu dài.