Hóa giải nan đề tăng trưởng kinh tế và bảo đảm các giá trị xã hội

Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng công bố mới đây, đã trình bày những nét cốt yếu nhất cho con đường phát triển của Việt Nam. Sự khẳng định các mục tiêu xã hội chủ nghĩa (XHCN) cũng cho thấy những nan đề trong mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và các giá trị xã hội mà chúng ta cần phải vượt qua.

Tạo nên cơ chế để thúc đẩy sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nghiệp tư nhân là yếu tố quan trọng trong sự nghiệp chung của đất nước. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Nhà máy sản xuất thiết bị điện thông minh của Tập đoàn Vingroup. Ảnh: NGUYỄN THÀNH
Tạo nên cơ chế để thúc đẩy sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nghiệp tư nhân là yếu tố quan trọng trong sự nghiệp chung của đất nước. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Nhà máy sản xuất thiết bị điện thông minh của Tập đoàn Vingroup. Ảnh: NGUYỄN THÀNH

Bài viết của người đứng đầu Đảng ta tiếp tục khẳng định hệ giá trị phát triển mà Việt Nam nhất quán theo đuổi là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh, công bằng, bình đẳng, và đoàn kết xã hội. Tổng Bí thư nêu rõ phương châm phát triển bền vững của Việt Nam: đó là phát triển “thực sự vì con người”, không chấp nhận sự “bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người”; giảm bất bình đẳng xã hội. Chúng ta hướng tới một xã hội nhân văn, nhân ái, đoàn kết, và tương trợ lẫn nhau. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phải “hài hòa với thiên nhiên” chứ không thể đánh đổi sự hủy hoại môi trường sống để có sự thịnh vượng về vật chất. 

Với đích đến là xã hội XHCN, bài viết của Tổng Bí thư cũng cho thấy sự kiên định về phương diện kinh tế. Mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN đặc trưng bởi tính chất nhiều thành phần, đa chủ thể, nhiều hình thức sở hữu, với kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Sự phân phối thành quả tăng trưởng kinh tế là dựa trên “kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và phân phối thông qua hệ thống an sinh xã hội, phúc lợi xã hội”. Tiếp tục “công nghiệp hóa và hiện đại hóa” nền kinh tế là chiến lược tổng thể cho phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm tới. 

Tổng Bí thư cũng đưa ra nhận định khách quan về chủ nghĩa tư bản trong thế giới đương đại. Theo đó, các động lực thị trường tư bản chủ nghĩa “chưa bao giờ mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học - công nghệ”. Tại Việt Nam, các động lực thị trường cũng góp phần quyết định, giúp cho nền kinh tế tăng trưởng cao và liên tục trong hơn ba thập niên qua (trung bình khoảng 7%/năm). Từ năm 2008, Việt Nam đã gia nhập vào nhóm các nước có mức thu nhập trung bình. 

Nhận thức rõ những bất cập của mô hình kinh tế thị trường tự do, bài viết cũng khẳng định Việt Nam sẽ không áp dụng rập khuôn hệ thống kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa. Thay vào đó, Việt Nam chỉ kế thừa có chọn lọc “những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đã đạt được trong thời kỳ phát triển chủ nghĩa tư bản”. Điều này cũng có nghĩa, định hướng XHCN cho phép sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế nhằm cân bằng giữa các lợi ích của các chủ thể đa dạng, giữa các mục tiêu kinh tế và mục tiêu xã hội, giữa các động lực thị trường và vai trò quản lý của nhà nước. 

Cũng theo bài viết, nhà nước can thiệp vào nền kinh tế thông qua “pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách và lực lượng vật chất để định hướng, điều tiết, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”. Có thể thấy, ba loại công cụ chính sách then chốt được sử dụng để điều khiển nền kinh tế theo định hướng XHCN, bao gồm: hệ thống hành chính, pháp luật, và các doanh nghiệp nhà nước. 

KHÁC với hệ tư tưởng kinh tế - chính trị tự do ở các nước tư bản chủ nghĩa, hệ giá trị XHCN mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang theo đuổi đặc biệt đề cao các lợi ích tập thể và giá trị cộng đồng. Điều này được thực hiện trong sự tôn trọng những lợi ích cá nhân chính đáng. Tuy nhiên, lợi ích cá nhân không thể đặt trên lợi ích tập thể. Nhất quán với tinh thần đó, bài viết của Tổng Bí thư khẳng định: “Xã hội XHCN là xã hội hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, dựa trên nền tảng lợi ích chung của toàn xã hội hài hòa với lợi ích chính đáng của con người, khác hẳn về chất so với các xã hội cạnh tranh để chiếm đoạt lợi ích riêng giữa các cá nhân và phe nhóm”.

Phương châm phát triển nêu trên khiến cho “tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội” trở thành một nguyên tắc chính trị và cũng là nan đề phát triển của Việt Nam. Thực tiễn tại các quốc gia đã đạt trình độ phát triển cao cho thấy, tăng trưởng kinh tế đòi hỏi sự giải phóng tối đa các nguồn lực tư nhân và động lực thị trường. Cũng có nghĩa, mở rộng tự do kinh tế và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng trở thành hai nhân tố hàng đầu, quyết định tốc độ tăng trưởng kinh tế. Thế nhưng, do sự đa dạng xã hội, tự do kinh tế và thúc đẩy cạnh tranh thị trường cũng sẽ dẫn đến sự phân hóa xã hội nhanh chóng và gia tăng bất bình đẳng xã hội. Muốn kiểm soát sự phân cực và giảm bất bình đẳng xã hội thì sự can thiệp trực tiếp của nhà nước như chúng ta đã và đang thực hiện sẽ ảnh hưởng đến mức độ tự do kinh tế và cạnh tranh thị trường, qua đó gây ra những hệ lụy tiêu cực cho sự tăng trưởng kinh tế.

ĐỊNH hướng XHCN coi trọng vai trò kiểm soát của chính quyền/nhà nước trong tiến trình kiến tạo sự phát triển quốc gia. Tuy nhiên, xu hướng vận động của xã hội hiện đại ngày càng bộc lộ những giới hạn khó vượt qua của nhà nước, cả về nguồn lực và năng lực tổ chức. Thực tế này gợi ra nhu cầu tất yếu về sự hợp tác giữa các chủ thể nhà nước và chủ thể ngoài nhà nước trong tiến trình phát triển quốc gia. 

Bối cảnh trong nước và quốc tế cũng cho thấy vai trò ngày càng tích cực của các chủ thể đa dạng (tư nhân, xã hội, phi lợi nhuận, và cá nhân công dân…) trong quá trình giải quyết các vấn đề chung của cộng đồng. Thực tế này làm nảy sinh sự đa dạng về nhận thức cũng như quan điểm và cách thức giải quyết vấn đề tập thể mà chúng ta đối diện. Điều này đặt ra nhu cầu về sự hợp tác đa chủ thể trên cơ sở tôn trọng lợi ích, hệ giá trị, cũng như quan điểm của các chủ thể tham gia vào tiến trình phát triển.

Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đề ra chủ trương xây dựng nền “quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”. Đây là sự phát triển về nhận thức phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Với tư duy quản trị, bên cạnh hệ thống chính quyền và các động lực thị trường, các nhà lãnh đạo quốc gia có thêm các mạng lưới kết nối chủ thể đa dạng để có thể huy động vào sự nghiệp chung của đất nước.

Do đó, để hóa giải được nan đề giữa tăng trưởng kinh tế và các mục tiêu xã hội, thách thức lớn nhất là phải dung hòa được những giá trị của hệ thống chính trị với những giá trị của các chủ thể đa dạng. Thách thức thứ hai là cần phải kiến tạo được các điều kiện thể chế để bảo đảm rằng các cam kết đa chủ thể có thể thực thi. Khi nhận thức rõ hai vấn đề này, mối quan tâm chính của các nhà lãnh đạo quốc gia sẽ chuyển trọng tâm từ bản thân chính sách sang các cơ chế và công cụ chính sách trong điều kiện mới.

TS NGUYỄN VĂN ĐÁNG

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh