Không nên chỉ làm cho có

Mới đây, xảy ra một sự kiện tuy không để lại hậu quả nghiêm trọng, cũng không phải là vi phạm pháp luật, nhưng lại thu hút sự chú ý của công luận. Đó là việc một người dân ở Quảng Nam mất cả buổi chiều đi nhận hỗ trợ thiệt hại do bão Linfa (xảy ra tháng 10/2020), cuối cùng nhận được… 2.000 đồng! Câu chuyện này phần nào cho thấy sự bất cập trong đánh giá chính sách và cách thức thực thi chính sách.

Sau thời gian dài gây nhiều tranh cãi, quy định ô-tô con phải lắp bình cứu hỏa cũng được đề xuất gỡ bỏ. Ảnh: Hữu Khoa
Sau thời gian dài gây nhiều tranh cãi, quy định ô-tô con phải lắp bình cứu hỏa cũng được đề xuất gỡ bỏ. Ảnh: Hữu Khoa

Tính hợp lý và chi phí tuân thủ

Trên thực tế, những thí dụ dở khóc, dở cười như trên không phải là ít và không chỉ tồn tại ở cấp cơ sở, địa phương. Đơn cử, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP (Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế) quy định việc xử phạt liên quan đến uống rượu bia và sinh con một bề. Cụ thể, phạt tiền từ 500.000-1 triệu đồng với hành vi xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia; phạt từ 1-3 triệu đồng nếu ép buộc người khác uống rượu bia. Nhưng nếu áp dụng Nghị định 117, liệu có bao nhiêu người phải chịu phạt?

Tương tự, người có lời nói hoặc hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sử dụng biện pháp tránh thai hoặc người sinh toàn con trai hay sinh toàn con gái sẽ bị phạt từ 200.000-500.000 đồng (quy định này đã tăng so quy định hiện nay là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng tại khoản 1 Điều 85 Nghị định 176/2013). Mặc dù có quy định xử phạt từ năm 2013, đã có ai bị phạt vì việc chê nhau sinh con một bề? Nay nâng lên đến 500.000 đồng, liệu có thêm tính răn đe?

Quy định trang bị bình chữa cháy trên ô-tô (Thông tư 57/2015/TT-BCA của Bộ Công an) ngay từ khi ban hành đã vấp phải sự phản đối của người dân bởi lẽ, khi xảy ra sự cố như hỏa hoạn, bình chữa cháy mini không thể phát huy hiệu quả, chưa kể chính bình chữa cháy lại tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ do để trên xe trong điều kiện thời tiết mùa hè nhiệt độ lên đến 50-60 độ C trong xe, nhưng đến nay chưa được bãi bỏ, thay thế…

Cần sự đánh giá toàn diện

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những quy định "lỗi", trong đó có một nguyên nhân rất căn bản là công tác đánh giá tác động của chính sách không được thực hiện một cách nghiêm túc và toàn diện.

Pháp luật hiện hành (Điều 35 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật) và Điều 6, 7 và Điều 8 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ (dưới đây gọi tắt là Nghị định 34) quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật này đã nêu rõ yêu cầu xem xét tác động về kinh tế-xã hội của chính sách; tác động về giới của chính sách (nếu có); tác động đối với hệ thống pháp luật được đánh giá trên cơ sở phân tích, dự báo khả năng về thi hành và tuân thủ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, tác động đối với tổ chức bộ máy nhà nước, khả năng thi hành và tuân thủ của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế. Và cuối cùng (rất đúng với trường hợp được đền bù 2.000 đồng đã dẫn), cần đánh giá tác động của thủ tục hành chính trên cơ sở phân tích, dự báo về sự cần thiết, tính hợp pháp, tính hợp lý và chi phí tuân thủ để thực hiện chính sách.

Tất nhiên, việc quy định mức đền bù cụ thể chưa phải dạng văn bản quy phạm pháp luật và chắc chắn đã không được đánh giá cẩn thận như đã nêu. Nhưng những thí dụ như vừa nêu trên cho thấy cũng không thiếu những văn bản quy phạm pháp luật bị lỗi nặng vẫn được "xuất xưởng".

Ths Lê Tuấn Phong (Bộ Tư pháp) cho hay, qua rà soát, phân tích 37 báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong các đề nghị xây dựng luật từ đầu năm 2017 đến tháng 8/2020 thì thấy cả 37/37 hồ sơ đề nghị xây dựng luật đều có báo cáo đánh giá tác động chính sách, nhưng chỉ có 13/37 báo cáo đánh giá tác động của chính sách thực hiện đánh giá đầy đủ năm nội dung như yêu cầu (không tính những báo cáo nêu không có tác động về giới/thủ tục hành chính).

Đáng nói hơn, theo ông Lê Tuấn Phong, hầu hết báo cáo đánh giá tác động của chính sách còn sơ sài, chất lượng thấp. Các báo cáo chủ yếu hoặc chỉ thực hiện đánh giá định tính (22/37 báo cáo); chỉ có 7/37 báo cáo sử dụng khá nhiều số liệu khi đánh giá; 8/37 báo cáo ở mức "có sử dụng số liệu khi đánh giá tác động về kinh tế/thủ tục hành chính".

Trong khi các dự án luật về lĩnh vực xã hội (do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế chủ trì xây dựng) sử dụng khá nhiều số liệu khi đánh giá, thì các dự án luật về lĩnh vực kinh tế thường có rất ít số liệu, kể cả khi đánh giá tác động về nội dung kinh tế, mà lẽ ra đây là điều bắt buộc. "Khi thẩm định đề nghị/dự án luật, thẩm tra dự án luật và xem xét, thông qua các dự án luật, cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra và đại biểu Quốc hội chưa thật sự coi trọng xem xét báo cáo đánh giá tác động của chính sách. Hoặc, cũng có thể hiểu là báo cáo đánh giá tác động của chính sách có chất lượng tốt hay không cũng không có giá trị gì nhiều (vì luật vẫn được thông qua) và báo cáo này chỉ mang tính hình thức, cho đủ hồ sơ", ông Phong thẳng thắn nêu rõ.

Trước hết, ở tầm văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định 34 cần được sửa đổi theo hướng cụ thể hóa hơn nữa các nội dung cần đánh giá theo hai phương diện: kinh tế và xã hội. Nghị định cũng cần quy định rõ quy trình (các bước đánh giá tác động chính sách); xây dựng các tiêu chí cụ thể, theo từng lĩnh vực để phục vụ cho việc đánh giá tác động của chính sách; tăng cường sử dụng phương pháp định lượng. Tất cả các chủ thể có liên quan trong toàn bộ quá trình thẩm định, thẩm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội) cần chú trọng xem xét kỹ báo cáo đánh giá tác động của chính sách. Trường hợp báo cáo chưa đầy đủ, chưa bảo đảm chất lượng thì kiên quyết yêu cầu thực hiện đánh giá lại.

Cũng phải nói thêm rằng, Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính (trong đó có nội dung về mức chi cho việc xây dựng báo cáo đánh giá tác động của chính sách là quá thấp so yêu cầu), cần phải được sửa đổi, từ đó tạo điều kiện để thực hiện nhiều điều tra, khảo sát, tổng hợp thông tin, đánh giá thực trạng và các phương án, lấy ý kiến chuyên gia… một cách thực chất chứ không chỉ làm cho có.