Khơi dậy ý thức dân tộc

Người xưa nói "nhất thủy, nhì hỏa", là muốn nói đến mối nguy hiểm, bất ngờ và sự tàn phá kinh hoàng của nó. Thời nay, khó có thể xếp dịch dã sau "thủy" và "hỏa" được. Bởi mức độ lây lan khủng khiếp, thời gian chớp lóe, xé toạc không gian của nó. Cho nên Đảng và Nhà nước ta chủ trương "chống dịch như chống giặc".

Người dân TP Hồ Chí Minh đã trở lại nhịp sống đời thường trong bối cảnh bình thường mới. Ảnh: NSNA Trần Cao Bảo Long
Người dân TP Hồ Chí Minh đã trở lại nhịp sống đời thường trong bối cảnh bình thường mới. Ảnh: NSNA Trần Cao Bảo Long

Hơn hai năm qua, "cơn bão" dịch Covid-19 đã quét qua hơn 200 quốc gia trên thế giới và Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Bây giờ nhìn lại suốt giai đoạn đất nước gồng mình chống giặc, trước mắt chúng ta hiện lên hình ảnh những thiên thần áo trắng hối hả lên đường, bất kể thời gian, thời tiết nóng hay lạnh, bất kể địa bàn miền núi hay miền xuôi, phía nam hay phía bắc.

"Làn sóng dịch thứ tư" bùng phát ở thành phố Chí Linh-Hải Dương vào dịp Tết Tân Sửu 2021. Thế rồi từ con sóng nhỏ thành những lớp sóng, những cột sóng lớn khắp Bắc Ninh, Bắc Giang, tiếp đến là Thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phố khác. Trong rất nhiều bất ngờ, thì bất ngờ nhất có lẽ là thứ virus biến thể bùng lên, lây lan với mức siêu nhanh tại TP Hồ Chí Minh, kế đến là Bình Dương và các tỉnh lân cận. Cho đến cuối năm nay, cơn bão ấy đã khiến cho hơn một triệu người dân đất Việt bị nhiễm bệnh, và hơn 23 nghìn người vĩnh viễn ra đi, hơn 2.600 trẻ mồ côi. Thật là đau xót! Lần đầu chúng ta tổ chức một Lễ cầu siêu cho hàng vạn người tử vong vì dịch bệnh, mong cho linh hồn người ra đi siêu thoát và nói với người đang sống: Hãy đừng bao giờ quên sự may mắn, nghĩa vụ, trách nhiệm của những người đang sống!

Cùng với hình ảnh trung tâm là các thầy thuốc hết lòng vì cộng đồng là rất nhiều sự kiện, hành động dũng cảm, nhiều câu chuyện cảm động mà báo chí cả nước đã đăng tải trong suốt cả năm qua. Đó là những chiến sĩ quân đội, công an, thanh niên tình nguyện, tổ Covid cộng đồng và rất nhiều tấm gương thiện nguyện khác. Họ vào trận như một chiến binh dũng cảm, có những người đã hy sinh. Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn ở TP Hồ Chí Minh đã đến tuổi về hưu nhưng ông vẫn tình nguyện đi chống dịch, dặn vợ bao giờ dịch lui thì sẽ về. Nhưng rồi thật không may, bác sĩ Nhẫn đã nhiễm thứ virus nguy hiểm và ra đi mãi mãi! Chủ quán cơm thiện nguyện Cường Béo, tên thật là Vũ Quốc Cường. Anh ngụ phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh, mở hai quán cơm chay để giúp đỡ người nghèo khỏi đứt bữa. Quán nằm trong hẻm nhỏ nhưng luôn là địa chỉ thân thuộc của hàng nghìn người nghèo nơi đây. Dịch bệnh bùng phát, Cường cùng bạn bè tiếp tục lập bếp cơm từ thiện để phục vụ tuyến đầu chống dịch. Hai tháng sau Cường bị nhiễm bệnh rồi qua đời, trên môi anh vẫn nở nụ cười, như lời dặn những người ở lại đừng bao giờ bỏ cuộc vì sự sống của bà con mình. Chúng ta nhớ đến rất nhiều, rất nhiều những anh chị em khác làm những công việc thầm lặng trên mặt trận phòng, chống tội phạm, làm chủ những cửa hàng 0 đồng, quán cơm 0 đồng, "cây ATM" gạo miễn phí… đã nhiễm bệnh và hy sinh. Họ thật sự là những tấm gương của lòng nhân ái, đức hy sinh. Họ thật sự là lá chắn sống trong đại dịch!

"Cơn bão" chưa ngưng. Chưa phải lúc ngồi lại cùng nhau tổng kết thật sự đầy đủ toàn diện về cuộc chiến chống dịch trong năm qua. Nhưng điều chắc chắn là, những gì đồng bào, chiến sĩ cả nước đã làm được thể hiện rõ sự thống nhất cao từ chủ trương tới hành động, khơi dậy sức mạnh vật chất, tinh thần của toàn dân tộc. Trong cuộc chiến ấy, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đã được nâng cao, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch, thực hiện "mục tiêu kép" vừa chống dịch, vừa phát triển sản xuất. Có thể tham khảo nhận xét của các tổ chức quốc tế khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước ta. Gần đây, trang tin Times of India của Ấn Độ viết ngắn gọn: "Chính phủ Việt Nam đã chủ động bảo vệ người dân trước dịch bệnh". Nhờ đó đã khơi dậy được ý thức dân tộc và sức mạnh đoàn kết, thúc đẩy hành động tập thể và trách nhiệm cao, đồng lòng chống đại dịch.

Ấn tượng trong cuộc chiến đấu này còn thể hiện ở chỗ, chúng ta đã chủ động và liên tục thay đổi các giải pháp phòng, chống dịch. Những giải pháp đó nhiều khi bắt đầu từ những sáng kiến của các địa phương, cơ sở. Nhưng có điều thành công đáng ghi nhận là, cuối năm 2021, chúng ta đã cơ bản hoàn thành Chiến lược tiêm vaccine toàn quốc, phủ nhanh và phủ rộng. Đây là tấm lá chắn an toàn và hiệu quả nhất. Một chủ trương lớn tạo hiệu ứng mạnh mẽ, tích cực: chuyển hướng từ "Zero Covid" sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.

Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ là sự cụ thể hóa rõ ràng nhất cho chủ trương thực hiện "trạng thái bình thường mới". Không thể "tách" hết, "bóc" hết F0 ra khỏi cộng đồng. Chung sống với Covid-19, nhưng lại phải tỉnh táo, thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh mới. Xin được nhắc câu nói của C.Darwin (1809-1882)-nhà tự nhiên học người Anh-có lẽ phù hợp trong lúc này: "Người chiến thắng không phải người khỏe nhất, càng không phải người thông minh nhất, mà là người giỏi thích nghi nhất". Những ngày cuối năm, từ thành phố đến làng quê như vừa hồi sinh. Trên các tuyến đường Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã đông đúc trở lại. Nhà máy, công xưởng vào ca. Bầu trời đã "mở cửa". Các đường bay quốc tế từng bước nối lại. Chuyện bình thường thế mà cũng gian nan là thế.

Tuy nhiên, nguy hiểm vẫn chưa hề giảm. Vẫn phải chú trọng phương châm "cách ly, xét nghiệm là then chốt, vaccine, thuốc điều trị là điều kiện tiên quyết". Không bao giờ được sao lãng việc phòng, chống dịch. "Pháo đài" vững chắc đến đâu thì cũng phải bắt đầu từ mỗi người, mỗi nhà. Và nhiệm vụ quan trọng trước thềm năm mới 2022 vẫn là, thúc đẩy sản xuất phát triển, bền vững, an toàn.

Từ cuối tháng 10, nền kinh tế nước ta đã có dấu hiệu hồi phục. Tại một cuộc tọa đàm về phát triển kinh tế-xã hội, một số nhà nghiên cứu nhận định, GDP năm 2021 có thể giữ được tốc độ tăng trưởng dương (khoảng 2%-2,5%). Tuy đó là mức thấp nhất từ hơn 10 năm qua, nhưng vẫn là dấu hiệu tốt khi trên thế giới nhiều nền kinh tế suy giảm sâu, thường nói nôm na là "tăng trưởng âm". Năm tới, quá trình phục hồi kinh tế có thể diễn ra theo nhịp độ khác nhau, thể hiện qua mô hình đồ thị tăng trưởng GDP theo hình các chữ V, U, hay L. Nhưng dù phục hồi theo mô hình "chữ" nào thì cũng đòi hỏi phải kiểm soát thật tốt dịch bệnh, đưa các doanh nghiệp vào hoạt động có hiệu quả. Các doanh nghiệp, ngành kinh tế phải bắt đầu một diện mạo mới, một mô hình kinh doanh mới theo hướng đổi mới, sáng tạo, phát triển bền vững, đủ khả năng kháng cự và chống chịu trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khôn lường.

Một năm bộn bề khó khăn sắp qua. Dẫu chưa thể kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh, nhưng những cố gắng của đồng bào, đồng chí cả nước đã thêm một lần khẳng định tinh thần, ý chí và bản lĩnh Việt Nam. Bản lĩnh vượt khó sẽ tiếp thêm động lực để chúng ta bước vào năm mới với nội lực mạnh mẽ, phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022, vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào giữa thế kỷ 21.