Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV

Khắc phục khó khăn, tạo đà bứt phá

Ngay trong tuần làm việc thứ nhất của Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022. Thực tiễn đòi hỏi, chúng ta phải nhanh chóng khắc phục mọi khó khăn, nhất là hậu quả do dịch Covid-19, tạo đà bứt phá.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ, sáng 25/5. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu ý kiến thảo luận tại tổ, sáng 25/5. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Làm rõ những nút thắt, hạn chế

Báo cáo của Chính phủ về bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022 được nhiều đại biểu đánh giá cao với không ít tín hiệu tích cực. Theo đó, năm 2021 là năm đối diện nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, dịch Covid-19 bùng phát trên toàn quốc, diễn biến nhanh, phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh và mọi mặt đời sống kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Cùng đó, sự chuyển hướng chiến lược từ "phòng, chống dịch Covid-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19", đã giúp kinh tế-xã hội đất nước có nhiều khởi sắc, GDP quý IV/2021 tăng 5,22%, cả năm đạt 2,58%, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Những tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế, chính trị thế giới diễn biến phức tạp, giá xăng, dầu tăng, lạm phát có xu hướng tăng cao, các nền kinh tế lớn thu hẹp quy mô nới lỏng chính sách tiền tệ, tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại; các tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2022 từ 4,4% xuống 3,6%. Trong nước, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô lên đến 347.000 tỷ đồng và nhiều cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ kịp thời cho phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, chủ động trong công tác phòng, chống dịch. Đến nay, dịch bệnh được kiểm soát, nền kinh tế đang phục hồi và phát triển tích cực; GDP quý I/2022 ước tăng 5,03%, kinh tế vĩ mô ổn định, các ngành, lĩnh vực đang tăng trưởng trở lại.

Tuy nhiên, trong Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cảnh báo, kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn vẫn còn tiềm ẩn rủi ro, kiểm soát lạm phát gặp khó khăn. Giai đoạn tới, cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài; nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó trong trường hợp giá dầu thế giới biến động lớn cũng như thực hiện hoãn, giãn việc tăng các sắc thuế, phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng.

Trong các phiên thảo luận tại tổ và cả trao đổi ở hành lang phòng họp Diên Hồng, không ít ý kiến đại biểu đã thẳng thắn cho rằng, tình hình giải ngân vốn đầu tư công vẫn trì trệ. Cụ thể, tỷ lệ giải ngân bốn tháng đầu năm chỉ đạt 16,36% (thấp hơn mức 17,04% so cùng kỳ năm 2021) trong khi nhiệm vụ giải ngân năm 2022 rất nặng nề; các chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội triển khai chậm, các chính sách quan trọng vẫn đang trong quá trình xây dựng hướng dẫn, chưa được áp dụng vào thực tiễn, như chính sách hỗ trợ lãi suất, triển khai chương trình "Sóng và máy tính cho em", khơi thông nguồn vốn từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp,...

Tập trung khâu đột phá và bảo đảm tính đồng bộ

Đề xuất giải pháp ứng phó trong bối cảnh mới, ở góc độ kinh tế, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Quốc hội và Chính phủ cần sớm xem xét sử dụng các công cụ thuế để giảm giá xăng dầu, kiểm soát lạm phát càng sớm càng tốt. Vị đại biểu này phân tích, đối với ngân sách nhà nước, khi đặt vấn đề giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều người lo ngại sẽ gây thất thu ngân sách, nhưng thực tế nếu giảm thuế đó sẽ kéo giảm được lạm phát và chi ngân sách giảm theo.

Bên cạnh việc lo ngại giá cả leo thang khi nền kinh tế "bình thường mới" và hướng tới "bình thường", một số đại biểu dành mối quan tâm đặc biệt đến thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán. Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội), cần sớm khắc phục những điểm chồng chéo, tháo gỡ những bất cập, tạo điều kiện cho sự phát triển lành mạnh của thị trường bất động sản, bởi đây cũng là nền tảng của một nền kinh tế và là thị trường tài nguyên cơ bản của một quốc gia. "Tính ổn định dài hạn của thị trường bất động sản có liên quan trực tiếp đến hệ thống tài chính-ngân hàng, ổn định kinh tế vĩ mô và ổn định xã hội. Do đó, cần coi bất động sản là động lực, nếu biết khơi dậy, bất động sản sẽ trở thành động lực quan trọng nhất, có tính chất dẫn dắt sự phát triển của nền kinh tế quốc dân", ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Trên cơ sở dự báo từ nay đến cuối năm 2022, kinh tế-xã hội còn gặp nhiều thách thức, để đạt chỉ tiêu tăng trưởng năm 2022 khoảng 8-8,5% (gồm mức dự kiến 6-6,5% theo Nghị quyết số 32 và phần tăng thêm 2% nhờ tác động của chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội) và cả giai đoạn 2021-2025 đặt mục tiêu tới khoảng 6,5-7%, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đã đề nghị Chính phủ lưu ý bảy nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong quá trình thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là, đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện nghiêm Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Theo đó, để bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo, cần tập trung xây dựng, chỉnh lý một số luật quan trọng theo đúng tinh thần của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (Khóa XIII) của Đảng về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể,...